Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội được giải ngân kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần làm thay đổi đời sống người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bảo Lâm.
Theo lịch giao dịch cố định, vào ngày 24 hàng tháng, cán bộ, viên chức Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm lại vượt hơn 35 km từ trụ sở Phòng Giao dịch ở thị trấn Lộc Thắng để có mặt tại UBND xã Lộc Bảo triển khai các công việc như tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thực hiện quy trình xử lý nợ… tới các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã. Hoạt động này cũng được cán bộ, viên chức Ngân hàng Chính sách Xã hội phụ trách các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bảo Lâm triển khai theo đúng lịch giao dịch để thực hiện các nhiệm vụ, phần việc nhanh chóng, đảm bảo nguồn vốn kịp thời phân bổ đến đúng đối tượng thụ hưởng như hộ nghèo, cận nghèo, bà con đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.
Ghi nhận cho thấy, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong mọi hoạt động của đơn vị, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm luôn chú trọng công tác phòng chống dịch, đặc biệt là quy tắc 5K. Qua đó, góp phần để các điểm giao dịch luôn trong trạng thái an toàn và hoạt động hiệu quả.
Theo bà Trương Thị Lê Phương – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm, tính đến ngày 31/10/2021, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch đạt hơn 442 tỷ đồng, tăng 38,7 tỷ đồng so với đầu năm. Thu nợ đến hạn đạt 97,75%; tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,13%, giảm 119 triệu đồng so với đầu năm và thu lãi trên toàn địa bàn huyện đạt 100%.
Từ đầu năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 82 hộ nghèo, 599 hộ cận nghèo và 148 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách còn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 232 lao động tại địa phương; đồng thời, tạo điều kiện cho trên 40 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập cần thiết; giúp 1.225 hộ gia đình tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng và sửa chữa công trình nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn đã góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn huyện.
“Nhờ phương thức cấp tín dụng trực tiếp, công khai, công bằng thông qua hệ thống điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội trải khắp 14/14 xã, thị trấn và mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn, tổ dân phố đã góp phần để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, kịp thời. Trong đó, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn toàn huyện giúp họ chủ động đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Qua kiểm tra, đánh giá hầu hết bà con đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đầu tư cho con em học tập và ổn định đời sống vật chất lẫn tinh thần” - bà Trương Thị Lê Phương – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm cho hay.
Lộc Bảo là một trong những xã vùng xa của huyện Bảo Lâm, với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số người Châu Mạ và K’Ho. Nhìn chung, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; trình độ dân trí của bà con còn hạn chế nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, bà con thiếu hụt nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất.
Ông K’Mụt, ngụ tại thôn Hang Ka (xã Lộc Bảo), chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 ha đất trồng cà phê. Từ năm 2018 về trước, do thiếu nguồn vốn để cải tạo, chăm sóc nên năng suất chỉ đạt 1,5 tấn/ha. Năm 2019, gia đình được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, gia đình đã đầu tư ghép cải tạo 2 ha cà phê già cỗi. Sau 2 năm, đến vụ mùa năm nay, năng suất cà phê tăng lên thấy rõ và ước đạt khoảng 3,5 – 4 tấn/ha. Đối với nguồn vốn vay, lãi hàng tháng gia đình đều đóng đầy đủ và còn trả được 10 triệu đồng tiền gốc. Tôi dự tính, sau khi thu hoạch mùa cà phê năm nay sẽ sửa chữa lại nhà. Số tiền còn dư sẽ tái đầu tư chăm sóc vườn cà phê và mua thêm cặp bò để chăn nuôi”.
Theo ông K’Đoàn – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Hang Ka (xã Lộc Bảo), toàn thôn có 51 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn chính sách, với tổng dự nợ hơn 2,2 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ vay từ 40 – 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng các công trình nước sạch. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp bà con giảm nghèo bền vững và giải quyết những khó khăn về nguồn nước sinh hoạt vào mùa khô. Từ đó, đời sống của người dân không ngừng thay đổi, nâng lên.
Ông K’Huy – Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt hơn 31 tỷ đồng. Nguồn vốn này trải đều cho các hội, đoàn thể địa phương để các hội viên, đoàn viên vay đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời, hỗ trợ bà con xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh… đảm bảo đời sống ngày càng ổn định, nâng lên. Từ đó, góp phần quan trọng để xã Lộc Bảo chuyển mình phát triển đi lên, hoàn thành 19/19 tiêu chí xây nông thôn mới đã được thẩm định và chờ công nhận”.
Cùng với Lộc Bảo, thì xã Lộc Nam có tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách là gần 77 tỷ đồng, được giải ngân cho 1.435 hộ dân vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, làm nhà ở và sinh viên, học sinh vay trang trải chi phí học tập.
Ông K’Chuẩn (ngụ tại Thôn 1, xã Lộc Nam), chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, nên được xét duyệt vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi bò. Từ nguồn vốn này, gia đình đã đầu tư làm chuồng trại và góp thêm mua 2 còn bò về nuôi. Sau gần 2 năm, 2 con bò đã sinh được 2 con bê con, giờ bán cũng được 15 triệu đồng/con. Hiện tại, 2 con bò mẹ cũng đang mang thai, nên gia đình vui lắm. Dự tính tới đây, gia đình tôi sẽ bán 1 con bê để trả bớt tiền gốc cho ngân hàng”.
Hay trường hợp của anh Doãn Tuấn Vũ, thanh niên xã Lộc Nam được vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng lan rừng. Hiện nay, mỗi năm mô hình trồng lan của anh cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng.
Nói về hiệu quả từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, bà Võ Thị Viết Kha – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Lâm, cho biết: “Tính đến hết tháng 10/2021, tổng dư nợ từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách được Phụ nữ huyện nhận ủy thác là hơn 150 tỷ đồng (tăng hơn 18,5 tỷ đồng). Hiện nay, toàn Huyện Hội có 83 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 3.440 hội viên được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, trang trải cho con em học hành… Nhìn chung, nguồn vốn vay tín dụng được hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Nhờ vậy, tỷ lệ thu lãi nguồn vốn vay ủy thác của phụ nữ huyện luôn đạt trên 99%”.
Ông Phạm Tiến Ngọc – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm, cho biết: Toàn huyện đang có 248 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 14/14 xã, thị trấn. Thời gian tới, để hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng đi vào nề nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tiếp tục phối hợp tốt với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiện và vay vốn hoạt động chưa hiệu quả; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn biết cách sử dụng nguồn vốn để phát triển kinh tế, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác, thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tín dụng chính sách.
KHÁNH PHÚC – HỮU SANG