Chàng trai sáo trúc

08:06, 18/06/2018

Yêu thích và đam mê tiếng sáo từ nhỏ, ngoài những ngày tháng học tập và hoạt động tích cực, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Lê Hoàng Nhân (sinh viên năm 2 Khoa Luật học, Trường Đại học Đà Lạt) đang nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp từ sáo trúc và xây dựng thương hiệu mang tên của chính mình.

Yêu thích và đam mê tiếng sáo từ nhỏ, ngoài những ngày tháng học tập và hoạt động tích cực, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Lê Hoàng Nhân (sinh viên năm 2 Khoa Luật học, Trường Đại học Đà Lạt) đang nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp từ sáo trúc và xây dựng thương hiệu mang tên của chính mình.
 
Hoàng Nhân hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên mới của CLB sáo trúc. Ảnh: H.T
Hoàng Nhân hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên mới của CLB sáo trúc. Ảnh: H.T
Mê thổi sáo
 
Nhân kể cái duyên đưa mình đến với tiếng sáo, cây sáo bắt đầu cách đây đã gần chục năm. Những ngày đầu, chàng trai hơn 10 tuổi loay hoay với cây sáo được mẹ mua về từ chợ. Nhân đã phần nào nản lòng khi suốt một thời gian dài, em gần như thất bại hoàn toàn khi tập thổi sáo. Thế rồi mạnh dạn hơn, Nhân được mua cho cây sáo khác từ một thương hiệu sáo trúc uy tín ở Hà Nội, niềm đam mê như được đánh thức và vẫn gắn bó với cậu cho đến bây giờ.
 
“Tự học thổi sáo rất khó, nhất là những ngày đầu em không biết phải cầm cây sáo thế nào, để tay trên các lỗ ra sao, điều chỉnh hơi sao cho đều... Điều cần thiết nhất và khó nhất là phải kiên trì thì mới có thể tự học thành công được”, Nhân tâm sự.
 
Khi đã thổi sáo thành thục hơn, Nhân bắt đầu tìm hiểu và tham gia nhiều các nhóm, CLB sáo trên mạng xã hội. Nhân cũng biết rằng với thị trường sáo ở khu vực phía Nam, không có nhiều thương hiệu sáo thực sự uy tín. Thế là vào những ngày rảnh rỗi sau giờ học, cậu sinh viên năm I Nguyễn Lê Hoàng Nhân bắt tay vào tập làm sáo. 
 
Thành người làm sáo
 
Để có được những thanh nứa tốt nhất, chàng trai trẻ đích thân tìm kiếm từ các khu rừng ở Đức Trọng, Lâm Hà... và vận chuyển về nhà mình ở Cát Tiên. Tại đây, nứa được phơi, uốn thẳng, ra khúc... Nhân cho biết, đến bây giờ, ngoài công đoạn dùng máy khoan để tạo lỗ ban đầu thì các công đoạn khác đều được cậu tiến hành làm thủ công. Đặc biệt là công đoạn khoét lỗ bằng dao, vì cậu cho rằng: Theo em tìm hiểu thì ngoài yếu tố quyết định là chất lượng của nguyên liệu ống nứa thì không có bất cứ một chuẩn mực nào cho các cây sáo. Điều quan trọng nhất vẫn là tiếng sáo khi thổi lên phải hay, có hồn. Điều này tùy thuộc vào cảm nhận của chính người thổi nên em cứ vừa làm vừa thổi thử để kiểm tra đến lúc cảm thấy hài lòng mới thôi. 
 
Hiện nay, mỗi ngày Nhân bán ra thị trường khoảng 8 cây sáo với giá rất “sinh viên”, chỉ từ 150.000 đồng. Dẫu đã làm và bán sáo hơn 1 năm nhưng Nhân vẫn cho rằng mình chưa thể tận dụng hết tinh hoa của cây nứa vì chưa được truyền học một cách bài bản. Ngoài bán online thông qua các nhóm trên mạng xã hội thì Nhân còn cung cấp cho 1 cửa hàng nhạc cụ tại Đà Lạt. Cô Hồ Thị Bê, chủ cửa hàng cho biết dù mới nhập hàng sáo trúc của Nhân nhưng cũng đã nhận được phản hồi tích cực rằng tiếng sáo khá hay và chuẩn. 
 
Ngoài việc kinh doanh sáo trúc do chính tay mình làm ra, Hoàng Nhân còn đứng ra tập hợp những bạn trẻ có chung niềm đam mê với tiếng sáo và thành lập CLB Sáo trúc tại trường. CLB sinh hoạt đều đặn 2 buổi/tuần. Dù chỉ mới thành lập gần 3 tháng nhưng đã có khoảng 25 bạn sinh viên đăng ký tham gia. Đây cũng là một trong những tâm huyết của Hoàng Nhân, 
 
Không chỉ vậy, với những gì bản thân đã tích góp được trong thời gian qua, Nhân cũng mong muốn xây dựng một thương hiệu sáo trúc mang tên của chính mình và cây sáo được làm từ chính sản phẩm của núi rừng Tây Nguyên.
 
HỒNG THẮM