"Chịu chơi" như người cao tuổi Tân Lâm - Di Linh

06:10, 31/10/2019

Không chịu chơi sao được khi xã vùng sâu Tân Lâm - Di Linh đã cử trên 50 VĐV lên thi đấu tất cả các môn tại Hội thao Người cao tuổi Lâm Đồng 2019 tại Đà Lạt trong tháng 10 vừa qua và giành giải nhất toàn đoàn.

Không chịu chơi sao được khi xã vùng sâu Tân Lâm - Di Linh đã cử trên 50 VĐV lên thi đấu tất cả các môn tại Hội thao Người cao tuổi Lâm Đồng 2019 tại Đà Lạt trong tháng 10 vừa qua và giành giải nhất toàn đoàn.
 
Ông Bùi Văn Nghinh (bên phải) đang nhận cúp của Ban tổ chức hội thao trao cho VĐV nam lớn tuổi nhất
Ông Bùi Văn Nghinh (bên phải) đang nhận cúp của Ban tổ chức hội thao trao cho VĐV nam lớn tuổi nhất
 
Tuổi cao - tinh thần cao
 
Với ông Nguyễn Thái - 56 tuổi, người Thôn 3, xã Tân Lâm - Di Linh, đây đã là lần thứ hai ông được vinh dự chọn làm thành viên để góp mặt trong đội hình người cao tuổi đại diện cho xã nhà đi thi đấu tại Hội thao Người cao tuổi cấp tỉnh.
 
Là một nông dân thứ thiệt, sinh sống trong một huyện chuyên canh cà phê nổi tiếng của Lâm Đồng, gia đình ông hiện canh tác 5 ha cà phê. “Thì cũng đủ sống như mọi người chung quanh thôi, xã tôi không ai không làm cà phê đâu” - ông khiêm tốn.
 
Ông Thái vốn người quê Quảng Bình, vào Lâm Đồng sinh sống từ năm 1986, gia đình ông có 3 cô con gái chỉ lo chuyện ăn học, giờ một đã cô có gia đình, có việc làm tại Đà Lạt, 1 cô học tại TP HCM và cô út cũng đang ăn học, toàn bộ vườn cà phê trên chỉ ông và vợ chăm lo hằng ngày.
 
Chỉ khi trò chuyện thì mới biết người nông dân thứ thiệt này từng tốt nghiệp một trường TDTT chuyên nghiệp, nhưng rồi sau khi tốt nghiệp ông chỉ theo nghề một quãng thời gian ngắn rồi lập gia đình, vợ chồng vào lập nghiệp trên quê mới Di Linh này, ngày đêm sớm tối chỉ lo chuyện làm ăn mưu sinh. “Bận rộn quá nên giờ chỉ còn chơi cờ tướng mà thôi” - ông Thái cười. 
 
Có tiếng về cờ tướng tại xã nhà nên ông Thái đại diện cho Tân Lâm thi đấu trong môn cờ, lần thi đấu tại Hội thao Người cao tuổi Bảo Lộc năm trước ông không giành được giải, nhưng lần này tại Đà Lạt thành tích của ông đã cải thiện một cách ngoạn mục khi đoạt chức vô địch môn cờ tướng Hội thao.
 
Với ông chiếc Huy chương Vàng là một niềm vui lớn, nhưng ông nói với chúng tôi rằng, dù có không được giải thì ông vẫn vui. “Được gặp gỡ nhiều người trong tỉnh là niềm vui rồi” - ông nói.
 
Một thành viên khác của đội Tân Lâm, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, 59 tuổi, người Thôn 2 của xã, cũng chia sẻ rằng niềm vui của người cao tuổi như bà là được đi đây đi đó, được giao lưu, chia sẻ “sống vui, sống khỏe” như tinh thần Hội Người cao tuổi nêu ra là được.
 
Chính để sống vui, sống khỏe nên bà Mai là một trong những người tiên phong ở Tân Lâm trong vận động người cao tuổi luyện tập thể dục dưỡng sinh. Đến nay nhiều thôn trong xã đã có đội dưỡng sinh đang hoạt động, xã cũng có một đội luyện tập thường xuyên đi thi đấu ở cấp huyện, đi giao lưu cùng các xã khác và chính bà là Đội trưởng, Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh xã Tân Lâm.
 
Nhưng bà Mai còn góp sức phát triển môn bóng chuyền hơi nữ người cao tuổi tại xã. Chỉ trong vòng 2 năm nay, cả xã Tân Lâm đã có 4 đội bóng chuyền hơi nữ ở các thôn với chừng 40 người chơi hằng ngày. Ở cấp xã Tân Lâm có một đội bóng chuyền hơi nữ và chính bà Mai là đội trưởng; đội bóng này không chỉ tham gia giải huyện mà còn thường xuyên giao lưu thi đấu với các đội xã tại Di Linh, với các huyện chung quanh và các huyện của tỉnh Đăk Nông. Tại Hội thao Người cao tuổi 2019 lần này, đội bóng chuyền nữ Tân Lâm chỉ giành được hạng ba với tấm Huy chương Đồng cùng đội xã Lộc An - Bảo Lâm nhưng với bà Mai, đây cũng là niềm vui và sự động viên tinh thần rất lớn cho đội.
 
Đến với Hội thao, Tân Lâm năm nay còn có một VĐV rất đặc biệt, đó là ông Bùi Văn Nghinh, đã 85 tuổi, vào hàng lớn tuổi nhất giải nhưng vẫn thi đấu tốt ở môn bóng cửa.
 
Sinh năm 1934, ông Nghinh người dân tộc Mường ở Hòa Bình, cùng gia đình vào Tân Lâm, Di Linh lập nghiệp từ năm 1991. Không chỉ là nông dân siêng làm với trên 4 ha cà phê canh tác, ông Nghinh cũng là một người yêu thể thao, yêu văn nghệ dù lớn tuổi, chơi được đàn, sáo; từ thời thanh niên ông đã là một cầu công của bóng chuyền, đến giờ ông bảo vẫn còn chơi được bóng chuyền nhưng thôi, chuyển sang bóng cửa cho… an toàn. Ông kể đã nhiều lần giành được huy chương thể thao tại Hòa Bình nhưng đây là lần đầu tiên ông tham gia Hội thao cấp tỉnh tại Lâm Đồng và góp phần không nhỏ vào tấm Huy chương Đồng đồng hạng của Tân Lâm trong môn bóng cửa. Là VĐV lớn tuổi nhất giải nhưng ông vẫn tự tin: “Cứ còn sức khỏe thì tôi còn tham dự”.
 
Đoàn VĐV của Hội Người cao tuổi Tân Lâm
Đoàn VĐV của Hội Người cao tuổi Tân Lâm
 
Tự nguyện đóng góp tham gia giải
 
Theo ông Kiều Viết Toàn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Lâm, mặc dù là một trong những xã vùng sâu nhưng Tân Lâm trong nhiều năm nay là một trong những xã đi đầu trong phong trào người cao tuổi “sống vui, sống khỏe” của huyện Di Linh.
 
Cụ thể, theo ông Toàn, rất nhiều người trong tổng số 510 hội viên người cao tuổi của xã (xã có khoảng 800 người cao tuổi) chọn các môn thể thao phù hợp để tập luyện hằng ngày, từ thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, bóng cửa… Hầu hết các thôn trong xã đều có sân sinh hoạt TDTT tại các nhà sinh hoạt cộng đồng hay do người dân tự lập nên tại các sân phơi cà phê. Người cao tuổi trong xã cũng tích cực tham gia các hoạt động về văn hóa, điển hình là các đội cồng chiêng đang hoạt động rất tích cực tại Thôn 2, Thôn 4, Thôn 7…
 
Để khuyến khích phong trào, Hội Người cao tuổi xã hằng năm nơi đây đã kết hợp với chính quyền và các đoàn thể trong xã tổ chức nhiều hoạt động cho người cao tuổi trong đó có các giải thể thao. Hội cũng phối hợp với xã để cử các đội TDTT người cao tuổi tham dự các giải huyện.
 
Với giải cấp tỉnh, năm nay đã là lần thứ 4 Hội Người cao tuổi xã cử đội hình tham dự. Tuy nhiên, lần tham dự này đến 50 VĐV, đông nhất từ trước đến nay. Tân Lâm trong đợt này thi đấu tất cả các bộ môn của hội thao, từ cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, bóng cửa, bóng chuyền hơi nam, bóng chuyền hơi nữ. 
 
Điều đáng nói, bên cạnh sự hỗ trợ của xã, toàn bộ VĐV trong đoàn đã tự nguyện đóng góp với nhau để trang trải mọi thứ cho chuyến đi Đà Lạt lần này, từ xe cộ, ăn ở trong suốt những ngày thi đấu. “Không được giải cũng vui mà được giải cũng vui, đoàn của xã tham dự với tinh thần của người cao tuổi, tuổi cao tinh thần càng cao, đến đây để học hỏi, giao lưu, huy chương này mang về để động viên con cháu mình cũng cố gắng theo ông bà mà tập luyện TDTT” - ông Toàn vui vẻ.
 
GIA KHÁNH