Nâng tầm giá trị cây dược liệu

NGỌC NGÀ 21:31, 21/01/2023

(LĐ online) - Mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao sản lượng, phát triển chế biến nâng cao giá trị sản phẩm là những hướng đi mà ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung thực hiện nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế về cây dược liệu trên địa bàn.

Đông trùng hạ thảo là một trong những loại dược liệu có giá trị ở Lâm Đồng
Đông trùng hạ thảo là một trong những loại dược liệu có giá trị ở Lâm Đồng

• ĐA DẠNG VỀ CHỦNG LOẠI        

Lâm Đồng có 3 vùng khí hậu gồm độ cao dưới 500m, độ cao từ 500 - 1.000 m và trên 1.000 m so với mực nước biển. Các vùng vùng này đều phù hợp để sản xuất các loại cây dược liệu khác nhau và chính điều này tạo ra sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên rừng Lâm Đồng cũng rất phong phú với 513 nghìn ha đất có rừng nên tỉnh có tiềm năng trong việc phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất cây dược liệu của tỉnh liên tục tăng cả về diện tích lẫn sản lượng. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 150ha cây dược liệu, đến năm 2019 đã tăng lên 410ha và đến 2022 có 548ha cây dược liệu. Tổng sản lượng dược liệu hiện nay đạt khoảng gần 10 nghìn tấn. 

Cây dược liệu ở Lâm Đồng hiện không chỉ được trồng trên đất nông nghiệp mà còn được trồng nhiều dưới tán rừng ở cả 12 huyện, thành phố. Nếu tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương phát triển mạnh cây actiso thì các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông phát triển đương quy; huyện Cát Tiên, Di Linh phát triển diệp hạ châu… Các loại dược liệu khác như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, đảng sâm, bồ công anh, tam thất, trà hoa vàng, thạch tùng răng cưa… được nhiều nông hộ ở khắp các huyện, thành phố của tỉnh sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện đơn vị đã và đang nghiên cứu thực hiện mô hình trồng xen dưới tán rừng đối với các loại cây dược liệu khai thác tự nhiên. Trong đó bao gồm cây sâm Panax sp phân bố tại các khu rừng ở huyện miền núi Đam Rông; cây hà thủ ô ở huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng; cây xáo tam phân tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương; cây huyết đằng ở huyện Cát Tiên và cây cẩu tích ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Các loại dược liệu như sâm cau, trà hoa vàng, chè dây leo, nghệ đen, sa nhân được đánh giá là phù hợp với mô hình trồng xen dưới tán rừng.

Việc sản xuất cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số cây nông nghiệp truyền thống. Theo thống kê và đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất actiso đạt lợi nhuận gần 600 triệu đồng/ha/năm; sản xuất nấm linh chi cho lợi nhuận 665 triệu đồng/ha/năm; nấm đông trùng hạ thảo cho lợi nhuận 810 triệu đồng/ha/năm; đảng sâm cho lợi nhuận 330 triệu đồng/ha/năm…

• SẢN LƯỢNG DƯỢC LIỆU ĐẠT 18 NGHÌN TẤN VÀO 2025

Để khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án Phát triển vùng sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu giai đoạn 2020 - 2025. 

Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, đề án tập trung phát triển quy mô, diện tích dược liệu trên diện rộng. Theo đó, đề án hỗ trợ 70 mô hình với tổng diện tích khoảng 18ha áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu theo hướng GAP gắn với chế biến. Các mô hình này sẽ phát triển các loài dược liệu mới, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. 

Ngành Nông nghiệp đang tập trung vào phát triển các loại có thế mạnh như actiso, nấm linh chi, đương quy, đảng sâm… và phấn đấu diện tích trồng dược liệu trên toàn tỉnh đạt khoảng 718ha vào năm 2025. Trong đó có 230,4ha là dược liệu trồng xen trên đất nông nghiệp, 293ha trồng thuần trên đất nông nghiệp và 194,5ha trồng dưới tán rừng. Ngành Nông nghiệp cũng đặt mục tiêu tổng sản lượng dược liệu vào năm 2025 là trên 18 nghìn tấn. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và nâng giá trị sản xuất dược liệu bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm dược liệu chế biến đến năm 2025 của địa phương cũng đạt khoảng 30%. 

Ông Nguyễn Văn Diện, cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức thu mua, chế biến các sản phẩm cây dược liệu. Về thị trường tiêu thụ, khoảng 80% sản phẩm dược liệu các loại của địa phương được tiêu thụ trong nước, còn lại 20% là xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp…

Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt phát triển các nhà máy, nhà xưởng sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. 

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống dược liệu tập trung. Việc sản xuất giống dược liệu mới chỉ mang tính thời vụ, sản xuất theo đơn đặt hàng. Địa phương cũng chưa có cơ sở sản xuất giống dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh cũng chưa xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng giống cây dược liệu. Các biện pháp nhân giống dược liệu hiện nay cũng chưa được đánh giá, xây dựng thành quy trình cụ thể, giống chưa được kiểm soát trước khi cung ứng cho người dân. Một số giống dược liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc di thực từ các tỉnh thành khác về trồng như đương quy, đảng sâm… Đó là những vấn đề đang đặt ra cho phát triển cây dược liệu hiện nay đòi hỏi các đơn vị liên quan cần tháo gỡ để phát triển nhóm cây trồng này tương xứng với tiềm năng.