Đam Rông tập trung trồng rừng

09:07, 15/07/2016

Nhằm nâng tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn lên 64,3%, huyện Đam Rông đã và đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng. 

Nhằm nâng tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn lên 64,3%, huyện Đam Rông đã và đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng. 
 
Người dân Đạ K’Nàng tham gia trồng rừng
Người dân Đạ K’Nàng tham gia trồng rừng

Để thực hiện các chỉ tiêu trồng mới 1.000 ha rừng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư 500 ha, ngay từ đầu năm 2016, đặc biệt là từ đầu mùa mưa năm nay, công tác trồng rừng đã được các ngành chức năng huyện Đam Rông, các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng và các hộ dân trên địa bàn huyện tập trung thực hiện. Ông Lê Văn Tân - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, cho biết: “Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2016, Ban đưa ra một số nội dung thực hiện như: tiếp tục giải tỏa trên diện tích được phê duyệt; tăng cường tuyên truyền, vận động mọi người dân không được canh tác trên diện tích đã giải tỏa và được phê duyệt trồng rừng năm 2016; thường xuyên dọn thực bì chuẩn bị trồng rừng đảm bảo và gieo ươm cây giống để trồng rừng”.
 
Bám sát vào chỉ tiêu trồng rừng trong năm 2016, ngay từ đầu năm Ban Quản lý rừng phòng hộ Sê Rê Pốk và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng xây dựng kế hoạch chi tiết về trồng rừng trong năm tại diện tích được quản lý; đồng thời, phối hợp với các xã tiến hành khảo sát, thiết kế trồng rừng cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn thuộc diện trồng rừng 30a và có nhu cầu. Những hộ trồng rừng theo Chương trình 30a được nhận số tiền 11 triệu đồng/ha để trồng và chăm sóc rừng trồng trong 3 năm. Anh K’Bát, người dân thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng, bày tỏ: “Trong nhiều năm chúng tôi tham gia cùng Ban Quản lý rừng Phi Liêng trồng rừng, giờ đây nhiều diện tích đã tốt lên thành rừng. Với bản thân tôi, việc tham gia trồng rừng vừa có được công ăn việc làm, vừa có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”.
 
Để đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng trong năm 2016, đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sê Rê Pốk và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng đang triển khai trồng trên 140 ha rừng trồng theo Chương trình 30a (trên 70 ha rừng thay thế; trên 70 ha rừng sau giải tỏa). Đồng thời, 2 Ban Quản lý rừng trên, đã ươm được trên 900.000 cây giống lâm nghiệp, chủ yếu là thông và keo để phục vụ trồng rừng. 
 
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có gần 10 ha rừng trồng mới được thực hiện. Công tác trồng rừng trong năm đang được triển khai gấp rút, đất trồng rừng cũng đang được xử lý thực bì. Cùng với việc trồng rừng, công tác chăm sóc rừng mới được trồng đã được ngành chức năng huyện chú trọng. Ông Nguyễn Trọng Công - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Đạ K’Nàng, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, nói: “Anh em trong trạm đã rà soát đưa vào diện tích trồng rừng năm 2016. Cho đến nay, đã trồng được khoảng 3 ha rồi. Còn diện tích mà trạm quản lý thì anh em trạm đã tập trung nỗ lực cùng với các tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra diện tích rừng trồng để kịp thời ngăn chặn không để chặt phá, lấn chiếm trái phép”.
 
Cùng với việc triển khai trồng rừng bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Đam Rông cũng đang kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng trên địa bàn thực hiện trồng trên 500 ha rừng năm 2016 theo quy định. Tuy nhiên, công tác trồng rừng trên địa bàn huyện Đam Rông cũng đang gặp phải những trở ngại do địa hình trồng rừng đi lại khó khăn, đặc biệt công tác bảo vệ trồng rừng sau giải tỏa. Ông Lê Văn Tân cho biết thêm: “Một số diện tích người dân đã trồng cà phê rồi mình đưa vào kế hoạch giải tỏa, nếu quản lý không tốt sẽ khó tránh khỏi tình trạng người dân phá lại cây lâm nghiệp mà đơn vị đã tiến hành trồng rừng. Cho nên, có những diện tích là phải trồng đi trồng lại mới thành rừng. Vì vậy, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn trồng rừng sau giải tỏa”.
 
Trước những khó khăn đặt ra, các ngành chức năng huyện Đam Rông, các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng và các hộ dân trên địa bàn huyện đã và đang nỗ lực tập trung thực hiện thắng lợi công tác trồng rừng trong năm. Qua đó, nhằm giảm dần diện tích đất trống, đồi núi trọc để diện tích rừng trên địa bàn huyện ngày thêm mở rộng và mãi xanh tươi.
 
Đam Trọng