Từng bước đưa võ cổ truyền vào trường học

05:05, 28/05/2020

Đã có nhiều ngôi trường trong tỉnh bắt đầu đưa võ cổ truyền vào học đường, thành lập các câu lạc bộ cùng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi.

Đã có nhiều ngôi trường trong tỉnh bắt đầu đưa võ cổ truyền vào học đường, thành lập các câu lạc bộ cùng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi.
 
Võ sư Trương Văn Bảo (áo đen) đang hướng dẫn luyện tập võ cổ truyền tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng
Võ sư Trương Văn Bảo (áo đen) đang hướng dẫn luyện tập võ cổ truyền tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng
 
Những ngôi trường tiên phong
 
Nằm ở xã Hoài Đức trong vùng sâu Lâm Hà, Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng là một trong những ngôi trường tiên phong trong việc đưa võ cổ truyền vào học đường phổ thông của huyện Lâm Hà và của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, thầy giáo trẻ Nguyễn Bách Nam dạy thể dục của trường sau khi tham gia tập huấn chương trình Võ cổ truyền học đường do tỉnh tổ chức đã đưa bài tập bộ môn này thành bài tập thể dục giữa giờ cho học sinh. “Rất hào hứng, học sinh tiếp thu rất nhanh” - thầy giáo Nam cho biết. 
 
Đó là bài Công pháp 45 động tác dành cho học sinh bậc học trung học phổ thông (mỗi bậc học có một bài vận động khác nhau, phù hợp với độ tuổi). Bài tập này tuy khá phức tạp nhưng như thầy giáo Nam cho biết, cả 800 học sinh từ khối lớp 10 đến 12 của trường chỉ từ 3-4 tuần đều thuộc. 
 
Thông thường, mỗi buổi học có 15 phút nghỉ giải lao giữa 2 tiết cho học sinh, theo hiệu lệnh của trường học sinh tất cả các lớp sẽ ra dàn đội hình và bắt đầu cho bài thể dục giữa giờ chừng 10 phút; 5 phút còn lại là thời gian cho các em nghỉ, thư giãn.
“Hiệu quả thấy rất rõ, học sinh đến giờ ra lớp xếp hàng rất nhanh, các em làm rất đều, đúng động tác, bài tập rất hiệu quả, giúp giải tỏa mệt mỏi, có thêm năng lượng để học những tiết còn lại trong buổi học” - thầy Nam nói. 
 
Và không chỉ là bài tập thể dục giữa giờ, nhiều học sinh trong trường còn đăng ký tham gia CLB Võ cổ truyền của trường. “Trước đây, từng có nhiều phụ huynh hỏi về chuyện học võ để các em khỏe, biết cách tự vệ. Nay võ được học trong trường nên nhiều phụ huynh rất vui. Nhiều em còn tham gia tập luyện tại các CLB võ thuật bên ngoài trường, tham gia thi đấu giành huy chương giải huyện” - thầy Nam cho biết.
 
Trong năm nay, thầy Nam đang chờ tỉnh tổ chức lớp tập huấn lần hai để học thêm bài Lão Mai quyền dành cho học sinh trung học phổ thông rồi về phổ biến tại trường. “Cứ một học kỳ áp dụng bài Công pháp 45 động tác, một học kỳ thay bằng bài Lão Mai quyền để học sinh đỡ nhàm chán, tạo hưng phấn trong giờ thể dục giữa giờ” - thầy Nam suy nghĩ.
 
Một ngôi trường khác cũng đưa võ cổ truyền vào giảng dạy trong 4 năm gần đây, đó là Cao đẳng Y tế Lâm Đồng. Điểm đặc biệt của trường này theo Võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng và chính là người trực tiếp giảng dạy ở đây, là cả giáo viên cùng sinh viên của trường đều học. Trung bình mỗi tuần 1 tiết, các bài dạy ở đây gồm các bài tự vệ, các bài quyền, các bài khí công, y võ. 
 
Để võ cổ truyền vào học đường 
 
Phát triển rất mạnh trong những năm gần đây, võ cổ truyền hiện đã có mặt trong 12 huyện, thành của Lâm Đồng với 36 CLB, phòng tập; gần 100 võ sư, HLV và trên 4.000 môn sinh tập luyện thường xuyên hằng ngày, trong đó chủ yếu là học sinh các cấp phổ thông, sinh viên. Tập trung nhiều nhất hiện nay là thành phố Đà Lạt với 12 CLB, phòng tập; Bảo Lộc có 6 CLB và phòng tập; các huyện, thành còn lại có khoảng 2-3 phòng tập nhưng có những địa phương chỉ có 1 phòng tập như Lạc Dương và Đạ Tẻh.
 
Võ cổ truyền lâu nay chính là bộ môn có thế mạnh của thể thao Lâm Đồng, nhiều năm liền trong tốp 10 các tỉnh, thành, ngành trong nước, mang không ít huy chương về cho thể thao Lâm Đồng từ các giải quốc gia, quốc tế. Như năm 2019 vừa qua, bộ môn này đã mang về cho Lâm Đồng 28 huy chương, trong đó có 18 Huy chương Vàng. Trong số Huy chương Vàng này có huy chương từ các giải quốc tế. 
 
Trong năm 2015, Chính phủ đã có chỉ đạo và sau đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất đưa môn võ cổ truyền Việt Nam vào các bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và vào chương trình giáo dục thể chất cho các cấp học phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương.
 
Theo Võ sư Trương Văn Bảo, nhiều môn võ đang phát triển tại Việt Nam hiện nay có môn có nguồn gốc trong nước, có môn có nguồn gốc hoặc ảnh hưởng từ nước ngoài. Dù khác biệt thì môn võ nào cũng giúp cho người học rèn luyện sức khỏe, nhân cách, hướng đến sự hoàn thiện “đức - trí - thể - mỹ”, nhưng để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, truyền thống lịch sử và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì không môn võ nào có thể thay thế võ cổ truyền Việt Nam.
 
Một thực tế việc đưa võ cổ truyền vào học đường Lâm Đồng những năm gần đây còn khá chậm. Vẫn chưa có một con số chính thức đã có bao nhiêu trong tổng số trên 450 ngôi trường từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trong tỉnh đã đưa võ cổ truyền vào học đường?
 
“Chậm lắm. Chưa có nhiều trường học đưa vào. Tùy thuộc vào ngành giáo dục, cấp sở, cấp phòng, cấp trường, còn liên đoàn luôn sẵn sàng đồng hành với các trường học, chúng tôi thậm chí có thể cử võ sư, HLV đến hỗ trợ cho các trường hoàn toàn miễn phí trong một thời gian nhất định, chủ yếu làm thế nào để phát triển bộ môn” - Võ sư Trương Văn Bảo khẳng định.
 
Trong năm 2019 vừa qua, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn võ cổ truyền học đường cho các học viên là thầy cô giáo thể dục đang dạy các trường học phổ thông trong tỉnh. Sau lớp này, đã có không ít trường học, như Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng - Lâm Hà, về triển khai trong trường mình. 
 
Theo ông Thái Văn Sự - cán bộ phụ trách công tác giáo dục thể chất - Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, Sở yêu cầu trong năm học này các trường học trong tỉnh cần đẩy mạnh việc tập luyện thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, có thể dùng các bài tập của võ cổ truyền cho các giờ tập này, chú ý đa dạng hóa, hấp dẫn, sôi động, phù hợp với sở thích của lứa tuổi. 
 
Sở cũng yêu cầu tùy theo cơ sở vật chất, đội ngũ, nhu cầu và nguyện vọng của học sinh để nhà trường tổ chức các CLB trường học, tạo môi trường rèn luyện thể chất cho học sinh; các môn tập luyện tại CLB học đường này có thể là một trong những môn thể thao tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất, có thể là võ cổ truyền; ưu tiên các môn thể thao được tổ chức trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp, trong hệ thống thi đấu giải quốc gia và quốc tế cũng như một số môn truyền thống của địa phương.
 
Với võ cổ truyền, trước mắt trong năm nay theo ông Sự, ngành giáo dục sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng tiếp tục tổ chức thêm 1 lớp tập huấn võ cổ truyền cho giáo viên thể dục, trọng tâm là việc hướng dẫn 3 bài võ cổ truyền căn bản công pháp cùng 3 bài Thần Đồng quyền (dành cho tiểu học), Ngọc Trảng quyền (cho trung học cơ sở) và Lão Mai quyền (cho trung học phổ thông) để phục vụ bài tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ cho học sinh.
 
GIA KHÁNH