Viên ngọc lấp lánh bên sông Đạ Đờn

09:02, 10/02/2013

“Tôi người K’Ho/ Làng tôi có núi cao núi thấp/ Nhiều nhánh sông chảy quanh những ngọn đồi/ Trẻ em đã biết đi học”... Buôn làng K’Thế nhắc đến trong bài thơ của mình cũng là nơi anh sinh ra và lớn lên là làng Srêrinhắc - thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà nằm ngay bên sông Đạ Đờn.

“Tôi người K’Ho/ Làng tôi có núi cao núi thấp/ Nhiều nhánh sông chảy quanh những ngọn đồi/ Trẻ em đã biết đi học”... Buôn làng K’Thế nhắc đến trong bài thơ của mình cũng là nơi anh sinh ra và lớn lên là làng Srêrinhắc - thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà nằm ngay bên sông Đạ Đờn.

K’Thế say sưa hát Cô gái K’Ho
K’Thế say sưa hát Cô gái K’Ho


Viên ngọc lấp lánh

Người K’Ho ở Lâm Hà gọi K’Thế là nhạc sĩ, là ca sĩ, là nhà thơ, là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá huyện. Nhưng đọng lại trong lòng bà con, anh là một già làng đúng nghĩa. Là già làng từ khi còn rất trẻ. Một tấm gương sáng có tầm ảnh hưởng lớn, và là niềm tự hào của người K’Ho.

Tuổi thơ K’Thế đầy vất vả nhọc nhằn. Từ khi còn 4 - 5 tuổi, cậu bé có nước da đen với đôi mắt sáng đã theo cha mẹ chạy giặc vào rừng, được cây rừng chở che, giặc tan lại trở về buôn. Đêm đến nghe ông nội hát ru, kể chuyện. Hết chuyện cổ tích lại đến chuyện buôn làng đánh giặc.

Là con lớn nhất trong nhà, từ nhỏ K’Thế đã đi chăn trâu, cày bừa, giúp đỡ cha mẹ chăm sóc 6 em nhỏ. Vào lớp 1 (năm 1970), hàng ngày K’Thế vượt 6 cây số đi học ở Đam Pao (Đạ Đờn bây giờ). Đến lớp 3 - 4 học ở phân hiệu trường làng cho đến ngày đất nước thống nhất. Anh vẫn nhớ như in những mùa rẫy Yàng cho được mùa. Vào tháng 12, sau khi thu hoạch, mùa xuân bắt đầu đến, gia đình nào được trên 100 gùi lúa (khoảng 4 - 5 tấn) liền xin với thần sông, thần núi làm lễ Nhôr sa tạch nàng, mổ trâu béo, uống rượu cần cả trăm choé, mời cả làng và bà con làng gần làng xa ăn trâu mừng lúa mới để tạ ơn trời đất cúng Yàng trong suốt 3 ngày đêm. Ông nội của K’Thế cũng là người đàn ông lao động giỏi, nhiều vụ mùa bội thu đã mở hội cúng Yàng. Cậu bé K’Thế được ông cho đi mời tất cả mọi người, trong lòng mang niềm hân hoan náo nức. Mọi hoạt động, câu nói tế lễ trời đất anh đều ghi nhớ và trân trọng với sự ngưỡng vọng của một niềm tin thật sự. Lễ hội do gia đình tổ chức nhưng là dịp chung vui của cả cộng đồng trong tình đoàn kết.

Bảo tàng “sống” lưu giữ  giá trị văn hoá tinh thần

Tôi gặp K’Thế từ lâu trong nhiều dịp lễ hội cồng chiêng của tỉnh. Ấn tượng đầu tiên về anh là một người chưa già trong vai trò già làng, tay thổi tù và, làm mọi thủ tục hành lễ thuần thục theo đúng phong tục của người K’Ho. Những lời cầu xin Yàng được anh nói bằng tiếng mẹ đẻ vang vọng: “Ơi Yàng! Cầu xin người cho mưa thuận gió hoà, cho mùa mùa bội thu, cho đoàn kết thương yêu, cho quốc thái dân an, cho quê hương hùng mạnh”. K’Thế đã mang theo ký ức tuổi thơ theo mãi đến tận bây giờ.

Đồng bào gọi K’Thế là “cán bộ của Đảng, người của buôn làng”. Anh là chiếc cầu nối đưa đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Không hiểu là bà con tìm đến hỏi anh, và mọi câu hỏi đều nhận được câu trả lời, giải thích cặn kẽ. Trong những đợt tuyên truyền phổ biến, sau khi đọc tiếng Việt, anh đều nói lại bằng tiếng K’Ho để bà con dễ hiểu.

Năm 1978, khi mới 15 tuổi, là một người trẻ tuổi ưu tú của buôn làng, anh được ngành công an đến tuyển chọn đào tạo Trường nghiệp vụ PX14 CA tỉnh, vừa học văn hoá vừa học quân sự 5 năm. Năm 1983 - 1987 được đi học Trung cấp Văn hoá nghệ thuật tại Gia Lai. Thời gian này anh bén duyên và sau đó 4 đứa con lần lượt ra đời là kết tinh tình yêu của anh với cô gái Giaglai, anh lấy 7 nốt nhạc đặt tên cho các con: Rê Mi, Đô La, Si Pha, Giáng Son. Với giọng hát và khả năng biểu diễn, anh có thể về những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng quê hương níu chân, dòng sông Đạ Đờn níu giữ anh. K’Thế trở về làm cán bộ thương nghiệp chuyên thu mua lâm sản, vẫn tích cực cộng tác với trung tâm văn hoá. Năm 1990, anh chuyển hẳn qua làm công tác văn hoá quần chúng. Anh dành tất cả tâm huyết dàn dựng nhiều chương trình văn hoá văn nghệ quần chúng phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Suốt từ 15 tuổi đến nay, anh đoạt nhiều huy chương Vàng, Bạc ở các hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, toàn ngành công an, hội diễn ở tỉnh. Vừa tích cực làm việc, vừa không ngừng nâng cao trình độ, vượt qua khó khăn, bánh mì và mì tôm đã nuôi sống anh trong suốt 5 năm (2007 - 2012), anh hoàn thành chương trình đại học quản lý văn hoá tại Nha Trang.

Về Lâm Hà, nghe K’Thế ôm đàn say sưa hát “Cô gái K’Ho sinh ra trên đất này, suối nguồn Srêrinhắc ché rượu cần vít say...” trong một chiều Đinh Văn. Âm hưởng dân ca K’Ho như một dòng chảy trong nhiều sáng tác của K’Thế được hát lên bằng 2 thứ tiếng (K’Ho - Việt) ngợi ca quê hương, ngợi ca cuộc sống được đồng bào đón nhận. Cảm nhận hết trách nhiệm là một người trong thế hệ tiếp nối, K’Thế tiếp thu tất cả những tinh hoa văn hoá của dân tộc mình mà cha ông để lại, ghi nhớ và viết ra từng chi tiết; anh trở thành nhà Folklor sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hoá K’Ho. Từ khi biết nhạc lý, anh đã thực hiện định âm, ký âm các làn điệu dân ca theo tiết tấu cồng chiêng mà thời nhỏ anh thường nghe bà, nghe mẹ hát như: Linh leo (Đi săn), Krung kờn par (Con đại bàng bay) mà anh đã được ông bà và các ông bà khác trong làng kể đi kể lại bên đống củi ngo những đêm lạnh năm xưa. Tất cả những câu chuyện đều mượn chuyện con vật để nói đến con người để răn dạy con cháu về lòng thương người, lòng hiếu thảo, đạo lý ở đời. Anh viết lại một cách rất chi tiết theo lối tường thuật những phong tục tập quán của dân tộc mình như: lễ hội, tín ngưỡng, quy ước cộng đồng... Để có những trang viết, anh phải mày mò tìm ra font chữ trên máy tính phù hợp với dấu để ký âm tiếng K’Ho, sau đó mới chuyển nghĩa tiếng Việt.

Để thông báo cho mọi người đi bầu cử, sau khi đọc tiếng Kinh, anh đều nói bằng tiếng K’Ho, rõ ràng ngày giờ đi bầu cử, sau đó lắng nghe câu hỏi và trả lời mọi ý kiến của bà con. Nghe anh nói, ai cũng nghe ra, nghe theo anh. Tình cảm của bà con càng cho K’Thế thêm rõ trách nhiệm: “Tôi người K’Ho/Làng tôi đẹp lắm/ Không nơi nào sánh được/ Tôi biết tôi phải giữ gìn/ Ngôi làng của người K’Ho”.
 
Người dịch thơ sang tiếng K’Ho

Rồi một ngày, có một nhà thơ từ mãi tận Hà Nội tìm đến nhờ K’Thế dịch thơ sang tiếng K’Ho trong một cuộc lãng du với thế giới thi ca. Với chỉ 16 bài thơ mang những câu thơ trúc trắc là những tự sự về thân phận và tình yêu bằng một ngôn ngữ thơ hiện đại, đa sắc màu… Đọc đã khó hiểu rồi, dịch càng khó hơn. Vì nhiều khái niệm trong tập thơ không có trong ngôn ngữ dân tộc anh. K’Thế nghiền ngẫm từng câu chữ không chỉ nhớ mà còn nhuyễn để hiểu được ý nghĩa sâu xa, “lối chơi chữ nghĩa” trong từng bài. Dễ dàng bắt nhịp được hồn thơ, sau hơn một tháng vận dụng tất cả vốn ngôn từ, câu chữ, nâng những câu từ mẹ đẻ mộc mạc dung dị lên thành ngữ nghĩa hình tượng, để đồng bào mình đọc vừa dễ hiểu được nghĩa đen, và gợi lên cả nghĩa bóng theo đúng ý tưởng của tác giả Lê Hoài Anh: Mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó, từng thứ trong vạn vật muôn loài hiện ra với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế giới ngôn ngữ khác. Cùng với 4 thứ ngôn ngữ khác (Khmer, Lô Lô, chữ Nôm, Việt), tập thơ “Mảnh mảnh mảnh” có cả tiếng K’Ho nhờ K’Thế. Sau khi tập thơ được in, K’Thế đã cùng tác giả tập thơ tổ chức một cuộc trình tấu theo phong tục K’Ho tất cả các bài thơ trong tập bằng tiếng K’Ho, cuộc trình tấu do các nghệ nhân dân tộc đảm nhiệm, với trang phục, không gian theo truyền thống tại làng Srêrinhắc.

K’Thế nổi tiếng vượt ra khỏi phạm vi tỉnh. Bên cạnh nhạc sĩ, nghệ sĩ của phong trào, nhiều người gọi anh là nhà thơ (dù anh làm thơ từ lâu). K’Thế có tài, ai cũng công nhận. Nhưng vượt lên cái tài là cái tâm, trách nhiệm của anh với cộng đồng dân tộc, với đồng bào K’Ho bên dòng sông Đạ Đờn.

QUỲNH UYỂN