Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh

09:12, 02/12/2015

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được Trường Tiểu học thực nghiệm (THTN) Lê Quý Đôn (Đà Lạt) thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đây cũng là cách làm sáng tạo để các em học sinh vừa học vừa chơi, nhưng lại được tiếp cận, mở rộng kiến thức, hiểu sâu sắc về những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được Trường Tiểu học thực nghiệm (THTN) Lê Quý Đôn (Đà Lạt) thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đây cũng là cách làm sáng tạo để các em học sinh vừa học vừa chơi, nhưng lại được tiếp cận, mở rộng kiến thức, hiểu sâu sắc về những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. 
 
Các hoạt động gắn với bảo vệ môi trường thu hút học sinh tham gia
Các hoạt động gắn với bảo vệ môi trường thu hút học sinh tham gia

40 năm hình thành và phát triển, Trường THTN Lê Quý Đôn vẫn khẳng định thương hiệu của một trường đạt chuẩn giáo dục với số học sinh trên 1.300 em. Trường thực hiện chương trình các môn học với tinh thần vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, đảm bảo tính hợp lý trong dạy và học. Giao trách nhiệm thực hiện nội dung chương trình môn học, phân phối theo từng tuần cho giáo viên chủ động dạy học đối với từng bài cụ thể sát với hoàn cảnh và trình độ học sinh. Đổi mới phương pháp dạy - học trên cơ sở nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên và sách tham khảo, chuẩn kiến thức và kỹ năng các môn học. Trường đã tổ chức tốt các chuyên đề về dạy - học các môn học do Sở GD&ĐT chỉ đạo để bổ sung, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình SGK và chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở các khối lớp. 
 
Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Thanh Hoa - Hiệu phó Trường THTN Lê Quý Đôn cho biết: Giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài học bám sát yêu cầu cơ bản về chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng bài. Kế hoạch bài học thể hiện rõ những hoạt động của giáo viên và học sinh. Kết hợp hài hòa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học trên lớp sao cho nhẹ nhàng và có hiệu quả cao; không có trường hợp dạy quá tải. Đối với chương trình VNEN, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn để làm rõ mô hình trường học mới, là chuyển hoạt động dạy của giáo viên thành hoạt động học của học sinh thông qua tự học có tương tác. Hoạt động quy mô lớp thành quy mô nhóm - học sinh từ làm việc với giáo viên sang làm việc với sách có sự tương tác với bạn và có sự hướng dẫn của giáo viên. Sau khi tiếp cận với mô hình học tập mới, học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập, nâng cao khả năng tự học, khả năng học tập nhóm. Giáo viên đã nhanh chóng tiếp cận phương pháp dạy học mới. Trong đầu tháng 11 vừa qua, Trường THTN Lê Quý Đôn vinh dự được tổ chức chuyên đề mẫu về “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” cấp tỉnh với sự tham gia của đông đảo giáo viên 5 huyện và thành phố Đà Lạt. Đây là hoạt động chuyên môn lớn, tạo tiền đề cho năm học sau với tỷ lệ 100% các trường trong tỉnh tham gia giảng dạy chương trình Tiếng Việt Công nghệ giáo dục 1.
 
Đặc biệt, nhà trường luôn chú trọng đến giáo dục truyền thống cho học sinh. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động trọng tâm của từng tháng gắn với những sự kiện ngày lễ của đất nước. Ví dụ như tháng 8 và 9, với chủ đề “Mái trường mến yêu”, các em học sinh đã được học nội quy nhà trường, 5 điều Bác Hồ dạy, tiểu sử Lê Quý Đôn - nhà bác học lừng danh Việt Nam thời phong kiến. Tháng 10, các em được học theo chủ đề “Vòng tay bè bạn”, được tham gia vui hội trăng rằm, tham gia thi bày mâm cỗ, làm lồng đèn, hóa trang chị Hằng chú Cuội, múa lân... Qua đó, góp phần tuyên truyền cho các em hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết Trung thu. 
 
Trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 vừa qua, nhà trường đã phát động đợt thi đua cao điểm “dạy tốt - học tốt” chào mừng ngày hiến chương các nhà giáo 20/11 với chủ đề “Kính yêu thầy cô”. Các hoạt động thi đua diễn ra sôi nổi tại các khối lớp như: thi vở sạch - chữ đẹp, thi làm thiệp chúc mừng thầy cô, thi làm báo tường gắn với sự kiện 20/11, phản ánh chủ đề “quê hương Đà Lạt”, chào mừng Festival hoa Đà Lạt 2015... Qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống quê hương Đà Lạt, những thế mạnh của thành phố du lịch, giúp các em tự hào về quê hương, có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp trong thành phố. Tháng 12 với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” trường tổ chức cho các em học sinh đi viếng nghĩa trang liệt sĩ - đây là hoạt động truyền thống được duy trì. Sau buổi viếng nghĩa trang, các em sẽ viết bài cảm tưởng về các anh hùng liệt sĩ, sau đó các em trực tiếp đến thăm các gia đình người có công với cách mạng... Thông qua các hoạt động phong trào này sẽ góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa thầy và trò, tình cảm bè bạn, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cô Lê Thị Thanh Hoa - Hiệu phó nhà trường cho chúng tôi biết thêm.
 
NGUYỆT THU