(LĐ online) - Ở nơi cách trung tâm tỉnh Lâm Đồng hơn 200 km, 2 cô gái trẻ nuôi giấc mơ khởi nghiệp với cây ca cao ở quê mình, để làm nên giấc mơ chocolate thuần Việt mang tên Bản Ca cao.
Bản Ca cao là một trong 9 dự án xuất sắc lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2022. Với phần trình bày tự tin cùng một kế hoạch kinh doanh được đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng, dự án xuất sắc giành giải nhất.
Khởi nghiệp ở một vùng quê xa xôi đối với với người trẻ, đặc biệt là những cô gái có khó không? Câu trả lời ai cũng có thể đưa ra đáp án. Nhưng, mang trong mình một sự quyết tâm lớn, Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên đã bắt đầu có câu trả lời cho chính mình: Khó nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Cả Huyền và Duyên đều sinh năm 1993, ở thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên. Vốn là bạn bè thân thiết và tự nhận mình có chút ngang tàn của tuổi trẻ, Duyên bỏ qua cơ hội thi công chức, Huyền bỏ công việc kế toán thu nhập ổn định ở TP Hồ Chí Minh về quê khởi nghiệp. Không tìm gì xa xôi, hai cô gái trẻ tìm đầu ra cho cây ca cao quê mình bằng việc chế biến hạt ca cao thành các loại bột, bơ và chocolate.
Tưởng chừng như việc lựa chọn nông nghiệp để bắt đầu sẽ dễ dàng bởi nguồn nguyên liệu sẵn có, giá thành thấp, nhân công dồi dào nhưng ngay khi vừa có ý định thu mua ca cao, hai cô gái đã gặp phải những cái lắc đầu. Bởi ở nông thôn, việc tìm đầu ra cho nông sản một cách ổn định không dễ. Nông dân trồng ca cao từ trước đến nay vẫn bán cho mối quen, không chấp nhận lời ngỏ của Duyên dù rằng cô đã chào giá thu mua cao hơn từ 500 - 1.000 đồng mỗi kg trái tươi.
Và để có sự kết nối ổn định với nông dân như hôm nay, Duyên một mình hết lần này đến lần khác đến gõ cửa từng nhà, gặp từng người thuyết phục, cho họ xem hệ thống máy móc đã đặt mua và lấy cả danh dự của bản thân để cam kết sẽ mua lâu dài chứ không phải chỉ làm ngày một ngày hai.
“Cô chú sợ một thì chúng mình sợ mười. Chẳng ai dại gì đem cả đống tiền đổ vào mà không tìm cho mình một hướng đi chắc chắn. Ở tuổi của bọn mình, nói là còn trẻ để khởi nghiệp nhưng cũng cần một sự ổn định, một con đường rõ ràng. Nhất là ở vùng quê xa xôi, làm gì cũng khó như ở đây”, Duyên trải lòng về những ngày mới bắt đầu.
Thấy được sự cố gắng của hai cô gái, một vài hộ bắt đầu bán thử. Nhiều người ban đầu chỉ bớt lại số lượng từ vài chục kg đến hàng tạ và rồi là cả vườn. Từ 1, 2 hộ với số lượng hạn chế, đến nay Tổ hợp tác ca cao thu mua của 15 nông hộ, với sản lượng 2 - 3 tấn mỗi tuần.
Từ một người không biết gì về ca cao ngoài những ký ức nơi vườn rẫy cùng bạn bè, Huyền và Duyên đã dần tích lũy cho mình một tình yêu lớn. “Phải yêu chứ, phải yêu mới mất ngủ ngày đêm với nó để tự tay cảm nhận từng quả, từng hạt, nếm từ vị ngọt, đắng và nhớ từng vị ngay khi đầu lưỡi mình chạm vào”, Huyền nói.
Dẫu đã được tư vấn rất kỹ từ những người đi trước và đơn vị cung cấp máy móc nhưng khi bắt tay vào làm, mọi thứ khó hơn sự hình dung của hai cô gái trẻ. Kỹ thuật thì nắm vững nhưng để cho ra một sản phẩm theo đúng tỉ lệ mà mình mong muốn trước khi đưa ra thị trường thì cả Huyền và Duyên đã rất trăn trở, thử đi thử lại nhiều lần. Duyên vẫn nhớ những ngày hai đứa thức gần như trắng đêm để cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên hay những ngày làm đến 1 - 2 giờ sáng để chuẩn bị kịp cho triển lãm sản phẩm tại TP Đà Lạt.
Dù đã bán hàng ngàn kg bột ca cao từ trước đó nhưng khi cầm trên tay thành phẩm đầu tiên sau hàng loạt các công đoạn, từ khâu nguyên liệu, chế biến, thiết kế “hình hài” sản phẩm… Huyền cũng không khỏi hồi hộp. Đó chính là khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp gian nan của hai cô gái 9X.
Khi tôi thắc mắc về ý nghĩa của từ Bản trong tên thương hiệu, Huyền nhẹ nhàng giải thích: Cha mẹ chúng mình xuất thân từ vùng núi biên giới phía Bắc - ở đó người ta gọi tên khu dân cư là bản, giống như từ buôn của người dân tộc gốc Tây Nguyên. Người Tày, Nùng ở thị trấn Phước Cát không đông, nhưng cộng đồng nơi đây vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, cũng dùng từ bản để nhắc nhớ về quê hương.
Thời gian còn làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Huyền đã kinh doanh các loại bột ca cao trên mạng, thông qua các mối quan hệ cá nhân trên facebook. Hiểu về tiềm năng của thị trường còn rộng mở, Huyền luôn ấp ủ có thể tự mình làm và bán sản phẩm, chứ không phải bán hàng dựa trên sự tin tưởng vào lời nói của người khác.
Sợ rằng cứ chần chừ thì mục tiêu sẽ không đạt được, đầu năm 2021, Huyền liên hệ với một thầy giáo có mối quan tâm và phát triển vấn đề ca cao ở Việt Nam để đặt mua máy móc cũng như để tư vấn về quy trình sản xuất ra sản phẩm ca cao an toàn.
Trước khi hệ thống máy chuyển về Cát Tiên, Huyền tranh thủ những ngày nghỉ để đi xem người ta làm ca cao ở Tiền Giang, Bến Tre và nhiều nơi khác nữa. Cô cũng tận dụng vốn tiếng Anh của mình tham khảo các tài liệu nước ngoài, trò chuyện với những người làm chocolate trên thế giới để xem họ làm ca cao như thế nào.
Đến tháng 6, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng mang lại cho Bản Ca cao cơ hội tìm được chỗ đứng trên thị trường. “Cũng từng nhiều người cho rằng hai đứa mình điên, hoặc liều lĩnh. Nhưng mình không nghĩ vậy. Chẳng có ai kinh doanh mà không phải đánh đổi, quan trọng là mình xác định được mình cần gì và quyết tâm với nó”, Huyền nói.
Để người dân tin rằng “hai đứa này nó làm thật”, sau khi nghiên cứu ra sản phẩm đạt chuẩn theo ý muốn, Duyên và Huyền đem gửi tặng lại cho bà con, để bà con biết rằng sản phẩm bột ca cao do mình trồng ngon và không thua kém bất cứ loại nào trên thị trường.
Được thưởng thức ly ca cao ngọt ngào, thơm lành được trồng từ đôi tay của mình và những người nông dân ở Cát Tiên, ông Trần Văn Chương (thôn Sơn Hải, xã Phước Cát 2) cũng không khỏi tự hào: Hiếm lắm mới có vài người trẻ đi học hỏi kỹ thuật rồi sản xuất bài bản như thế này. Chúng tôi gần 15 năm nay dù rất mê nhưng chỉ biết trồng chứ làm sao đủ khả năng, trình độ để chế biến được ca cao, nói gì đến chocolate như người nước ngoài. Nói chung là cũng tự hào lắm, mong rằng sẽ có thêm nhiều người được thưởng thức sản phẩm cacao được trồng từ nơi này.
Đích đến cuối cùng của Huyền và Duyên là chocolate. Nhưng đôi bạn cũng thừa nhận con đường đến giấc mơ ấy còn rất xa. Không chỉ bởi công nghệ làm chocolate phức tạp, điều kiện sản xuất, bảo quản đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn mà cũng chính bởi nguồn nguyên liệu làm ra chocolate cần sự ổn định cả về chất lượng lẫn số lượng.
Trong bản đồ nông sản ở Lâm Đồng, ca cao không phải là cây trồng thế mạnh. Phần lớn diện tích ca cao hiện tại ở Cát Tiên là tồn dư từ Dự án Phát triển cây ca cao bền vững tại Lâm Đồng không hiệu quả trước đây.
Thế nhưng, nhờ ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu mà sản phẩm ca cao Lâm Đồng vẫn nằm trong vùng nguyên liệu của các nhãn hàng chocolate nổi tiếng thế giới, điển hình là Maru Chocolate.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, hiện nay, diện tích ca cao còn lại khoảng hơn 30 ha, chủ yếu là các vườn được trồng từ năm 2009. Đa phần trái ca cao được người dân thu hái, bán tươi hoặc bán hạt khô cho đại lý thu mua. Một số gia đình chế biến các sản phẩm phụ kèm theo như rượu ca cao.
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp, Huyền đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác, được hỗ trợ hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đây, sản phẩm bột của Bản ca cao được tham gia kết nối trong các nhóm OCOP, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm sản phẩm địa phương Lâm Đồng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Hiện nay, diện tích ca cao trên địa bàn có xu hướng mở rộng. Nhưng khác với trước đây là trồng ồ ạt theo dự án, nay chỉ có những gia đình có hướng liên kết với đơn vị thu mua để trồng thêm, hướng đến sự phát triển bền vững. Trong quá trình đó, việc xuất hiện và làm nên được sản phẩm như Bản ca cao của Duyên và Huyền như một sự khẳng định cho chất lượng hạt ca cao trên địa bàn.
Mang trong mình ước mơ làm nên thương hiệu cho một sản phẩm địa phương, Huyền cũng được Huyện Đoàn Cát tiên hỗ trợ lập dự án tham dự Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022. Anh Nguyễn Văn Mười - Phó Bí thư Huyện Đoàn Cát Tiên cho biết việc một dự án kinh tế của thanh niên nông thôn, đặc biệt là ở nơi điều kiện còn nhiều khó khăn như Cát Tiên đạt được giải cao là động lực rất lớn để thanh niên địa phương dần dần thay đổi cách nhìn và có sự cố gắng, không chỉ ở các cuộc thi. Là người trực tiếp giúp đỡ, hoàn thiện hồ sơ của dự án Bản Ca cao tham gia cuộc thi khởi nghiệp, anh cũng nhận thấy rằng tuy còn khá non trẻ nhưng bước đầu dự án đã có những nền tảng nhất định.
Hiện nay, để tiến đến mở rộng và sản xuất những mặt hàng chất lượng cao, Bản Ca cao còn thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như thiết bị để tiếp tục cải tiến công nghệ từ đó tăng giá trị cho các sản phẩm trong tương lai. “Trong thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị để giúp quảng bá sản phẩm hoặc kết nối các nguồn vốn vay để có thể hỗ trợ các bạn. Thuyền to thì sóng lớn, hi vọng các bạn tiếp tục kiên trì để vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu của địa phương”, anh Mười bày tỏ hi vọng.
Còn đối với Huyền và Duyên, cả hai đều khẳng định rằng khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng và sẵn sàng đã đón nhận mọi khó khăn bằng một cái nhìn tích cực. Chấp nhận hi sinh tuổi trẻ để trở về quê hương gắn bó với ngành nông nghiệp vất vả nhưng đổi lại, Huyền và Duyên nhận được gia đình ủng hộ, được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ và được những người nông dân tin tưởng.
Vạn sự khởi đầu còn rất gian nan, nhưng tin rằng với quyết tâm của người trẻ, hai cô gái sẽ từng bước chạm đến giấc mơ chocolate của mình trong một ngày không xa.
Nội dung và hình ảnh: HỒNG THẮM
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG