Những chuyển biến kinh tế tích cực ở xã Tà Nung

06:08, 02/08/2022
Những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương và sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nắm bắt xu hướng thị trường của người dân, đời sống kinh tế của bà con xã Tà Nung (Đà Lạt) ngày càng được cải thiện. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu, giúp lan tỏa phong trào chuyển đổi sản xuất trong cộng đồng và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
 
Nhờ ghép chồi, năng suất vườn cà phê của ông Mười cải thiện rõ rệt
Nhờ ghép chồi, năng suất vườn cà phê của ông Mười cải thiện rõ rệt
 
Vượt qua con đường đất đỏ lầy lội, sau cơn mưa nặng hạt, ông M’bon Ha Mười (57 tuổi, Thôn 5, Tà Nung) dẫn chúng tôi vào vườn cây của gia đình. Len qua những cây bơ xanh mướt trĩu quả, ông Mười phấn khởi khoe: “2,8 ha bơ và cà phê này mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, giúp gia đình đảm bảo cuộc sống, yên tâm sản xuất”. Ông kể, năm 2019, gần 3ha cà phê xen bơ của gia đình có dấu hiệu lão hóa, số cây nhiễm bệnh ngày một nhiều. Không để ngắt quãng nguồn thu nhập, ông và vợ quyết tâm tìm giải pháp. Sau khi tìm hiểu kỹ qua sách báo và trực tiếp đến điển hình thành công ở huyện Bảo Lâm học hỏi, ông mạnh dạn áp dụng phương pháp ghép chồi  để trẻ hóa vườn cây. 
 
Nhận thấy giống cà phê Thiên Trường và bơ 034 phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của Tà Nung, ông vay mượn thêm để mua chồi giống và thuê người có kinh nghiệm, kỹ thuật đến tận vườn hướng dẫn. Từ năm thứ 2, gia đình ông tự thực hiện ghép chồi cho diện tích cà phê và bơ còn lại, mỗi năm trẻ hóa 1 ha. Sau hơn 2 năm, vườn cây của gia đình cải thiện rõ rệt, phát triển tốt, chất lượng hạt cải thiện, năng suất mỗi hécta gấp 4 đến 6 lần so với trước đây. Để sản xuất bền vững, ông không dùng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng hữu cơ, đảm bảo sức khỏe cho gia đình lẫn người tiêu dùng.
 
Tương tự, anh Cil Ha Phước (33 tuổi, Thôn 2) cũng là một trong những điển hình phát triển kinh tế giỏi của Tà Nung. Nhờ sự nhạy bén và say mê tìm tòi, Ha Phước nắm bắt các xu thế của thị trường, đầu tư trồng các loại cây lấy lá cắm hoa như đô la, tùng nho, dương xỉ. Anh chia sẻ: 4 ha của anh có hơn 5 ngàn cây đô la, tùng nho, dương xỉ và phần còn lại là bơ, cà phê xen canh mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng”. Để có kết quả này, năm 2019, anh nhận thấy nhu cầu về các loại cây lấy lá cắm hoa ngày một tăng. Anh trồng thí điểm 200 cây đô la rồi mới dần nhân rộng để vừa rút kinh nghiệm và giảm thiểu rủi ro. “Cây đô la có giá bán cao, nhưng cần kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, vì đô la dễ bị nấm”, anh Phước nói. Ngoài ra, anh Ha Phước còn thu mua lá, tạo thêm nguồn thu nhập cho nhiều hộ nông dân ở Tà Nung và các xã lân cận. 
 
Bước đầu thành công và làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Cil Ha Phước và ông M’bon Ha Mười đều mong muốn góp phần giúp các hộ gia đình đồng bào DTTS khác ở địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Những năm qua, họ đều tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, áp dụng các phương pháp trồng trọt mới hiệu quả cao; đồng thời, hỗ trợ cây con giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ đó, số hộ tham gia chuyển đổi cây trồng, áp dụng phương pháp ghép chồi ngày một tăng, đời sống bà con nông dân đồng bào  DTTS ngày một nâng cao. 
 
Bên cạnh sự mạnh dạn triển khai và nhanh nhạy với  xu hướng thị trường của các nông hộ trên địa bàn, sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của chính quyền xã Tà Nung là động lực chính giúp kinh tế và đời sống bà con đồng bào  DTTS ngày một cải thiện. Theo ông Lê Quang Húy - Bí thư Đảng ủy xã,  thời gian qua, địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng ứng  dụng công nghệ cao, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, phát triển thương hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất nhằm góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các buổi tập huấn trồng trọt, chăn nuôi và hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhiều nông dân đã tiếp cận, mạnh dạn chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi như Cil Ha Điền, Cil Lý Hoàng Thánh, Liêng Hót Ha Lép, Cil Ha Phước… “Những cơ sở, gia đình sản xuất giỏi này trở thành những điển hình, giúp lan tỏa và nhân rộng sang nhiều hộ nông dân khác”, ông Húy nói. 
 
Các hoạt động tuyên truyền, vận động, hội thảo, phổ biến kiến thức trên đã giúp thay đổi thói quen, lề lối canh tác của nông dân. Nhờ đó, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10 ha cà phê già cỗi được tái canh; hơn 40 nhà kính, nhà lưới và nhiều diện tích cây trồng già cỗi được chuyển đổi sang trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao. 
 
Song, theo ông Húy, bên cạnh những chuyển biến tốt vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhiều hộ vẫn chưa tiếp cận được khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định. Để phát triển kinh tế bền vững, vừa qua, địa phương cũng phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm nông nghiệp, Hội Nông dân TP Đà Lạt và Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng khảo sát, xác định cây trồng phù hợp và định hướng phát triển dịch vụ du lịch, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương”, ông Húy cho biết.
 
NHẬT QUỲNH