Tấm lòng của người mẹ quê

05:11, 25/11/2020

Kiên cường, dũng cảm, giàu đức hy sinh là nhận xét của nhiều người khi nói về bà Vũ Thị Mừng (ngụ thôn An Bình, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), người mẹ quê cách đây 5 năm đã đưa ra một quyết định táo bạo: hiến đa tạng con trai mình giúp 6 người khác có cơ hội sống.

Kiên cường, dũng cảm, giàu đức hy sinh là nhận xét của nhiều người khi nói về bà Vũ Thị Mừng (ngụ thôn An Bình, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), người mẹ quê cách đây 5 năm đã đưa ra một quyết định táo bạo: hiến đa tạng con trai mình giúp 6 người khác có cơ hội sống.
 
Người mẹ quê Vũ Thị Mừng ôm di ảnh con trai Trần Vũ Minh Quang
Người mẹ quê Vũ Thị Mừng ôm di ảnh con trai Trần Vũ Minh Quang
 
Sự hy sinh lặng lẽ
 
“Tạch”, tiếng của chiếc bật lửa ga phát ra từ sự tác động của bà Mừng và rồi một ngọn lửa xanh lóe sáng, sau đó là mùi nhang thơm lan tỏa khắp căn phòng. Thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ người con trai vắn số Trần Vũ Minh Quang (1984 - 2015), bà Mừng ánh mắt vời vợi buồn: “Quang là đứa có chí và chịu nhiều thiệt thòi. 3 năm học cấp 3, Quang đã phải xa nhà để trọ học. Cuối tuần, Quang lại lọc cọc đạp xe đạp vượt 15 km về nhà”.
 
Tốt nghiệp cấp 3, Quang đăng ký thi đại học, chuyên ngành công nghệ thông tin. Năm thi đầu tiên, Quang chưa đậu. Tiếp tục ôn luyện với dự định sang năm thi tiếp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn (bố mẹ đồng lương ít ỏi, 3 em đang tuổi ăn học), Quang đành chuyển hướng đi học nghề cơ khí để phụ đỡ cha mẹ và 3 em. Ra nghề, Quang đi làm tại Bình Dương, đỡ được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bất ngờ tai họa ập tới, trong một ngày lao động, Quang ngã từ tầng 3 của tòa nhà xuống đất. “2 giờ sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại báo Quang hiện đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Tôi vội đi ngay trong đêm, 6 giờ sáng thì đến nơi”, bà Mừng kể về giờ khắc định mệnh xảy ra với người con trai.
 
Nhìn con bất động, bà Mừng thắt quặn từng khúc ruột, nghẹn ngào: “Mẹ và các em đã tới với con rồi đây”. Cầm tay con trai, bà Mừng cảm nhận được tay con đang cố nắm lấy tay mình. Mặc dù không nói được nhưng nơi khóe mắt của Quang chảy ra hai dòng nước mắt. Chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay ngày đầu tiên, các bác sĩ chỉ định mổ phổi và mổ lá lách cho Quang. Sau khi mổ lá lách, Quang hôn mê sâu. Tới ngày thứ 5, các bác sĩ thông báo, Quang đã chết não và vận động gia đình hiến tạng. “Tất cả quá đột ngột. Trước giờ, khái niệm hiến tạng hoàn toàn lạ lẫm với tôi. Tôi chưa hề có sự chuẩn bị. Thêm nữa, nỗi đau mất con đang dâng ngập tâm trí. Chưa kể, trước khi xảy ra biến cố này 7 tháng, chồng tôi cũng đột ngột qua đời. Vì vậy, quyết định đưa ra rất khó khăn”, bà Mừng nhớ lại.
 
Vượt qua định kiến
 
Bà Mừng gọi điện thoại hỏi ý kiến phía đằng nội, phía đằng ngoại và 3 người con trong gia đình về đề nghị của bác sĩ. Bên nội thì phản đối. Bên ngoại và 3 người con đồng ý hiến tạng nhưng vẫn không quên căn dặn “người quyết định cuối cùng là mẹ, tức bà Mừng”. Mất 2 ngày 2 đêm suy đi tính lại, bà Mừng đã đưa ra quyết định cuối cùng: hiến đa tạng của đứa con trai đầu lòng, vì “nhiều người đang sống mòn mỏi bởi suy thận, suy tim, suy gan, giác mạc... cần được ghép tạng để hồi sinh sự sống”.
 
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Khoa học và Đào tạo - Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nhiều nước trên thế giới coi việc hiến tạng là văn minh, là một hành vi văn hóa, chứ không phải là thủ thuật của y tế. Người ta cũng dựa vào đấy để đánh giá nhận thức, trình độ văn minh của người dân nước đó. “Thế giới thì là vậy, nhưng đối với một người phụ nữ ở vùng quê như bà Mừng quả thật là một điều hy hữu”, ông Cao Tiến Sỹ cho biết.
 
Vì là hy hữu, dám vượt khỏi định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ, nên bà Mừng đã phải chịu đựng bao nhiêu lời bàn ra tán vào. Người thì cảm phục trước hành động nhân văn cao cả của bà Mừng, khi quyết định trao lại những thứ thiêng liêng nhất của người con trai để hồi sinh sự sống cho những người hoàn toàn xa lạ. Cũng không ít kẻ độc mồm độc miệng cho rằng như vậy con trai bà Mừng chết không toàn thây. “Có người còn hỏi thẳng: nghe ti vi nói để thực hiện một ca ghép tim phải mất tới 1,7 tỷ đồng. Vậy, số tiền đó bà có được hưởng không? Hay như: nhà nghèo quá nên bán tạng con để sống. Hoặc như: nó còn sống sao bà lại hiến tạng!”, bà Mừng đôi mắt đỏ hoe chia sẻ.
 
Vượt lên tất cả, bà Mừng với một ý niệm duy nhất “con mình vẫn sống ở đâu đó!”. Bà Mừng và gia đình tin chắc rằng, ở một nơi nào đó, Quang sẽ vui và hạnh phúc với những gì gia đình đã làm. “Năm 2018, một bệnh nhân ở Hà Nội được ghép gan từ Quang đã cùng gia đình vào thăm gia đình tôi, bày tỏ lòng biết ơn gia đình đã hiến tạng cứu người. Một bệnh nhân ở Bắc Giang nhận hiến tim từ Quang cũng đã tìm đến thăm gia đình vào năm 2019. Với tôi, đó là một điều an ủi”, bà Mừng cho hay.
 
Qua theo dõi, bà Mừng biết được, hiện có 4 người đang mang trong mình một phần cơ thể của con trai mình. Bà Mừng thầm mong ước một ngày nào đó được gặp lại những người này, xem họ có khỏe mạnh không, sinh sống ra sao, “chứ không cần nhận lại bất cứ thứ gì”.
 
TRỊNH CHU