TOI 700 e là hành tinh thứ tư được phát hiện quay quanh ngôi sao lùn TOI 700, và tất cả đều được tìm thấy nhờ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Chuyển tiếp (TESS) của NASA.
Thiên thể có tên TOI 700 e nhiều khả năng là một hành tinh đá |
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố phát hiện một ngoại hành tinh cách Trái Đất 100 năm ánh sáng nằm trong vùng có thể ở được.
Theo báo cáo được đưa ra ngày 10/1 tại cuộc họp lần thứ 241 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ ở Seattle, thiên thể có tên TOI 700 e nhiều khả năng là một hành tinh đá có kích cỡ bằng 95% Trái Đất.
Đây là hành tinh thứ tư được phát hiện quay quanh ngôi sao lùn TOI 700. Tất cả đều được tìm thấy nhờ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Chuyển tiếp (TESS) của NASA.
Một hành tinh khác trong hệ thống, được phát hiện vào năm 2020 và đặt tên là TOI 700 d, cũng có kích cỡ tương đương Trái Đất.
Cả TOI 700 d và e đều nằm trong vùng ở được của ngôi sao, nghĩa là cách ngôi sao một khoảng phù hợp mà nước dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của chúng. Khả năng tồn tại nước ở dạng lỏng cho thấy bản thân các hành tinh này có thể đang hoặc đã từng là nơi hỗ trợ sự sống.
Những ngôi sao lùn nhỏ và mát mẻ như TOI 700 rất phổ biến trong vũ trụ và nhiều trong số đó đã được quan sát thấy chứa các ngoại hành tinh trong những năm gần đây, ví dụ như hệ thống TRAPPIST-1 với 7 ngoại hành tinh mà kính viễn vọng James Webb sẽ quan sát.
Trong 4 hành tinh của hệ thống TOI 700, TOI 700 b nằm gần ngôi sao nhất, có kích thước bằng 90% Trái Đất và hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao cứ sau 10 ngày. Tiếp theo là TOI 700 c, lớn hơn "hành tinh xanh" 2,5 lần và hoàn thành một vòng quỹ đạo cứ sau 16 ngày.
Cả hai đều có khả năng bị khóa thủy triều (khóa trọng lực), nghĩa là chúng luôn hướng một phía về ngôi sao, giống như cách một phía của Mặt Trăng luôn hướng về Trái Đất.
Bà Emily Gilbert, tác giả chính của báo cáo và là nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở California, cho biết đây là một trong số ít các hệ thống có nhiều hành tinh nhỏ nằm trong vùng ở được mà chúng ta biết. Điều đó khiến TOI 700 trở thành một đối tượng thú vị để theo dõi thêm.
Hành tinh TOI 700 e nhỏ hơn khoảng 10% so với hành tinh TOI 700 d, vì vậy khám phá này cũng cho thấy các quan sát bổ sung của TESS giúp con người tìm ra những thế giới mới ngày càng nhỏ hơn như thế nào.
Được đưa vào hoạt động từ năm 2018, TESS theo dõi phần lớn bầu trời đêm trong 27 ngày liên tục, tập trung quan sát những ngôi sao sáng nhất và theo dõi sự thay đổi độ sáng của chúng.
TESS bắt đầu quan sát bầu trời phía Nam vào năm 2018, sau đó quay sang bầu trời phía Bắc. Năm 2020, sứ mệnh lại tập trung vào bầu trời phía Nam để quan sát thêm và phát hiện hành tinh thứ tư trong hệ thống TOI 700.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin