Hội nghị Việt - Pháp lần thứ 12 là cơ hội để Lâm Đồng hợp tác bảo tồn văn hoá, di sản và du lịch

PHẠM S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng 21:05, 19/04/2023

(LĐ online) - Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 là sự kiện có ý nghĩa diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.

Đây cũng là dịp tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy” giữa Việt Nam và Pháp; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới.

Với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 diễn ra từ ngày 13 - 17/4/2023 đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề: (i) Đô thị bền vững; (ii) Văn hóa, Di sản và Du lịch; (iii) Môi trường, nước và xử lý nước; (iv) Thành phố thông minh và Số hóa.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước như: 

(1) Không gian quảng bá các địa phương “Sắc màu Việt Nam” với quy mô 80 gian hàng quảng bá, giới thiệu về văn hóa, địa điểm du lịch, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương Việt Nam; 

(2) Lễ hội “Balade en France/Dạo chơi nước Pháp” với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp Pháp - Việt hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thực phẩm, được tổ chức dưới hình thức hội chợ nhằm giới thiệu đến công chúng về ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm Pháp và nghệ thuật văn hóa ẩm thực Pháp; 

(3) Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp với mục đích kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương, địa phương với địa phương hai nước, dự kiến đón tiếp gần 400 đại biểu các chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp hai nước. Bên lề Diễn đàn, nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B);

(4) Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 do nhiều nghệ sỹ Việt Nam nói tiếng Pháp, các học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo hệ song ngữ Việt Nam - Pháp biểu diễn với nội dung rất đặc sắc, phát huy tình giao lưu, hữu nghị và đoàn kết giữa hai đất nước.

Bên cạnh đó, một loạt các cuộc triển lãm, hội thảo về văn hóa, di sản có sự hợp tác giữa Việt Nam và Pháp được tổ chức bên lề Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 như: Triển lãm “Từ lòng đất đến bảo tàng” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội phối hợp với Thành phố Toulouse thực hiện, bắt đầu từ 14h00, thứ Năm, ngày 13/4/2023 tại khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng Thành Thăng Long. Triển lãm trưng bày các di tích, di chỉ khảo cổ học tại khu di sản Hoàng Thăng Thăng Long;  Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long” diễn ra vào lúc 15h00, thứ Năm, ngày 13/4/2023 (ngay sau Triển lãm “Từ lòng đất đến bảo tàng”);  Triển lãm “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á” do UBND quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) hợp tác thực hiện, bắt đầu diễn ra vào lúc 14h00, thứ Bảy, ngày 15/4/2023 tại địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm trưng bày những bức ảnh màu đầu tiên chụp tại Hà Nội và diễn ra tại ngôi Biệt thự Pháp kiểu mẫu được bảo tồn, trùng tu từ sự hợp tác Hà Nội - Ile-de-France;  Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898- 1954” do Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp thực hiện. Thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, triển lãm kể lại hành trình của những người tham gia bảo tồn khu di tích Văn Miếu, góp phần đưa di sản này hồi sinh mạnh mẽ, uy nghi hơn.

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Hội nghị, một loạt các hoạt động văn hóa, di sản được tổ chức tại khu Phố cổ Hà Nội, đặc biệt là các địa điểm dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 có sự tham gia của trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo UBND của 50 địa phương Việt Nam và 11 địa phương của Pháp; đại diện các Hội hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhân sỹ trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp, đại diện các dự án hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, một số tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Pháp.

Tại Hội thảo chuyên đề “Văn hóa, di sản và du lịch”, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, tổ chức chiều 14/4/2023, thay mặt đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu chia sẻ và đề xuất những nội dung họp tác trong thời gian tới.

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có 37 di tích; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khảo cổ Cát Tiên; 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng trên địa bàn, trong đó phát huy tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích đạt hiệu quả làm cho bộ mặt di tích đã có nhiều khởi sắc góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm phát triển có hiệu quả giá trị di tích và phục vụ du lịch. Hằng năm, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bằng việc sưu tầm, bảo tồn phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng.

Lâm Đồng hiện tại đang sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận đó là di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn”, di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và di sản thiên nhiên “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang”.

Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội thảo

Người Pháp đã góp phần tạo nên những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng đến vùng đất Đà Lạt. Đà Lạt được bác sỹ Yersin khám phá và đề xuất là trung tâm nghỉ dưỡng từ năm 1893. Các kiến trúc sư người Pháp đã sáng tạo những công trình kiến trúc độc đáo nổi bật giữa cảnh quan thiên nhiên riêng có của thành phố Đà Lạt. Sau 130 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Lạt đã trở thành thành phố Festival Hoa, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực; Trường Cao đẳng Đà Lạt là 1 trong 1.000 công trình kiến trúc đẹp thế kỷ XX; Đà Lạt thành phố của ba thiên dường… Đà Lạt được trang Booking.com ghi nhận đứng thứ 3 trong top 10 địa danh ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới năm 2022; Hãng CNN của Mỹ bình chọn Đà Lạt là một trong 18 "kho báu châu Á" năm 2023.

Đầu tư nguồn lực ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và du khách, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Du lịch Đà Lạt chính thức được đưa vào hoạt động tại cổng thông tin (Dalat.vn) và ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động với tên gọi “Đà Lạt Flower City” và ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến” với sự cập nhật thường xuyên, liên tục, đây là kênh thông tin đáng tin cậy và có độ chính xác cao để quảng bá về Đà Lạt, góp phần xây dựng du lịch chất lượng cao, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững. Đề án Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025 đã đạt “Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2021” có tên miền https://dalat.vn.

Với nỗ lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; thành phố Đà Lạt đã được nhiều giải thưởng như “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN” năm 2018 và năm 2022. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp du lịch cũng nhận được giải thưởng quốc tế quan trọng trong ngành du lịch: Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Đất Xanh (nay là Mercure Đà Lạt) đạt danh hiệu khách sạn xanh ASEAN giai đoạn 2016 - 2018, Khách sạn Terracotta Resort & Golf Dalat đạt giải Khách sạn Xanh ASEAN lần thứ 7…

Đồng chí Phạm S cũng chia sẻ với hội thảo những vấn đề cốt lõi thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục định hướng và sẳn sàng họp tác với các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm: (1) Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá văn hóa, di sản và du lịch Lâm Đồng đến với du khách, các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành về bản tồn văn hoá, di sản và du lịch trong nước và nước ngoài dưới nhiều hình thức trực tiếp và truyền thông đa phương tiện; (2) Tổ chức các sự kiện văn hoá, du lịch với nhiều nội dung phong phú, ấn tưởng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển; (3) Có giải pháp tổng thể, đồng bộ và khoa học triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động, sáng kiến phù hợp với yêu cầu hồ sơ để Đà Lạt tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc công nhận vào năm 2023; (4) xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản; tỉnh Lâm Đồng rất mong muốn sự họp tác các thành phố, các nhà khoa học và các kiến trúc sư Pháp có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực đầu tư tu bổ để phát huy giá trị di sản kiến trúc Pháp tại TP Đà Lạt trong tương lai; (5) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế; (6) Mở rộng họp tác quốc tế, đồng thơi thu hút đầu tư để khai thác giá trị cốt lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang theo tiêu chí UNESCO; (7)Tập trung đầu tư nguồn nhân lực trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cân đối các nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo di tích; bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, di sản  và môi trường sinh thái.

Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng trao đổi các chương trình hợp tác với lãnh đạo vùng Occitanie
Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng trao đổi các chương trình hợp tác với lãnh đạo vùng Occitanie

Nhân sự kiện quan trọng này đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng cùng đoàn lãnh đạo vùng Occitanie do ông Piere Lâcze - Ủy viên Hội đồng vùng làm trưởng đoàn đã trao đổi những vấn đề họp tác song phương mà hai bên đã ký kết và những định hướng tiếp tục triễn khai trong thời gian tới về các lĩnh vực: nông nghiệp, văn hoá, du lịch, di sản và giáo dục đào tạo.