.

Trọn lời thề với Đảng

12:10, 01/10/2022
 
(LĐ online) - Đồng Nai Thượng không chỉ là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên mà còn là mảnh đất xa nhất về phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây, những người Mạ, người S’Tiêng đã từng có mặt trong các đơn vị bộ đội, tham gia đánh giặc giữa núi rừng Bờxa Luxiêng. Ngày nay, bà con vẫn một lòng theo Đảng để chăm lo phát triển đời sống, chung tay giữ gìn những cánh rừng cổ thụ giữa đại ngàn bát ngát. 
 
 
Chúng tôi được nghe cựu dũng sỹ diệt Mỹ cấp 2 Điểu Thị Lôi (tên thường gọi Năm Lôi) kể về những cuộc chiến đấu với giặc của bà con người Mạ, S’Tiêng. Không thể đếm hết những vết hằn thời gian trên khuôn mặt, nhưng ánh mắt của người nữ anh hùng ấy vẫn rạng ngời khi dòng ký ức chầm chậm quay về. 
 
Bà Năm Lôi như sống lại khoảng năm 1967, vùng dân cư S’Tiêng của mình chỉ có chừng hơn chục nóc nhà dài nhưng là vùng hoạt động của Khu ủy Khu VI và Tỉnh ủy Đồng Nai Thượng nên bọn Mỹ - Ngụy vẫn tập trung truy quét. Chúng lập cả sân bay dã chiến và dùng cả trực thăng mang cả khí tài, chiến xa lên đây để lùng bắn cán bộ kháng chiến của ta và chốt chặn con đường hành lang chiến lược nối chiến khu D anh dũng với các tỉnh Trung Bộ và miền Bắc. 
 
Trong những ngày triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ, Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã điều lên khu vực án ngữ đường hành lang Bắc - Nam là xã Đồng Nai Thượng (ngày ấy là Thôn 5, xã Tiên Hoàng) hơn 40 lính Mỹ và lính đánh thuê.
 
Một đêm rừng âm u, do nghi ngờ cán bộ ta vào buôn để hoạt động, chúng đã xua quân vây ráp toàn bộ những nóc nhà dài có ý định thảm sát. Nắm bắt được diễn biến âm mưu của địch, cán bộ kháng chiến và đội du kích người S’Tiêng đã mai phục đánh chặn để bà con tản vào rừng lánh nạn an toàn. Khoảng 1 giờ sau, không bắt giết được người nhưng bọn chúng vẫn nổ súng bắn heo, trâu, bò của đồng bào. Tiếc xót tài sản của buôn làng, lúc này du kích Điểu Đoi và Điểu Thị Lôi đã ôm súng trở lại buôn đánh tháo cho... đàn gia súc chạy ra rừng an toàn.
 
 
Trong dòng ký ức chầm chậm quay về, bà Năm Lôi hôm nay vẫn khẳng định chắc nịch “Nếu không vững tin vì có rừng che chở thì mình không thể quay lại. Địch thua mình vì địch không biết dựa vào rừng, không biết luồn rừng lắt léo”. 
 
Sau trận đánh ấy, người con gái Điểu Thị Lôi đã được thưởng nóng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 2 và được Nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi tặng một khẩu súng cùng chiếc khăn rằn Nam bộ chính hiệu. Sau này, bà Năm Lôi trở thành Đại biểu Quốc hội khóa VI. 
 
 
Mân mê chiếc khăn rằn cùng những huân chương, huy chương đỏ rực - tài sản quý giá của một thời tuổi trẻ, chứng nhân của vùng đất Đồng Nai Thượng anh hùng Điểu Thị Lôi nhắc đi nhắc lại rằng: Với người Mạ, S'Tiêng ở Đồng Nai Thượng thì rừng là máu thịt. Sau ngày giải phóng, Đảng, Nhà nước muốn dời bà con mình ra ngoài để sống tập trung thuận lợi phát triển kinh tế. Nhưng bà con nói rằng, sinh ra dưới bóng rừng, sống gần rừng quen rồi nên mong muốn ở lại mảnh đất này của cha ông. 
 
 
Chính trong những ngày khói lửa, rừng là chứng nhân cho mối tình cảm khăng khít, bền chặt của ý Đảng và lòng dân để cùng viết nên những trang sử hào hùng giữa Chiến khu D. Và hôm nay rừng vẫn là điểm nối kết, giữ gìn vẹn nguyên tình dân, nghĩa Ðảng. 
 
Gần 100% dân số Đồng Nai Thượng là người Mạ, S’Tiêng. Xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên với khoảng hơn 7.000 ha rừng đặc dụng. Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về sự đồng thuận ở Đồng Nai Thượng, đặc biệt là câu chuyện giữ rừng. 
 
 
Việc Đảng uỷ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng là minh chứng rõ ràng, là sợi dây kết nối bền chặt giữa lòng dân và ý Đảng. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của xã Đồng Nai Thượng.
 
Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “kim chỉ nam” để cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân xã Đồng Nai Thượng tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ vững chắc diện tích rừng hiện có.
 
Trên cơ sở nghị quyết được ban hành, các giải pháp quản lý bảo vệ rừng đã được triển khai phù hợp với đặc thù địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn thường xuyên hướng dẫn Nhân dân trồng rừng, trồng cây phân tán nhằm nâng cao chất lượng rừng, thúc đấy sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn xã. Hướng dẫn người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chăm sóc và hưởng thụ các nguồn lợi từ rừng đem lại theo đúng các quy định của pháp luật.
 
 
Công tác giao khoán bảo vệ rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được duy trì hiệu quả suốt nhiều năm qua, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống bà con. Đặc biệt ở Đồng Nai Thượng, kết quả thực hiện công tác bảo vệ rừng trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để xét danh hiệu thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và cả hệ thống chính trị của địa phương.
 
 
Nghị quyết giữ rừng của xã Đồng Nai Thượng đã xác định rõ mục tiêu: Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển rừng và sử dụng bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp, duy trì và đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng từ 80% trở lên. Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng xã hội hóa, Nhà nước và Nhân dân cùng làm, gắn việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
 
Có lẽ bởi vậy mà khi vấn đề về quản lý, bảo vệ rừng đang “nóng” lên ở khắp cả nước, nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên đang tiếp tục “chảy máu” thì rừng ở Đồng Nai Thượng vẫn tươi xanh và vẫn chở che cho người dân Đồng Nai Thượng từ đời này qua đời khác.
 

 

 

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa (Vườn Quốc gia Cát Tiên) Lê Viết Hồ thống kê: 100% người đồng bào Mạ, S’Tiêng ở Đồng Nai Thượng tình nguyện xin tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Hiện có 332 hộ dân nơi này tham gia nhận khoán, bảo vệ với diện tích hơn 4.390 ha rừng. Trung bình, mỗi hộ nhận khoán, bảo vệ từ 10 đến 15 ha rừng. 
 
Diện tích rừng mà người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ kéo dài hơn 25 km bao quanh cả 5 buôn: Bù Gia Rá, Bi Nao, Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê. Với địa bàn còn 14,67% dân số là hộ nghèo như Đồng Nai Thượng thì khoản tiền từ nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng đủ đảm bảo lương thực cho bà con. Đây là động lực rất lớn để bà con tiếp tục bám đất, giữ rừng. 
 
Ở Đồng Nai Thượng, đàn ông và phụ nữ đều tham gia tuần tra, giữ rừng. Toàn xã hiện có 7 tổ quản lý, bảo vệ rừng, thay phiên nhau phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. 
 
Rừng ở Đồng Nai Thượng nằm ở vùng có địa hình đồi cao, sườn dốc, phân bố giữa các thung lũng suối và dạng đỉnh bằng phẳng, địa hình hiểm trở phức tạp, nhiều khe suối chia cắt. Từ đây là nơi bắt đầu các dòng chảy của suối Đạ Rông, Đạ Xiên, Đạ Tơn… đổ về sông Đồng Nai. 
 
Địa hình hiểm trở là thế nhưng bà con Đồng Nai Thượng thuộc nằm lòng. Kiểm lâm viên trạm Bù Sa Trần Ngọc Anh bảo rằng, bà con hiểu rừng rất rõ. Ngoài tuần tra ban ngày, các tổ quản lý bảo vệ rừng còn phân chia tổ, phân lịch cùng với kiểm lâm đi “ngủ rừng” ban đêm. Có khi đi trong rừng cả mấy ngày trời để ngăn chặn săn bắn, tháo gỡ bẫy thú ở các đường mòn, trảng cỏ.... Bởi vậy, dẫu có nhiều diện tích rừng giáp ranh song rừng vẫn được bảo vệ an toàn. 
 
 
Ngoài việc các lực lượng chức năng đặt trạm tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đường ra vào khu vực rừng trực 24/24 để vừa kiểm tra, kiểm soát diện tích rừng, vừa tạo sức răn đe với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm, tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm thực hiện để duy trì và thổi bùng mạnh mẽ sự đồng lòng giữ rừng trong Nhân dân.  
 
Theo chân bà con trong một chuyến tuần tra rừng, tôi được nghe anh Điểu K’Đuynh, chị Điểu Thị Hoa và nhiều bà con khác bảo rằng: Giữa những ngày hè nắng như “đổ lửa”, dưới thị trấn Cát Tiên có nắng đến mấy thì đi qua Dốc Mây vào đất Đồng Nai Thượng sẽ thấy mát lành ngay. 
 
Mùa khô, suối ở nơi này không bao giờ cạn nước nên bà con không lo thiếu nước tưới cà phê. Bao mùa mưa, bão đi qua ở đây không bao giờ sợ lũ vì đã có cây rừng bao bọc xung quanh. Cũng như thế hệ bà Năm Lôi, những người trẻ của Đồng Nai Thượng hôm nay cũng sinh ra từ rừng, lớn lên cùng rừng và kiên quyết bám đất giữ rừng.
 
 
Với những lời trao truyền như thế nên dẫu đã trải qua bao cuộc bể dâu, con tạo cứ xoay vần và Đồng Nai Thượng đã dần phát triển nhưng tình cảm son sắt của người Mạ, S’Tiêng với núi rừng đại ngàn vẫn nguyên vẹn, tươi xanh.
 

Nội dung: DIỄM THƯƠNG - NGỌC NGÀ
Dựng Video: HOÀNG ANH
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG

 


Xem thêm bình luận