.

Kỳ 2: Vun đắp niềm tin, nhân lên hạnh phúc

18:31, 29/10/2024

 

[Audio] Vun đắp niềm vui, nhân lên hạnh phúc

Ông Ya Hem là người dân tộc Rơ GLai (49 tuổi, ngụ tại xã Tam Bố, huyện Di Linh). Liên tục trong 10 năm qua, ông là khách hàng “thân thiết” của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền vốn vay lần lượt là 8 triệu, 25 triệu, 30 triệu, 50 triệu…

Với bản tính cần cù, chịu khó và mong muốn phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất Di Linh, cộng với nguồn vốn vay ưu đãi nên gia đình ông Ya Hem từ một hộ nghèo với 8 sào đất chủ yếu trồng cà phê già cỗi, năng suất thấp, đến nay, ông đã cải tạo vườn cà phê sang giống mới cho năng suất và chất lượng cao. Từ đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định để xây dựng nhà cửa khang trang và có điều kiện lo cho 3 người con ăn học đầy đủ.

Không những vươn lên thoát nghèo, mà từ những đồng vốn tích luỹ được qua thu hoạch cà phê hàng năm, gia đình ông Ya Hem đã mua thêm 1,7 ha vườn cà phê cho thu nhập ổn định. 

 
Ông Ya Hem kể câu chuyện thoát nghèo của gia đình tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
 

Huyện Di Linh được biết đến là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc ghép cải tạo mà năng suất, chất lượng cà phê không ngừng được nâng cao. Và, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng để người dân cải tạo chất lượng vườn cà phê, nâng cao thu nhập, góp phần vươn lên thoát nghèo.

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Di Linh nên nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, giúp hàng ngàn hộ dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi.

 
Bà Thuý chăm sóc đàn bò được gầy dựng từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội
 

Còn tại huyện Đức Trọng, gia đình bà Phan Thị Thúy (ngụ tại xã Hiệp An) đang vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi bò và heo, gà. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Thúy đã sử dụng hiệu quả nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Trước đây, gia đình bà Thuý chỉ sản xuất nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh. Tận dụng lợi thế về khí hậu, đất đai trồng cỏ phù hợp với chăn nuôi, gia đình bà Thúy  được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình nuôi bò. Từ chăn nuôi, bà Thúy lại tái đầu tư vào trồng trọt, tăng thêm thu nhập hàng năm cho gia đình.

Bà Thúy chia sẻ: Nguồn vốn vay tín dụng chính sách không chỉ tạo nguồn lực để gia đình có điều kiện đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế, mà còn tạo niềm tin và động lực để bà và gia đình nỗ lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Bà cũng bày tỏ mong muốn có chính sách hỗ trợ cho vay vốn nhiều hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi, từ đó có thể tăng thêm thu nhập và có điều kiện lo cho con cái ăn học tốt hơn.  

Ngoài gia đình bà Thúy, còn nhiều gia đình khó khăn khác trên địa bàn xã Hiệp An nói riêng và huyện Đức Trọng nói chung đã sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, góp phần vào xây dựng nông thôn mới ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Vùng nông thôn mới ở xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng

Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có trên 317.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay trên 11.511 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 1.151 tỷ đồng. 

Tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tính đến ngày 30/6/2024 đạt 5.976 tỷ đồng, tăng 3.814 tỷ đồng (trên 176,37%) so với năm 2014, với 101.177 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm 28,15% số hộ của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm khoảng 10%; trong đó, dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới là 4.574 tỷ đồng, chiếm 76,54% tổng dư nợ; dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 2.112 tỷ đồng, chiếm 35,34% trên tổng dư nợ.

 
Kiểm tra hộ vay vốn tín dụng chính sách xã hội ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông
 

Sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, năm 2015, Lâm Đồng đã bổ sung 100% lãnh đạo UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương… 

Cựu chiến binh xã Hiệp An, huyện Đức Trọng với mô hình trồng chuối gắn chip xuất khẩu
 

Triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay trực tiếp đến người thụ hưởng và ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện, gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.

Cùng với các Hội đoàn thể, Hội Cựu chiến binh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, nhiều hội viên cựu chiến binh được vay vốn tín dụng chính sách đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này để phát triển kinh tế gia đình.

Hàng tháng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác được Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp, thông tin những chủ trương, chính sách tín dụng mới ngay tại xã để thông báo, tuyên truyền cho người vay vốn thông qua các buổi sinh hoạt Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.

Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với chính quyền địa phương đã duy trì hoạt động trên 168 nghìn Tổ Tiết kiệm và Vay vốn theo địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố. Đây được xem là “cánh tay nối dài” chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hoạt động Điểm giao dịch xã theo định kỳ hàng tháng an toàn; và quan tâm, hỗ trợ các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn hoạt động hiệu quả.

Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 5.969 tỷ đồng thông qua 2.466 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn với hơn 100 ngàn khách hàng, tăng 3.814 tỷ đồng (trên 176,98%) so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 99,88% trên tổng dư nợ của toàn Chi nhánh. 

 
Hoạt động Điểm giao dịch xã của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đơn Dương
 

Cùng với các nguồn lực tập trung nhiều hơn cho các chương trình tín dụng chính sách, phương thức quản lý hoạt động tín dụng chính sách cũng có nhiều chuyển biến, góp phần đảm bảo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn, có nhu cầu đều được vay vốn… 

Hàng năm, Chi nhánh đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban Đại diện là Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, trưởng thôn và Ban Quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.

Bên cạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả nợ theo phân kỳ, trả nợ khi đến hạn, Ban Quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thực hiện đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, ủy nhiệm, hướng dẫn người vay cách thức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả vốn vay.

Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức Hội nhận ủy thác tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay, nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn và xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. 

 
Vườn dưa công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Văn Trường (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng)
 

Hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng phối hợp với các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với những khách hàng bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo đúng quy định. 10 năm qua, đã đề nghị xử lý rủi ro 2.800 món vay; trong đó, khoanh nợ 790 món vay, xóa nợ 2.010 món vay.

Thông qua các giải pháp trên, chất lượng tín dụng tại Chi nhánh được duy trì ổn định, từng bước được nâng cao, tỷ lệ thu nợ đến hạn tăng dần. Dư nợ quá hạn và nợ khoanh đến ngày 30/6/2024 là 8,3 tỷ đồng, chiếm 0,14% trên tổng dư nợ, giảm 42,88% so với năm 2014; trong đó, nợ quá hạn là 3,3 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng dư nợ, giảm 60,84% so với năm 2014; nợ khoanh là 5 tỷ đồng, chiếm 0,08% tổng dư nợ, giảm 17,84% so với năm 2014.

 
 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi tại 142 Điểm giao dịch xã theo lịch cố định hàng tháng (kể cả ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ) với phương châm “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” đã tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với dịch vụ ngân hàng. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giao dịch tại Điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xây dựng thành công 43/142 Điểm giao dịch xã kiểu mẫu. Việc công khai các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, quy trình, thủ tục cho vay, dư nợ của người vay ngay tại xã đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân biết để cùng thực hiện; đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.

 
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đơn Dương hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng Smart Banking
 

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động tại các Điểm giao dịch xã ngày càng chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. 

Từ tháng 1/2017, Chi nhánh đã lắp đặt thiết bị kết nối với camera tại Điểm giao dịch xã để thực hiện giám sát trực tuyến hoạt động giao dịch.

Năm 2016, đã nghiên cứu thực hiện Đề tài cấp Chi nhánh Xây dựng định mức thời gian giao dịch tại Điểm giao dịch xã tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học Ngân hàng Chính sách xã hội nghiệm thu.

Năm 2020, đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng Điểm giao dịch xã kiểu mẫu làm căn cứ để Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện. 

Từ năm 2022, triển khai ứng dụng VBSP SmartBanking của Ngân hàng Chính sách xã hội, mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng…

 
Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng
 

Theo ông Võ Văn Thanh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững… 

 
 

Từ khóa:

Dấu ấn của chính sách ưu việt vì dân

Chỉ thị 40-CT/TW

NHCSXH


Xem thêm bình luận