(LĐ online) - Theo nhận định của BSCKII Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tỉnh ngày 22/7, các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh phần lớn có nguyên nhân liên quan đến những người từ vùng dịch; trong đó, có lái xe vận chuyển hàng hóa.
(LĐ online) - Theo nhận định của BSCKII Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tỉnh ngày 22/7, các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh phần lớn có nguyên nhân liên quan đến những người từ vùng dịch; trong đó, có lái xe vận chuyển hàng hóa.
|
Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng |
Nguồn lây cao nhất là lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa
Qua 4 đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế Lâm Đồng đã tiến hành lấy hơn 43.000 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, kết quả phát hiện 28 bệnh nhân (tính đến 23/7).
Trong số 28 bệnh nhân Covid-19 có 11 lái xe, phụ xe có dịch tễ từ vùng dịch đến Lâm Đồng. Trong đó, có trường hợp lái xe người TP Hồ Chí Minh chở hàng lên Lâm Đồng phát hiện mắc Covid-19 và ngược lại cũng có trường hợp lái xe ở Lâm Đồng chở hàng được phát hiện mắc Covid-19 tại điểm đến như Bắc Giang, Đồng Nai trong khi dịch tễ vẫn còn liên quan đến Lâm Đồng. Nguồn lây tiếp theo khi các lái xe, phụ xe đi từ vùng dịch về nhà tại địa phương tiếp xúc cộng đồng hoặc trong quá trình vận chuyển ghé sử dụng các dịch vụ dọc đường.
Từ ngày 7/7, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản quy định tất cả các trường hợp về tỉnh Lâm Đồng từ vùng phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ chỉ được phép vào địa bàn tỉnh khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực; đồng thời, phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày tại các cơ sở lưu trú có trả phí do tỉnh chỉ định (trừ người Lâm Đồng đi công tác, khám chữa bệnh, sinh viên, học sinh thi tốt nghiệp THPT trở về được cách ly tại nhà).
Lâm Đồng đang tạm dừng các chuyến xe vận tải hành khách từ các vùng có dịch về tỉnh, tạm dừng các chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến sân bay Liên Khương.
Các trường hợp lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; đồng thời, cơ sở kinh doanh vận tải phải có phương án vận chuyển hàng hóa đảm bảo an toàn, nhất là cho lái xe và phụ xe. Từ quy định này, có trường hợp lái xe, phụ xe chấp hành nghiêm túc, chỉ ăn ngủ trên xe (có trường hợp khai báo 2 tháng chỉ ngủ nghỉ trên xe) nhưng vẫn mắc Covid-19; có trường hợp bệnh nhân mới đi làm phụ xe tải được 2 tuần theo chuyến hàng đi về vùng dịch. Như vậy, còn người đi về từ vùng dịch là còn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Từ cuối tháng 5/2021, tỉnh thành lập và duy trì hoạt động 19 chốt đường bộ kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào tỉnh. Các chốt hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát người và phương tiện vào địa bàn tỉnh. Đến nay, đã kiểm soát được 448.734 lượt phương tiện; đo thân nhiệt, khai báo y tế cho 823.409 lượt người. Tại chốt Sân bay Liên Khương từ 27/4 đến nay đã kiểm soát 1.224 chuyến bay, giám sát, đo thân nhiệt cho 131.797 người, khai báo y tế cho 126.211 người, chuyển cách ly 2.097 trường hợp; trong đó: cách ly cơ sở y tế 2 trường hợp, cách ly tập trung 134 trường hợp, cách ly tại nhà 1.961 trường hợp; có 212 người về tỉnh khác.
Các chốt kiểm soát là biện pháp quan trọng giúp kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, những người về từ vùng dịch. Đến nay, thông qua các chốt kiểm soát, Lâm Đồng đã kịp thời phát hiện 6 trường hợp dương tính với Covid-19, trước khi xác định chẩn đoán bằng xét nghiệm RT-PCR đã thực hiện cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các chốt hoạt động ngày càng hiệu quả. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, kịp thời động viên lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát.
Song song với việc thiết lập các chốt kiểm soát để phát huy hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, Lâm Đồng đã triển khai 80 điểm thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 18/7 đến nay đã thực hiện xét nghiệm cho 4.051 lái xe, phụ xe tải hàng hóa đường dài.
Đồng thời, tăng cường năng lực xét nghiệm RT-PCR, đến nay trên địa bàn tỉnh, có 3 cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2 là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng với công suất là 2.300 - 2.380 mẫu/ngày (theo quy định của Bộ Y tế là 1.000 mẫu/ngày/triệu dân).
Công tác xét nghiệm được triển khai rộng rãi cho một số đối tượng nguy cơ cao như: Công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, giáo viên coi thi; lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa… Thực hiện chủ yếu bằng test nhanh hoặc xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ thì xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR.
Nguy cơ người từ vùng dịch về cộng đồng khai báo y tế không trung thực
Hai chùm ca bệnh Covid-19 tại Lâm Đồng đều do vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 là người từ vùng dịch đến/về khai báo y tế không trung thực. Các đối tượng liên quan 2 chùm ca bệnh này đã được ngành chức năng ra quyết định khởi tố. Cụ thể: Chùm ca bệnh từ chợ đầu mối Hóc Môn về xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh); trong đó, bệnh nhân 17951 lây ra cộng đồng với 5 người mắc Covid-19. Cách thức vi phạm là đối tượng từ vùng dịch về đi bằng xe máy qua chốt khai báo y tế gian dối (khai là từ vùng không có dịch tỉnh Đắk Lắk về) nên không được cách ly tập trung theo quy định về phòng chống dịch tỉnh đã ban hành.
Chùm ca bệnh từ Công ty Nam Trung (TP Hồ Chí Minh) đến thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) làm việc vi phạm nghiêm trọng do không khai báo y tế và cách ly theo đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19. Từ 3 ca bệnh đầu tiên đã lây cho 2 ca bệnh khác do các F0 đã ở trong cộng đồng 10 ngày, sử dụng các dịch vụ ăn uống nơi đông người, tiếp xúc nhiều người tại nơi làm việc trước khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Bên cạnh 2 chùm ca bệnh này, có trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 là tài xế từ TP Hồ Chí Minh về Di Linh qua chốt bằng xe máy cũng khai báo y tế không trung thực (khai là từ Madaguoi lên) nên không được cách ly kịp thời, ca bệnh đã về cộng đồng tiếp xúc với người thân trong gia đình và đi đến điểm xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 phát hiện dương tính.
Tương tự, có trường hợp bệnh nhân Covid-19 được phát hiên tại chốt Đam Rông do có yếu tố dịch tễ từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh. Cả hai vợ chồng đi xe máy qua chốt khai báo y tế không trung thực, công an vào cuộc điều tra truy vết 15 F1, 88 F2 liên quan tại Bảo Lộc và Đam Rông.
Trường hợp ca bệnh là phụ xe tải từ TP Hồ Chí Minh về trong cộng đồng cũng khai báo y tế không trung thực khiến cho số người tiếp xúc liên quan nhiều, ở nhiều địa bàn.
Không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thành lập bổ sung 9 khu vực cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến nay toàn tỉnh có 39 khu cách ly tập trung với 4.720 giường, 1.120 phòng.
Trong đó, 33 khu cách ly tập trung của tỉnh, 6 khu cách ly tập trung có thu phí tại TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các địa điểm phù hợp làm nơi cách ly tập trung, nâng số giường cách ly tập trung gấp đôi so với hiện nay.
Hiện, Lâm Đồng đã ghi nhận một số trường hợp F1 trở thành F0. Tuy nhiên, chưa ghi nhận có trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Các trường hợp F1 trở thành F0 đã được chuyển đến các cơ sở cách ly điều trị Covid-19.
Lâm Đồng đã kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung (kể cả các khu cách ly tập trung có thu phí theo các quyết định của UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
AN NHIÊN