Khuyến cáo cách ứng phó với cuộc gọi ''quấy nhiễu'' từ các tạp chí

09:10, 07/10/2022
(LĐ online) - Liên tục nhận được các cuộc điện thoại, giấy giới thiệu xin làm việc, phỏng vấn của nhiều tạp chí, trang thông tin không rõ cơ quan chủ quản, tôn chỉ hoạt động… đang làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là vấn đề đang được phản ánh nhiều, gây hoang mang cho một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Công tác chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí cần được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm (ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương)
Công tác chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí cần được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm (ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương)

 

NHẬN DIỆN “BÁO HÓA” TẠP CHÍ
 
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện nhiều người với giấy giới thiệu đến từ các tạp chí, liên tục gọi rất nhiều cuộc điện thoại tới các doanh nghiệp, tổ chức trong khắp tỉnh với các yêu cầu làm việc các nội dung không liên quan đến chức năng của tên gọi tạp chí đó. 
 
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng phản ánh gần đây thường xuyên nhận được nhiều cuộc điện thoại xưng là phóng viên đến từ các tạp chí, các cuộc gọi nhiều đến nỗi mất cả tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống cá nhân của người trực tiếp bị nhận các cuộc gọi…
 
Trước tình trạng này, ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sở đã nhận được một số phản ánh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan… về tình trạng bị quấy nhiễu bởi một số tờ báo, tạp chí mà tôn chỉ mục đích của họ không liên quan đến vấn đề xin làm việc, phỏng vấn. Cụ thể là tình trạng phóng viên của tạp chí, trang tin điện tử được cấp giấy giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tác nghiệp, yêu cầu cung cấp các thông tin để đăng tải tin, bài về các vấn đề không phù hợp với tôn chỉ, mục đích, trái với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí được quy định trong Luật Báo chí. 
 
Theo quy định, tạp chí được định nghĩa là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể chủ yếu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành mình, địa phương mình, nhưng lại có hiện tượng đưa tin tức thời sự, cử phóng viên điều tra trong mọi lĩnh vực, như một tờ báo. Vấn đề “nhức nhối” này, Bộ Thông tin và truyền thông đã công bố Bộ nhận diện "báo hoá" tạp chí với những tiêu chí cụ thể như: Nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích; cử phóng viên tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích. Và cần mạnh tay ngăn chặn "báo hóa" tạp chí bởi một trong những hậu quả lớn nhất là gây mất lòng tin của người dân vào báo chí.
 
Việc nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan tạp chí, trang tin điện tử ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan đó. Không những vậy, còn tạo tai tiếng chung cho đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật; gây bức xúc trong dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
 
CẦN CHẤN CHỈNH QUYẾT LIỆT
 
Tháng 7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bộ nhận diện "báo hoá" tạp chí với những tiêu chí cụ thể như: Nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích; cử phóng viên tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích. Mạnh tay ngăn chặn "báo hóa" tạp chí bởi một trong những hậu quả lớn nhất là gây mất lòng tin của người dân vào báo chí.
 
Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.
 
Về tình trạng đang xảy ra đối với một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng đưa ra khuyến cáo: Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cần hết sức bình tĩnh khi nhận được các cuộc gọi hẹn làm việc từ các tạp chí, nên xem xét kỹ nội dung trong giấy giới thiệu có đúng với tôn chỉ, mục đích của tạp chí đó hay không và nếu có các dấu hiệu bị quấy nhiễu, đe dọa thì cần báo ngay với Sở để có biện pháp xử lý theo quy định.
 
Với các nội dung được yêu cầu trả lời, theo Luật Báo chí nếu không có yêu cầu bằng văn bản/quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan nhà nước (trong từng trường hợp cụ thể) sẽ có văn bản gửi doanh nghiệp và trong văn bản phải nêu rõ căn cứ yêu cầu cung cấp.
 
Còn nhiệm vụ của doanh nghiệp, ở Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định về cung cấp thông tin cho báo chí như sau: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
 
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây: Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố; những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
 
Bên cạnh đó, đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
 
Đồng thời, Chính phủ cũng quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
 
Trong quá trình tiếp xúc với phóng viên hoặc nhà báo, xử lý yêu cầu cung cầu cung cấp thông tin, các đơn vị cần lưu ý: - Đề nghị nhà báo cung cấp thẻ nhà báo, nếu là phóng viên thì cung cấp giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, giấy tờ tùy thân như CMND hoặc căn cước công dân. Đối với thẻ nhà báo phải còn thời hạn sử dụng, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, nếu thẻ nhà báo do cơ quan báo chí nước ngoài cấp thì phải có sự đồng ý cho phép hoạt động tại Việt Nam của Bộ TTTT. Khi đã có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu, người có thẩm quyền cung cấp thông tin vào website của Bộ TTTT để tìm hiểu về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí kiểm tra xem yêu cầu cung cấp thông tin của nhà báo, phóng viên đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí hay không. Khi đối chiếu với tôn chỉ, mục đích: nếu yêu cầu của nhà báo, phóng viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích thì hẹn cung cấp thông tin (hẹn ngày đến làm việc trả lời trực tiếp hoặc hẹn cung cấp bằng văn bản). Nếu yêu cầu cung cấp thông tin không phù hợp tôn chỉ, mục đích thì trả lời thẳng lý do từ chối cung cấp thông tin.
 
Trước thực trạng “báo hóa” đang diễn ra, công tác chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí cần được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm.
 
Từ tháng 10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; Bộ Thông tin và Truyền thông cương quyết xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.
 
DIỄM THƯƠNG