Nhà thơ Phạm Quốc Ca qua đời

QUỲNH UYỂN 11:52, 07/02/2023

(LĐ online) - Nhà thơ, Tiến sĩ Phạm Quốc Ca – Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng khóa V (2012 – 2017), nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt đã từ trần lúc 3 giờ 30 sáng nay 7/2 tại nhà riêng. Anh Phạm Quang Huy – con trai nhà thơ đã báo tin buồn.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca
Nhà thơ Phạm Quốc Ca

Vào cuối năm 2020, Nhà thơ, Tiến sỹ Phạm Quốc Ca đột ngột bị tai biến nặng, phải phẫu thuật vùng đầu, rồi nằm bất động, sức khỏe yếu dần. Lần phẫu thuật gần đây nhất, ông đã rất yếu, sau khi xuất viện về nhà phải dùng máy thở, không ăn uống được, hầu như không còn nhận biết mọi việc, mọi người xung quanh.
Nhà thơ, Tiến sĩ Phạm Quốc Ca tên thật là Phạm Đình Ca, sinh ngày 5/3/1952, tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1997). Bút danh khác là Khánh Thi, Đan Tâm. 
Ông làm thơ từ rất sớm, in thơ từ năm 20 tuổi, khi đang là người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Phạm Quốc Ca là tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình, đồng đội, những vần thơ hào sảng, mạnh mẽ, mà vẫn tinh tế, chân thành.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã xuất bản 7 tập thơ và tuyển thơ cùng nhiều khảo luận, nghiên cứu lý luận phê bình mang giá trị học thuật cao. Có thể kể các tác phẩm: Tiếng trầm (1987), Chân trời mở (1994), Làng trong nỗi nhớ (1996), Những cánh rừng, những bài ca (2004), Mấy vấn đề trong thơ Việt Nam 1975 - 2000 (chuyên luận, 2003), Thơ viết trong album (2010), Thơ và mấy vấn đề văn học (chuyên luận, 2017)… cùng hàng trăm bài thơ đăng trên mạng xã hội Facebook, Zalo đưa đến đọc giả. 
Các tác phẩm đã mang về cho ông 14 giải thưởng văn học về thơ và lý luận phê bình, đó là ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của ông với nền thi ca Việt Nam.
Ở quê hương Diễn Châu, Nhà thơ Phạm Quốc Ca khắc sâu vào tâm trí những người cùng thế hệ hình ảnh một cậu học trò nghèo hiếu học. Cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vượt qua khốn khó, cậu bé đã 2 lần đoạt Giải Nhất thi học sinh giỏi môn Văn của tỉnh Nghệ An (1964 và 1970), đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Bác Hồ (1965). Con đường vào đại học rộng mở sau Giải Nhất văn lớp 10 của tỉnh Nghệ An, nhưng Phạm Quốc Ca đã lên đường nhập ngũ (21/4/1970) khi tròn 18 tuổi.
Ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Nhiều vần thơ ra đời trên chiến hào trong khói lửa chiến tranh. Năm 1977, chuyển ngành học Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra trường ông về làm giảng viên, rồi Trưởng khoa Ngữ Văn Trường Đại học Đà Lạt đến ngày nghỉ hưu năm 2012. Trên giảng đường Đại học Đà Lạt, Tiến sĩ Phạm Quốc Ca đọng lại dấu ấn trong lòng bao thế hệ sinh viên về một người thầy thông tuệ, mẫu mực, nghiêm khắc mà vẫn hài hước, gần gũi, hết lòng vì học trò. 
Tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng khóa V nhiệm kỳ 2012 – 2017, Nhà thơ Phạm Quốc Ca được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, ông tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động Hội, tổ chức, tập hợp hội viên, đóng góp vào phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh. 
Sau hơn 2 năm bị tai biến nằm liệt giường, được sự chăm sóc chu đáo của gia đình, vợ và các con, trải qua nhiều lần phẫu thuật ở phần đầu, Nhà thơ Phạm Quốc Ca đã qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, để lại niềm tiếc thương cho bao người từng gặp gỡ, từng được ông dạy dỗ, từng đọc thơ ông.
Lễ viếng bắt đầu từ 18 giờ 30 tối nay tại nhà riêng 77. Lý Nam Đế, Phường 8, Đà Lạt.