Họp trực tuyến ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão

11:08, 01/08/2020

(LĐ online) - Ngày 1/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão. Tại đầu cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì cùng với sự tham dự của các sở, ngành liên quan.

* Từ ngày 1- 2/8, Tây Nguyên- Nam Bộ lượng mưa từ 100- 250mm/đợt 
 
* Lâm Đồng chủ động phương án 4 tại chỗ
 
(LĐ online) - Ngày 1/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão. Tại đầu cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì cùng với sự tham dự của các sở, ngành liên quan. 
 
Cuộc họp trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
Cuộc họp trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vùng áp thấp trên biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào khoảng 1h ngày 1/8. Vùng trung tâm áp thấp nhiêt đới có sức gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Dự báo 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, có khả năng mạnh lên thành bão, mỗi giờ đi được 15- 20km. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ của áp thấp nhiệt đới là Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. 
 
Nhận định từ ngày 1- 5/8, lượng mưa từ 200mm- 350mm/ đợt (Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ); 200mm- 400mm/đợt, có nơi trên 500m/đợt (Thanh Hóa đến Quảng Trị); 80- 150mm/đợt ( từ Thừa Thiên- Huế đến Quảng Nam); 100- 250mm/đợt ( Tây Nguyên và Nam Bộ). Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở vùng trũng…xảy ra ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên, trong đó có địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
 
Cụ thể để phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với tình hình mưa lớn, lốc xoáy có khả năng xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn, ngày 1/8/ UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo  Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện; UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị chức năng chủ động triển khai phương án 4 tại chỗ, thực hiện nghiêm túc trực ban 24/24 giờ. Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh mương, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và khu vực hạ du. Kiểm tra ngay các vùng trũng thấp, vùng nguy hiểm dễ bị ngập úng cục bộ, sạt lở đất để xử lý kịp thời. Rà soát các khu vực dân cư để có biện pháp phòng tránh, di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Kiểm tra, chặt hạ những cây có nguy cơ ngã đổ, gây ách tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu như Quốc lộ 27, 27C, đường Trường Sơn Đông, đường ĐT. 725, 721…; các đoạn đường đèo Bảo Lộc, Prenn, Mimosa…để chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố, đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn… 
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các địa phương đã chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão từ ngày 1/8. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới từ biển Đông đổ bộ vào đất liền, chủ động phương án 4 tại chỗ gắn phòng chống dịch covid hiệu quả; sẵn sàng điều phối các lực lượng tham gia phối hợp ứng phó kịp thời và hiệu quả nhất. Trong đó đặc biệt lưu ý đến giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, liên hồ chứa, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo vệ sản xuất, bảo vệ an toàn các công trình trường học, bệnh viện, nhà trẻ, trụ sở cơ quan nhà nước…ở địa phương.
 
VĂN VIỆT