Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút: Lẫy lừng một khúc tráng ca

08:05, 07/05/2015

Tính đến nay, trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút đã trải qua 230 năm (1785 - 2015). Và, nhìn lại trận chiến, các nhà nghiên cứu cho rằng 230 năm trước, tướng tài Nguyễn Huệ đã làm rạng ngời danh Việt bằng một khúc tráng ca lừng lẫy!

Một nhà nghiên cứu lịch sử nhận xét: “Chỉ trong thời gian một ngày, quân đội Tây Sơn đã tiêu diệt gọn nhiều vạn quân Xiêm - Nguyễn, đặt toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong dưới quyền kiểm soát của mình. Trong trận quyết chiến này, Nguyễn Huệ đã lợi dụng địa hình, vận dụng chiến thuật một cách linh hoạt... Xét toàn cục, cuộc tiến công trên có ý nghĩa chính trị, quân sự rất to lớn...”. Tính đến nay, trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút đã trải qua 230 năm (1785 - 2015). Và, nhìn lại trận chiến, các nhà nghiên cứu cho rằng 230 năm trước, tướng tài Nguyễn Huệ đã làm rạng ngời danh Việt bằng một khúc tráng ca lừng lẫy!
 
Có lẽ trong lịch sử Việt Nam (và không chỉ riêng Việt Nam) chưa hề có một đội quân bách chiến bách thắng nào chỉ trong một ngày có thể “đặt toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong dưới quyền kiểm soát của mình” như đội quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ. 
 
Rạch Gầm - Xoài Mút là hai địa danh thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay, cách TP Mỹ Tho chừng trên dưới 10km. Nơi đây, 230 năm trước (1785), Rạch Gầm - Xoài Mút từng là địa danh minh chứng của tài thao lược bậc nhất của tướng nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ bằng trận thủy chiến tài tình đánh tan đội quân Xiêm chỉ trong vòng một ngày! Hôm chúng tôi đến thăm khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, cô hướng dẫn viên du lịch thuộc làu làu: “Năm Giáp Thìn 1784, nhân khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại chạy sang cầu cứu, triều đình Xiêm của Chất Tri mừng rỡ vì thấy được cơ hội bành trướng đất đai về phía đông... Cuối tháng 11 năm 1784, Nguyễn Huệ nhận được tin báo, đã đưa quân thủy bộ từ Quy Nhơn (Bình Định) vào Gia Định và đóng quân ở Mỹ Tho gần cửa biển và cạnh cửa sông Tiểu của Tiền Giang. Trong khi đó, quân Xiêm và Nguyễn Ánh đã tới đóng ở Trà Tân (gần Cái Bè) phía tây bắc Mỹ Tho, thượng nguồn sông Tiền, để chuẩn bị đánh xuống Mỹ Tho”. Cô hướng dẫn viên tiếp tục thuyết minh: “Ngay sau khi đưa quân từ Quy Nhơn vào, tướng Nguyễn Huệ đã nghiên cứu khá kỹ thế trận giữa đôi bên và ông quyết định chọn hai con sông nhỏ của nhánh sông Tiền làm nơi giao chiến”. 
 
Sở dĩ Nguyễn Huệ chọn hai nhánh của sông Tiền làm nơi giao chiến là bởi, lúc này, tham vọng của quân Xiêm trong bối cảnh cầu viện của Nguyễn Ánh là chủ động tấn công; thêm nữa, về địa thế, giữa hai sông nhỏ Rạch Gầm và Xoài Mút có cù lao Thới Sơn rất thuận lợi cho việc phục kích thủy bộ. Và, cuối cùng, trận thủy chiến 230 năm trước chỉ diễn ra trong một ngày...”. Ở trận thủy chiến đó, quân Tây Sơn đã chốt giữ ở ba mũi của hình tam giác là cù lao Thới Sơn - Rạch Gầm, Xoài Mút - Mỹ Tho, với trung tâm chỉ huy được đặt tại điểm giữa Rạch Gầm và Xoài Mút. Tướng Xiêm là Chiêu Tăng bàn với Nguyễn Ánh: “Ta nên thừa thế mà đánh phá ngay. Xin hẹn đến đêm mồng chín tháng này (tháng chạp năm 1784), quốc vương đem ngự binh đi trước xông vào thuyền giặc; tôi cùng các tướng bản bộ đem tất cả chiến thuyền lớn nhỏ tiến lên phá các thuyền chắn ngang sông của giặc thì thế nào cũng toàn thắng”. Thế nhưng, khi quân Xiêm - Nguyễn huy động mọi lực lượng thủy binh và bộ binh vào trận chiến thì đội quân Tây Sơn cũng đã sẵn sàng nghênh chiến với tâm thế “kẻ yếu” để dụ địch vào ổ phục kích trên hai nhánh sông Rạch Gầm và Xoài Mút. Trên hai nhánh sông này, khi quân Xiêm - Nguyễn tấn công đến đâu, nghĩa quân Tây Sơn “rút” đến đó. Đến lúc thủy triều hạ, bất ngờ từ hai bên bờ sông Gạch Gầm và Xoài Mút, cùng với cù lao Thới Sơn, bộ binh của quân đội Tây Sơn ào ra với đạn pháo nổ giòn; cùng đó, thủy quân của Tây Sơn quay đầu thuyền nghênh chiến, chốt chặn hai đầu sông. 
 
Lời cô hướng dẫn viên: “Toàn bộ quân thủy, quân bộ của ta từ các vị trí mai phục nhất tề xông ra chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Toàn bộ chiến thuyền địch bị đánh đắm vì trúng đạn đại bác hoặc vì quân Tây Sơn xông lên tiêu diệt. Hầu hết quân địch bị giết chết tại trận, những kẻ cố bơi vào bờ thì bị bộ binh Tây Sơn tiêu diệt. Quân Xiêm bị thiệt hại gần 4 vạn trong số 5 vạn quân sang nước ta. Đội quân “cần vương” của Nguyễn Ánh cũng bị đánh cho tan tác. Tàn quân Xiêm - Nguyễn phải tháo chạy lên bờ, trốn sang đất Chân Lạp, sau đó lần mò tìm đường về Xiêm. Tập đoàn Nguyễn Ánh bị đánh tơi tả, phải lưu vong sang Xiêm...”. 
 
4 năm sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, anh hùng áo vải Quang Trung tiếp tục làm nên chiến thắng quân Thanh, giải phóng kinh đô Thăng Long cũng vào dịp đầu xuân - xuân 1789. Công chúa Ngọc Hân, người bạn đời của vua Quang Trung, đã khái quát: “Người anh hùng áo vải cờ đào/Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Hay như trong dân gian, để ca ngợi trận Rạch Gầm - Xoài Mút mà từ đó “người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”, người đời cũng đã để lại đôi dòng đã trở thành ca dao: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh”.
 
 THI HOÀNG