Đề xuất dùng vốn đầu tư công để hoàn thành tuyến đường tránh TP Bảo Lộc

NGUYỄN NGHĨA 01:02, 27/06/2024

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ phương án dừng đầu tư hạng mục tuyến tránh TP Bảo Lộc theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - chuyển giao) và lập dự án mới, sử dụng vốn đầu tư công để hoàn thành 30% hạng mục còn lại.

QL 20 đoạn qua TP Bảo Lộc hiện khá đông đúc xe cộ
QL 20 đoạn qua TP Bảo Lộc hiện khá đông đúc xe cộ

Việc đề xuất dừng đầu tư theo BT và sử dụng vốn đầu tư công cho tuyến tránh TP Bảo Lộc là giải pháp hợp lý, cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, tránh lãng phí và góp phần hoàn thiện dự án trọng điểm quốc gia. Mong rằng đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét và sớm đưa ra quyết định để giải quyết dứt điểm vướng mắc cho dự án, mang lại lợi ích cho người dân và địa phương.

Tiếp thu kiến nghị, giải trình của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ mới đây cho biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ tổ chức buổi họp trong thời gian tới với các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng để giải quyết nội dung này.

Dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km0 - Km123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được phê duyệt có chiều dài 117 km, điểm đầu từ ngã ba nút giao Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai (Km0) và điểm cuối tại Km123+105,17 nút giao Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Quy mô là đường cấp III đồng bằng, cấp III miền núi. Tổng mức đầu tư là 5.264,634 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 601,463 tỷ đồng. Vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 250 triệu USD và bảo hiểm hợp đồng vay của Tổ chức bảo hiểm đa phương (MIGA) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB).

Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT. Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án, ký hợp đồng với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án. Theo đó, tổng giá trị thanh toán dự án tạm xác định là 8.795,380 tỷ đồng, không tính hoàn thuế VAT. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng, thông xe vào ngày 28/4/2015 và bàn giao khai thác đưa vào sử dụng tháng 9/2015.

Sau khi hoàn thành đầu tư dự án theo hợp đồng ban đầu, đề xuất bổ sung đầu tư hạng mục nút giao Dầu Giây và tuyến tránh TP Bảo Lộc vào dự án. Sử dụng nguồn vốn vay còn dư của Dự án để đầu tư bổ sung. Tổng giá trị thanh toán bao gồm cả các khoản lãi vay, phí, chi phí khác..., tạm xác định là 9.456,356 tỷ đồng, có tính hoàn thuế VAT là 361,869 tỷ đồng.

Nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án đã triển khai xây dựng 2 hạng mục bổ sung từ tháng 2/2017. Hạng mục nút giao Dầu Giây hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác ngày 20/6/2022. Hạng mục tuyến tránh TP Bảo Lộc thi công đạt 70% khối lượng, tạm dừng thi công tại điểm dừng kỹ thuật từ ngày 7/10/2020.

Hiện, dự án đang gặp vướng mắc ở hạng mục tuyến tránh TP Bảo Lộc. Tuyến tránh này hiện thi công đạt 70% khối lượng và phải tạm dừng thi công do thiếu hụt nguồn vốn so với phương án tài chính đã duyệt. Bên cạnh đó, tuyến tránh hiện có nguy cơ mất an toàn giao thông, bị sụt trượt gây hư hỏng mặt đường. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chưa được thanh toán, hoàn thành chi trả cho người dân.

Theo Bộ Tài chính, MIGA đã có ý kiến về các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến dự án và cảnh báo việc không hoàn thành tuyến tránh này có thể dẫn tới đánh giá vi phạm cam kết, tác động tới tài chính khoản vay và tác động tới xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá và đưa ra 3 phương án để triển khai khắc phục tuyến tránh này. Phương án 1 là sử dụng nguồn vốn UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết cho dự án; Phương án 2 là tiếp tục đầu tư tuyến tránh TP Bảo Lộc bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Phương án 3 là dừng đầu tư hạng mục tuyến tránh TP Bảo Lộc theo hình thức hợp đồng BT, lập dự án mới đối với các hạng mục còn lại (khoảng 30%) của tuyến tránh TP Bảo Lộc để đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công (dự kiến khoảng 352,12 tỷ đồng). Và sau khi khảo sát, nắm bắt tình hình, lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ GTVT đề xuất phương án 3 vì tính khả thi cao nhất.