Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, vào cuối năm 2021, khi đất nước đang trên đà khống chế dịch bệnh, phục hồi kinh tế - xã hội, từng bước trở về trạng thái "bình thường mới".
PV: VỚI VAI TRÒ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH, ĐỒNG CHÍ ĐÁNH GIÁ NHƯ THẾ NÀO VỀ CHẤT LƯỢNG, NỘI DUNG, SỰ ĐỔI MỚI CỦA ĐỢT 1 HỌP TRỰC TUYẾN CỦA KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV?
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong họp trực tuyến, kết nối các điểm cầu thông suốt, chất lượng tốt. Các nội dung, hồ sơ trình Quốc hội được chuẩn bị công phu, chất lượng, nhất là đối với các dự án luật; công tác tổng hợp ý kiến thảo luận của các ĐBQH được thực hiện kịp thời, chính xác. Công tác điều hành của chủ tọa các phiên họp được thực hiện khoa học, linh hoạt, đảm bảo đúng nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp cũng được triển khai bài bản, chặt chẽ, thường xuyên. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tuy rút ngắn thời gian, nhưng qua 10 ngày làm việc, hàng trăm lượt đại biểu đăng ký phát biểu vẫn đảm bảo yêu cầu, các ý kiến góp ý thảo luận, tranh luận về các vấn đề rất sâu sắc, sát thực tiễn, đem hơi thở cuộc sống vào nghị trường.
PV: QUA THEO DÕI TRÊN TRUYỀN THÔNG BÁO CHÍ, CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TRONG TỈNH ĐÃ THẤY ĐƯỢC TINH THẦN LÀM VIỆC TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐOÀN ĐBQH LÂM ĐỒNG, CÁC ĐBQH ĐÃ THƯỜNG XUYÊN DÀNH THỜI GIAN NGHIÊN CỨU, THAM GIA ĐÓNG GÓP CHẤT LƯỢNG, ĐỒNG CHÍ CHO BIẾT KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN LÂM ĐỒNG NHƯ THẾ NÀO?
Thông qua kỳ họp, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã đưa những vấn đề thực tế địa phương góp chung vào hoạch định các chính sách chung của cả nước. Điển hình như có tiếng nói tới Quốc hội về các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, về công tác phòng chống dịch Covid -19. Với các dự thảo như: Luật Cảnh sát cơ động, đoàn góp ý nên có quy định chi tiết các mức độ trang bị vũ khí cho các trường hợp, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho chiến sĩ cảnh sát cơ động thi hành nhiệm vụ; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, đoàn kiến nghị bổ sung tăng thẩm quyền của lực lượng công an xã, cần phải đánh giá thống nhất hệ thống pháp luật khi bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn) trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.…; về dự thảo luật thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đoàn Lâm Đồng đề nghị quan tâm bao phủ bảo hiểm y tế cho đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, đề nghị hàng năm có sơ kết đánh giá, hết thời gian thí điểm có tổng kết, rút ra kinh nghiệm để tính toán triển khai đến các địa phương tiếp theo.
Với vai trò của ĐBQH, của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã nghiêm túc nghiên cứu, tập trung góp ý, thảo luận chất lượng, kiến nghị, chất vấn những vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm, mục tiêu là để mang tiếng nói cử tri, hơi thở cuộc sống đến với diễn đàn Quốc hội; mong muốn đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Qua đó, góp phần chung vào quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, sát thực tiễn, đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
PV: VỀ VẤN ĐỀ KINH TẾ - XÃ HỘI, KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐẠI BIỂU QUAN TÂM NHỮNG VẤN ĐỀ GÌ? ĐỐI VỚI TỈNH LÂM ĐỒNG TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN TỚI, ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TRONG TỈNH?
Đối với tỉnh Lâm Đồng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh xác định đó là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Theo đó đã đề ra các giải pháp chủ yếu đó là:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện các chủ trương, nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế. Trong đó, xác định phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, loại hình sản xuất kinh doanh và công nghệ dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19, nhằm thích ứng linh hoạt, tận dung tốt cơ hội phát triển sau đại dịch, nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội; tăng cường phòng chống và xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh kéo dài.
Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch phát triển vùng, các ngành, lĩnh vực, nhằm tăng cường liên kết, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng vùng, tạo sức mạnh chung cho nền kinh tế.
Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, theo hướng hiện đại, đạt chuẩn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu. Phát triển mạnh nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản. Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác; mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác và các chuỗi giá trị với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”. Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Thứ năm, phát triển dịch vụ, du lịch chất lượng cao trở thành ngành kinh tế động lực. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các sản phẩm du lịch mới, cao cấp, các trung tâm vui chơi giải trí tổng hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Hình thành các tuyến du lịch mới trong nước và quốc tế, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan, môi trường.
Thứ sáu, phát triển công nghiệp có chọn lọc theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh; công nghiệp vật liệu mới, năng lượng tái tạo.
PV: XIN CẢM ƠN ĐỒNG CHÍ ĐÃ DÀNH THỜI GIAN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN!
NGUYỆT THU