Cảnh ''hết xăng, dầu'' đang tái diễn thường xuyên hơn

05:10, 23/10/2022
(LĐ online) - Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xảy ra tình trạng "hết xăng, còn dầu" hoặc hết cả xăng và dầu với hình ảnh quen thuộc nhân viên xua tay khi khách tấp vào đổ xăng.
 
Cây xăng Phúc Sơn nằm dưới chân đèo Mimosa dán thông báo “hết xăng, còn dầu”
Nhiều cây xăng trên địa bàn dán thông báo “hết xăng, còn dầu” hoặc hết cả xăng và dầu. Tuy nhiên, tình trạng này hầu hết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn
 
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thời gian qua về cơ bản ổn định, không có tình trạng các cây xăng găm hàng trục lợi nhưng khó khăn chung hiện nay là nguồn cung ứng xăng dầu nhỏ giọt. Tình trạng trên ít nhiều đang gây khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp.
 
•  NHIỀU CÂY XĂNG “HẾT XĂNG”
 
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 22 và sáng 23/10, dọc theo tuyến quốc lộ 20 đoạn qua các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Phú Hội, Ninh Gia (huyện Đức Trọng); xã Tam Bố, Đinh Lạc, Gia Hiệp (huyện Di Linh) có khoảng 50 cây xăng thì có khoảng 10 cây xăng treo biển “hết xăng dầu”, trong đó chủ yếu là "hết xăng, còn dầu".
 
Tại cây xăng Phúc Sơn sáng 23/10 (nằm dưới chân đèo Mimosa, Phường 3, TP Đà Lạt) nhân viên treo biển "hết xăng, còn dầu" đã mấy ngày qua. Nằm trên trục đường đèo song song với đèo Prenn, là cửa ngõ chính lên TP Đà Lạt nên lượng khách ghé vào đây để đổ xăng khá nhiều. 
 
Người dân khu vực Tổ dân phố Prenn nằm dưới chân đèo Mimosa và người dân Thôn K’ Long (xã Hiệp An) cho biết mấy ngày nay đi mua xăng khá vất vả. Cả đoạn đường từ chân đèo Mimosa kéo tới hết Thôn K’Long dài khoảng 4km nhưng chỉ có 2 cây xăng Phúc Sơn và Phúc Lợi thì cả hai đều thông báo hết xăng, còn dầu.
 
Người dân tại đây những ngày qua thường di chuyển thêm từ 1 -  2km tới đoạn gần ngã 3 Fi Nôm (xã Hiệp Thạnh) để mua xăng. Nếu không muốn đi xa, phải chấp nhận mua xăng lẻ người dân bán bên đường đoạn gần Trạm BOT Định An với giá 30.000 đồng mỗi lít xăng.
 
Tương tự, một số cây xăng nằm dọc trục quốc lộ 20 đi qua địa bàn huyện Đức Trọng cũng trong tình cảnh nêu trên. Số ít cửa hàng kinh doanh còn rào chắn, tạm dừng hoạt động nhiều ngày nay. Tại 2 cây xăng nằm liền hề nhau ngay đoạn ngã 3 Tà Hine (thuộc Quốc lộ 20, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) cũng dán thông báo hết xăng. 
 
Bên cạnh đó, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu chúng tôi quan sát dù không để biển hết xăng, có 1-2 nhân viên túc trực nhưng thường xuyên lắc tay báo hết xăng, chỉ bán dầu. Tuy nhiên, tại các cây xăng đang hoạt động bình thường, chúng tôi ghi nhận không có tình trạng khách tới mua xăng đông đúc, phải xếp hàng như một số địa phương khác trên cả nước.
 
Ông Đoàn Văn Nguyên, một chủ cây xăng nằm trên quốc lộ 20 (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) cho biết, đây là tình cảnh chung của một số cây xăng bán lẻ. Theo ông Nguyên chia sẻ, nguồn cung xăng dầu về thời gian qua rất chậm, không thường xuyên nên việc thiếu xăng một vài ngày là chuyện không tránh khỏi. Bên cạnh đó, theo ông Nguyên hiện mức chiết khấu hiện tại rất thấp khiến doanh nghiệp bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là càng bán càng lỗ. 
 
Một số chủ cơ sở cây xăng bán lẻ cũng cho biết mấy tháng qua, các doanh nghiệp phân phối có tình trạng chỉ đáp ứng cấp hàng khoảng 50 - 60% sản lượng tiêu thụ của hệ thống bán lẻ, nên nhiều thời điểm hết xăng trong thời gian ngắn.
 
Nhiều cây xăng trên địa bàn dán thông báo “hết xăng, còn dầu” hoặc hết cả xăng và dầu. Tuy nhiên, tình trạng này hầu hết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn
Cây xăng Phúc Sơn nằm dưới chân đèo Mimosa dán thông báo “hết xăng, còn dầu”
 
• NGUỒN CUNG ỨNG HẠN CHẾ
 
Ngày 13/10,  Sở Công thương có báo cáo hoạt động kinh doanh xăng dầu tới Bộ Công thương và UBND tỉnh Lâm Đồng. Sở Công thương tỉnh cho biết hiện nay, tình hình chính trị thế giới bất ổn trong thời gian qua làm cho giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục biến động, nguồn cung hạn chế làm ảnh hưởng đến giá cả, nguồn cung xăng dầu trong nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.  
 
Thống kê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 331 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, thuộc sở hữu của 220 doanh nghiệp; 2 doanh nghiệp đầu mối là Công ty Xăng dầu Lâm Đồng và Công ty Dương Đông Tây Nguyên, 1 thương nhân phân phối là Công ty TNHH Phúc Sơn. Trong đó, Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng là đơn vị có số lượng cửa hàng xăng dầu lớn nhất và phủ đều rộng khắp các xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 53 cửa hàng bán lẻ và 30 cửa hàng nhượng quyền bán lẻ của Công ty. Có 11 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh không hoạt động do bị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; hết hợp đồng thuê đất hoặc doan nghiệp chuyển đổi công năng sử dụng mặt bằng; cửa hàng đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả; không đủ điều kiện kinh doanh;…
 
Tuy vậy, thống kê vào ngày 11/10, có khoảng 20-30% cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa kinh doanh nhưng thông báo hết xăng còn dầu hoặc hết dầu còn xăng; có một số cửa hàng thông báo hết cả xăng và dầu. Tình trạng này theo Sở Công thương xảy ra trong khoảng thời gian ngắn từ 2-3 ngày. 
 
Lý do là các đại lý không chủ động nhập hàng hoặc doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối không cung cấp hàng hoặc cung cấp hàng nhỏ giọt. Đồng thời, do hoa hồng được hưởng thấp, có khi bằng không, một số cửa hàng chưa chủ động nhập hàng kịp thời để đảm bảo lượng xăng dầu liên tục phục vụ người tiêu dùng. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối hiện nay cung cấp hàng rất nhỏ giọt cho doanh nghiệp phân phối, nên doanh nghiệp phân phối cung cấp hàng cho các đại lý bán lẻ rất ít, chưa tới 50 % so với sản lượng cung ứng trung bình hàng tháng cho đại lý. 
 
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn, bên cạnh các giải pháp thực hiện việc bình ổn thị trường, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện, thành phố kiểm tra, thực hiện báo cáo hàng ngày (tình hình các cửa hàng đóng cửa, thông báo hết xăng hoặc dầu, hết cả xăng và dầu với lý do cụ thể) để có các số liệu tổng hợp, giải pháp xử lý kịp thời.
 
Trước đó, ngày 11/10 , UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động nắm bắt tình hình cung, cầu mặt hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý; tiếp nhận thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát xử lý ngay thông tin phản ánh của người dân về tình hình bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nhất là các trường hợp có hiện tượng găm hàng, chờ giá, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu, nhằm góp phần ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
 
C.THÀNH