Lời tri ân của một cựu sinh viên

03:11, 02/11/2016

(LĐ online) - Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt khởi công xây dựng và năm 1958 Trường Đại học Sư phạm bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên. Hơn một năm sau ngày giải phóng, ngày 27 tháng 10 năm 1976, trường Đại học Đà Lạt được thành lập lại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

(LĐ online) - Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt khởi công xây dựng và năm 1958 Trường Đại học Sư phạm bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên. Hơn một năm sau ngày giải phóng, ngày 27 tháng 10 năm 1976, Trường Đại học Đà Lạt được thành lập lại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ở khóa tuyển sinh đầu tiên có một sinh viên 17 tuổi, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Lạt. Người sinh viên đó luôn luôn mang trong lòng một khát vọng sống thương yêu, một giấc mơ khoa học, niềm tin tự trọng dân tộc như lời mẹ dạy. Người sinh viên đó là tôi…
 
Bốn mươi năm sau, ngày 27 tháng 10 năm 2016, trong không khí ấm áp ở khán phòng kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Trường Đại học Đà Lạt, người sinh viên ngày đó là tôi nay đã là ông giáo già, lòng bồi hồi xúc động, nói tri ân từ đáy lòng đến thầy Hiệu trưởng đầu tiên nay gần 80 tuổi đã gắn bó suốt mười mấy năm ở Trường Đại học Đà Lạt. Cũng đứng đây, được thay mặt cựu sinh viên và giáo viên Trường Đại học Đà Lạt nói lời cảm ơn các thế hệ thầy cô, các đồng nghiệp, các bậc tiền bối đã đóng góp xây nên hình ảnh, học hiệu Trường Đại học Đà Lạt; nói lời tình yêu, nỗi nhớ với các cựu sinh viên những năm tháng đẹp nhất của đời người, những năm tháng không thể nào quên; và nói lời chân tình đến các em sinh viên thân yêu về tương lai trước mắt, về khát vọng vươn lên. Dù làm gì thì trong trái tim của mỗi con người đã gắn bó với mái trường này luôn luôn khắc ghi một dấu ấn Đại học Đà Lạt… 
 
Kỉ niệm bốn mươi năm, trở về mái trường xưa, hơn 50 ngàn cựu sinh viên đã ra trường, đang công tác ở khắp mọi miền đất nước. Có rất nhiều sinh viên thành đạt, từ Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, đến Bí thư Thành ủy Đà Lạt Huỳnh Thị Thanh Xuân, các PGS. TS, các nhà khoa học và các doanh nhân thành đạt, Giám đốc điều hành kiêm Tổng biên tập mạng giáo dục công dân toàn cầu, Viện trưởng và Viện phó các Viện Nghiên cứu, phó Hiệu trưởng trường Đại học, Giám đốc các sở ban ngành, Hiệu trưởng các trường phổ thông, Giám đốc các công ty nước ngoài, Giám đốc công ty kỹ thuật uy tín, v.v… Sinh viên ĐH Đà Lạt đã tạo nên một cộng đồng Đại học Đà Lạt gắn kết với những con người, những mái ấm gia đình ở mọi miền đất nước, là một niềm tự hào sâu sắc mang dấu ấn Đại học Đà Lạt. 
 
Nhà giáo dục Komenxki đã nói: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học.” Muốn biết tương lai của dân tộc thì người ta hãy nhìn vào nền giáo dục của dân tộc đó, muốn biết tương lai của nền giáo dục hãy nhìn vào đội ngũ thầy cô giáo. Cách đây vài tuần, tại Trường Đại học Đà Lạt lần đầu tiên tổ chức hội nghị mạng giáo dục công dân toàn cầu. Ở đó, bài học về lòng nhân ái và sự khoan dung, về nghị lực và tinh thần dân tộc qua biết bao người thầy thân yêu đã giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt vẫn còn nguyên giá trị. 
 
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, dù họ không được nêu tên, dù họ không được thưởng huân chương, nhưng những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Điều đó thật là vẻ vang”. Những thế hệ thầy cô và cựu sinh viên Đại học Đà Lạt đã minh chứng bằng chất lượng và niềm tin vang lên từ trong trái tim mỗi con người. Chưa bao giờ các khái niệm trường học kết nối, công dân toàn cầu, sáng tạo - khởi nghiệp, quản trị thông minh, thành phố thông minh lại xuất hiện nhiều trong đời sống hiện thực như hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4  đã dẫn đến giáo dục 4.0, giáo dục công dân toàn cầu. Thế giới của công nghệ đã lên ngôi, sức sáng tạo của con người là không có giới hạn. Quy luật toàn cầu hóa là quy luật tất yếu trong một xã hội tương lai. Trường Đại học Đà Lạt đã đi theo nhịp đập của thời đại.
 
Craig Barrett - Giám đốc CEO Intel đã nói: “Máy tính không kì diệu, chỉ có người thầy mới tạo nên điều kì diệu”. Tổng thống Abraham Lincoln trong là thư gởi thầy giáo của con mình: “Có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”. Những điều đó được minh họa trong tấm gương của các thầy bởi vì tất cả chỉ để phục vụ cho con người, dành cho con người và vì con người. Trong một thế giới mà công nghệ đang lên ngôi thì nhà khoa học Klein đã cảnh báo rằng, một xã hội phát triển phải đi trên hai chân, một chân là khoa học công nghệ, một chân là văn hóa. 
 
Nhớ thầy tôi năm xưa cũng đã viết: “Những bước chân đầu tiên của tôi đến Đà Lạt cũng như những bước chân đầu tiên của học trò tôi từ bốn phương trời kéo đến và cũng bắt đầu những bước chân trên ước mơ của sáng tạo, đầy nhạc điệu của trí tuệ và tư duy. Làm sao găm vào con tim của họ còn nóng hổi cái vẻ đẹp chân lý, chân lý khoa học cũng giống như chân lý trong cuộc đời. Làm thế nào cho họ hiểu được hai chân lý đó chỉ có thể hỗ trợ giữa hai ánh sáng khác nhau, hòa vào nhau mà không phủ định nhau. Cái chân lý đi tìm các quy luật tự nhiên phục vụ cho cuộc sống của con người và cái chân lý đi tìm một cuộc sống hài hòa nhất giữa người với người, giữa người với thiên nhiên qua biết bao nhiêu thời đại”.
 
Trong dòng chảy thời gian mênh mông và vô tận, ở một góc nhỏ không gian của Trường Đại học Đà Lạt, những lời nói tâm tình từ tấm lòng là hoàn toàn không đủ nhưng nghĩa tình thân yêu mà chúng tôi mang theo trong lòng sẽ không bao giờ thay đổi. Mong rằng những lần kỉ niệm 45 năm, 50 năm, những trang sử vẻ vang của trường sẽ tiếp tục được viết với những thế hệ tương lai, để hiểu rằng tất cả những thầy cô của Trường Đại học Đà Lạt đã mang tất cả trí tuệ và tấm lòng của mình để đóng góp cho nhà trường như ngọn đuốc cháy sáng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
PGS-TS Phù Chí Hòa
Trưởng khoa Sư Phạm
(Sinh viên khóa I - Khoa Vật Lý, Đại học Đà Lạt)