Nâng tỷ lệ dân cư tập luyện TDTT lên 38% trong 4 năm đến

05:09, 23/09/2021

Nhiều chỉ tiêu đã được Lâm Đồng đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2030 sắp đến, trong đó có mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ dân cư tập luyện thể dục thể thao từ mức trên 35% hiện nay lên mức 38% trong năm 2025. 

 

Nhiều chỉ tiêu đã được Lâm Đồng đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2030 sắp đến, trong đó có mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ dân cư tập luyện thể dục thể thao (TDTT) từ mức trên 35% hiện nay lên mức 38% trong năm 2025. 
 
Một giải thể thao phong trào được tổ chức tại thành phố Đà Lạt trong năm 2020
Một giải thể thao phong trào được tổ chức tại thành phố Đà Lạt trong năm 2020
 
Trung tuần tháng 7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030. 
 
Kế hoạch này là bước cụ thể hóa của tỉnh theo Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
 
Kế hoạch cũng đưa ra hướng dẫn cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương nhằm tổ chức, triển khai, thực hiện thống nhất và hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, ý chí, nhân cách, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Thông qua cuộc vận động, nhằm khuyến khích công dân mỗi người tự chọn cho mình ít nhất một môn thể thao phù hợp để tập luyện, tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời để nâng cao sức khỏe, thể chất cho mục tiêu “Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, “Dân cường thì quốc thịnh” như Bác Hồ từng căn dặn. Mục tiêu của tỉnh là phát triển rộng rãi hơn phong trào TDTT quần chúng trong toàn dân, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn. 
 
Cuộc vận động được tỉnh yêu cầu phải gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đang được các cấp trong tỉnh phát động hiện nay. Trong thực hiện luôn chú ý phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư; lấy khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học là địa bàn chính để triển khai; đồng thời cũng là cơ sở để đề ra các nội dung, tiêu chí và đánh giá hiệu quả. Các ban, ngành, các địa phương cần phát huy trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung và chỉ tiêu của cuộc vận động này.
 
Ưu tiên phát triển TDTT trong vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Trong ảnh: Thi đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số  tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV năm 2020 tại Di Linh.
Ưu tiên phát triển TDTT trong vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Trong ảnh: Thi đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV năm 2020 tại Di Linh.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu trong tổ chức thực hiện cuộc vận động cần đảm bảo tính thiết thực, chất lượng và hiệu quả; việc đánh giá kết quả cuộc vận động này phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua; ghi nhận và kịp thời khen thưởng những đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân các cấp.
 
Nhiều chỉ tiêu đã được tỉnh đặt ra cho giai đoạn sắp đến 2021 - 2030 này, trong đó phấn đấu số người dân trong tỉnh tham gia luyện tập TDTT thường xuyên từ trên 35% hiện nay đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 38% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 42% dân số của tỉnh. Đồng thời, số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 29,5% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 32% số hộ gia đình trong tỉnh.
 
Về cơ sở vật chất dành cho TDTT, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ 100% số xã có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 1 câu lạc bộ TDTT cơ sở được thành lập và công nhận; đến năm 2030, toàn bộ 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có ít nhất 3 câu lạc bộ TDTT cơ sở được thành lập và công nhận.
 
Trong khối trường học của tỉnh, chỉ tiêu là toàn bộ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 95% vào năm 2025 và 98% vào năm 2030; phấn đấu trên 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2025 và 98% vào năm 2030.
 
Toàn bộ 100% cơ sở giáo dục phổ thông đến năm 2025 duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng và giữa giờ, trong đó có 70% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; có 50% trường mầm non, 85% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy hoặc phổ biến môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đến năm 2030, có 85% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; có 60% trường mầm non, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy hoặc phổ biến môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
 
Tỉnh cũng phấn đấu toàn bộ các trường học phổ thông có câu lạc bộ TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT trong học đường; đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt từ 75 - 80% và đến năm 2030 đạt từ 85 - 90% tổng số trường. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt trên 90% và đến năm 2030 đạt trên 95% tổng số học sinh phổ thông các cấp.
 
Với lực lượng vũ trang, trong Quân đội nhân dân, tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên, tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sỹ theo quy định, tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định và tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đều phải đạt 100%. Riêng tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt 97% trở lên; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt từ 93% trở lên; toàn bộ 100% đơn vị cấp trung đoàn có khu sân tập luyện thể thao cơ bản, trên 60% đơn vị có hồ bơi đơn giản.
 
Trong lực lượng Công an nhân dân; tỷ lệ các đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên, tỷ lệ các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định, tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ tham gia kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định và tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên đều phải đạt 100%. Riêng tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt từ 95% trở lên; công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động TDTT đạt 100%.
 
Với các địa phương, yêu cầu của tỉnh là toàn bộ xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố trong tỉnh phải tổ chức thành công Đại hội TDTT; 100% đơn vị cấp xã tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.
 
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị, các địa phương trong tỉnh cần sớm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và các hoạt động TDTT trong dịp tháng 3 hàng năm, nhằm tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc luyện tập TDTT để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc và thể lực, phòng chống bệnh tật; đồng thời, vận động mọi người lựa chọn môn thể thao thích hợp, cách thức luyện tập phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính, vùng miền, tình trạng sức khỏe để duy trì nề nếp, thói quen thường xuyên luyện tập hằng ngày; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu luyện tập TDTT của người dân.
 
VIẾT TRỌNG