Nỗ lực tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp

06:08, 03/08/2022
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, có tác dụng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Và một trong những điều kiện không thể thiếu khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao chính là có nguồn điện ổn định. Tuy nhiên, việc tiết kiệm điện đang trở nên rất đỗi cần thiết trong hoàn cảnh thiếu điện và hạn hán luôn rình rập như hiện nay.
 
Điện lực Đơn Dương xuống tận vườn để tư vấn cho nông dân việc thực hành tiết kiệm điện
Điện lực Đơn Dương xuống tận vườn để tư vấn cho nông dân việc thực hành tiết kiệm điện
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Kiêm, thôn Đồng Thạnh, xã Lạc Xuân huyện Đơn Dương đang có 2 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên trồng các loại rau xà lách thủy canh. Hiện việc sản xuất tại trang trại của bà Kiêm được hoàn toàn kết nối bằng hệ thống chăm sóc thông minh ứng dụng giải pháp IoT của Intel (dùng công nghệ internet vào quản lý sản xuất). Bà Kiêm cho biết: Hệ thống thông minh này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, quả và các loại nông sản trên một quy mô lớn. Các loại xà lách được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông minh, tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng cho cây… để cho ra những sản phẩm đều đạt chuẩn VietGAP. Ngoài việc giảm được nhân lực thì năng suất, chất lượng các loại rau ở trang trại của bà ngày cũng càng được nâng cao. Mỗi tháng, gia đình ba thu hoạch hàng chục tấn nông sản để cung cấp ra thị trường. 
 
Tuy nhiên, điều khiến bà Kiêm trăn trở là việc trang trại sử dụng và tiêu tốn một lượng điện năng quá lớn, trung bình mỗi tháng gia đình bà phải thanh toán gần 100 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, nhờ đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện do Điện lực Đơn Dương hướng dẫn, gia đình bà Kiêm đã tiết kiệm được từ 20 - 25% lượng điện tiêu thụ. Theo bà Kiêm, để thực hành tiết kiệm điện một cách tối đa, gia đình bà đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong vườn từ đèn compact sang sử dụng đèn led; đồng thời, lắp đặt các hệ thống cảm biến để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của khu vườn. Đặc biệt, kể từ thời điểm 9h30 - 11h30 và 17h - 20h hằng ngày, bà Kiêm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các thiết bị sử dụng điện trong vườn. 
 
Theo Bà Kiêm, đây là giờ cao điểm, lượng điện năng tiêu thụ vượt hơn mức bình thường. Vì thế, nếu sử dụng điện năng sẽ dẫn đến tiêu tốn lãng phí hoặc dùng quá nhiều thiết bị điện cùng lúc thì sẽ dẫn đến thực trạng quá tải điện. Trong khi đó, vào giờ cao điểm, giá bán điện có sự chênh lệch rất lớn so với giá bán điện giờ thấp điểm. Đơn cử, tại biểu giá bán lẻ điện kinh doanh, với mức điện áp dưới 6KV, giá bán điện vào giờ thấp điểm là 1.622 đồng/kWh thì giá cao điểm là 4.587 đồng/kWh. Như vậy, chi phí điện năng vào giờ cao điểm gấp 2,8 lần so với giá điện thấp điểm. Chính vì thế, các hộ kinh doanh, sản xuất nên hạn chế tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm để vừa tiết kiệm chi phí điện, vừa không gây lãng phí nguồn điện năng - bà Kiêm cho hay.
 
Ông Trần Minh Tường - Giám đốc Điện lực Đơn Dương cho biết: Trước xu thế hội nhập, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sản xuất nông nghiệp hiện đại đã được chuyên môn hóa và áp dụng máy móc trong tất cả các công đoạn, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hiện nay. Điều này góp phần đưa nông sản đạt chất lượng cao, giá thành giảm và sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tất nhiên, cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất cũng sẽ tăng và người sản xuất trên địa bàn huyện Đơn Dương cũng không nằm ngoại lệ của quy luật này. 
 
Theo ông Trần Minh Tường, ngoài việc kiểm tra bảo trì sửa chữa lưới điện định kỳ để đảm bảo an toàn cung cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, hàng năm thông qua công tác theo dõi nắm bắt nhu cầu phát triển phụ tải phục vụ tưới tiêu từng khu vực, Điện lực Đơn Dương đã đăng ký nguồn vốn sửa chữa lớn và đầu tư xây dựng lưới điện trình cấp trên phê duyệt để thi công với nguồn vốn bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng/năm. Nội dung chính là thay thế dây dẫn - phụ kiện từ dây trần sang dây bọc, đưa trạm biến áp vào trung tâm phụ tải, nâng cấp lưới điện từ 1 pha lên 3 pha và tăng cường công suất trạm biến áp công cộng. 
 
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2022, khu vực huyện Đơn Dương được ngành Điện đầu tư tăng cường công suất trạm biến áp 110kV Đơn Dương từ 40 MVA lên 80 MVA đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Dự kiến đến năm 2030 đầu tư với tổng nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng. 
 
Do đó, để thực hành tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả qua nhiều kênh thông tin đại chúng như loa, đài phát thanh, mạng xã hội (facebook, zalo…). Ngoài ra, để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực, đơn vị đã cử nhân viên trực tiếp đến nhà khách hàng tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn, hiệu quả như: Hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn trong các khung giờ cao điểm; ưu tiên sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế sử dụng bóng đèn sợi đốt, thay thế bằng bóng đèn led... Mặt khác, người dân không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm; tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao…
 
HOÀNG SA