Hiệu quả đối thoại trong trường học

05:05, 20/05/2022
Vai trò đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả trong ngành Giáo dục. Nhằm phát huy năng lực của mỗi cá nhân, chia sẻ kịp thời những tâm tư, tình cảm theo tinh thần nâng cao chất lượng hoạt động quy chế dân chủ cơ sở, Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đang duy trì tốt hoạt động đối thoại trong trường học.
 
Buổi đối thoại của Trường THPT Bảo Lộc
Buổi đối thoại của Trường THPT Bảo Lộc
 
•  HÌNH THỨC DÂN CHỦ TRỰC TIẾP 
 
Hoạt động đối thoại trước hết là dựa vào những hành lang pháp lý chung. Đó là Thông tư 01/2016 ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 04/2015 của Chính phủ về dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, nguyên tắc tổ chức hội nghị CBCCVC “là hình thức dân chủ trực tiếp để CBCCVC tham gia quản lý, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh”...
 
Đối với ngành Giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Thông tư 36/2017, ngày 28/12/2017 Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư số 11/2020, ngày 19/5/2020 Hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập. Ở tỉnh Lâm Đồng, ngày 25/8/2021, Giám đốc Sở GDĐT và Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cùng ký văn bản số 1501 về việc Thực hiện dân chủ cơ sở và tổ chức hội nghị CBCCVC và hội nghị người lao động từ năm học 2021-2022. Nét mới của văn bản này là cụ thể hóa hướng dẫn về quy trình, cách thức và nội dung để các trường học thực hiện dễ dàng. Hội nghị với nhiều nội dung: thủ trưởng, chủ tịch công đoàn đơn vị trình bày các văn bản, báo cáo; CBCCVC thảo luận và đề xuất, kiến nghị (nếu có); thủ trưởng, chủ tịch công đoàn giải đáp thắc mắc, kiến nghị của CBCCVC theo thẩm quyền, cùng bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của CBCCVC trong đơn vị; chương trình công tác năm học tiếp theo; thông qua Quy chế (hoặc những điều sửa đổi) trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị (nếu có); tổ chức khen thưởng; phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa thủ trưởng đơn vị với tổ chức công đoàn... Sau hội nghị, thủ trưởng đơn vị phối hợp với công đoàn phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; theo dõi, đề xuất xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Và định kỳ 6 tháng một lần, thủ trưởng đơn vị phối hợp công đoàn tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, thông báo kết quả đến toàn thể CBCCVC, và quan trọng là đảm bảo thực chất, hiệu quả, không hình thức. 
 
Ở khía cạnh liên quan khác, quá trình tham gia xây dựng quy chế dân chủ, công đoàn cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất đưa vào quy chế dân chủ những nội dung cụ thể hóa quy định pháp luật về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của CBCCVC về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ. Cụ thể, những việc phải công khai để CBCCVC biết; những việc CBCCVC tham gia ý kiến, thủ trưởng cơ quan quyết định; những việc CBCCVC giám sát, kiểm tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của CBCCVC trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị với công đoàn cùng cấp, với cơ quan cấp trên và với các phòng, ban, khoa, tổ. 
 
•  CỞI MỞ, ĐOÀN KẾT CÙNG XÂY DỰNG
 
Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng nhận xét với chúng tôi: “Các buổi đối thoại giữa CBCCVC với lãnh đạo nhà trường đã tạo được môi trường sinh hoạt để chia sẻ kịp thời, giải tỏa những căng thẳng trong quá trình công tác, giảng dạy. Đây là cơ sở để các trường học xây dựng nội bộ đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong ngành hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương và ngành. Đặc biệt là trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ phông, thay sách, trong điều kiện tác động của dịch COVID-19... áp lực trong công tác, giảng dạy, đòi hỏi nhà giáo phải luôn nỗ lực. Các buổi đối thoại cũng đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến chuyên môn-nghiệp vụ; chế độ chính sách; công tác quản lý và ứng xử trong đơn vị...Môi trường trường học thực sự ngày càng dân chủ, cởi mở và đoàn kết”. 
 
Ngành Giáo dục Lâm Đồng đã có nhiều điển hình hoạt động hiệu quả về thực hiện quy chế dân chủ thông qua đối thoại. Đó là công đoàn cơ sở (CĐCS) các trường: THPT Phan Bội Châu, THPT Nguyễn Tri Phương, THPT Lộc Thanh, THPT Bảo Lộc, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Trần Phú, THPT Gia Viễn, THCS&THPT Đống Đa, THCS&THPT Xuân Trường và Phổ thông HermanGmeiner...
 
Trong tháng 4 và 5 vừa qua, các buổi đối thoại giữa hiệu trưởng với CBCCVC cho thấy rõ không khí thẳng thắn, mạnh dạn, chan hòa, đoàn kết. Sức mạnh là kết tinh từ trí tuệ tập thể biết lắng nghe, cùng thấu hiểu và chia sẻ. Tại Trường THPT Nguyễn Du, những câu hỏi của đoàn viên công đoàn xoay quanh các vấn đề như: công tác đội ngũ (bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó, phân công chuyên môn đúng người, đúng năng lực); công tác thi đua, khen thưởng; cách xử lý những viên chức thường xuyên vi phạm nội quy, quy định của nhà trường; các biện pháp nâng cao chất lượng điểm thi các bộ môn thi tốt nghiệp THPT, chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, giáo dục đạo đức; công tác chuẩn bị việc chuyển sang mô hình tự chủ tài chính; phúc lợi đoàn viên; việc quản lý cơ sở vật chất của nhà trường. Tại Trường THPT Bảo Lộc, chủ đề tìm tiếng nói chung vì mục tiêu xây dựng “trường học hạnh phúc”, có sự tham gia của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Ngô Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long. Hơn 2 giờ, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thùy Phương đã trả lời 20 câu hỏi của công đoàn viên trên tinh thần dân chủ, cởi mở và lắng nghe, cầu thị vì mục tiêu chung. Những ý kiến thảo luận tâm huyết của các thầy cô đã giúp hiệu trưởng thấy được những vấn đề đặt ra từ đó có những điều chỉnh trong năm học tới, vừa đảm bảo hiệu quả lao động vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng giáo viên. Trân trọng và ghi nhận tinh thần trách nhiệm của tập thể nhà trường, lãnh đạo ngành GDĐT tỉnh đồng thời, nêu 3 vấn đề nhà trường cần tiếp tục chú trọng: quan tâm các bộ sách giáo khoa chương trình GDPT mới; tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi CBGV, đặc biệt, các buổi họp hội đồng định kì cần thẳng thắn đưa ra ý kiến để cùng đối thoại; vai trò của từng giáo viên trong ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Tại Trường THPT Chu Văn An, buổi đối thoại giữa Hiệu trưởng Hoàng Khắc Thưởng với đội ngũ nhà trường, ngoài giải đáp một số vấn đề còn băn khoăn chưa hiểu cho đoàn viên, còn là buổi tuyên truyền, định hướng những công việc quan trọng sắp tới...
 
MINH ĐẠO