Chạm vào kỷ nguyên hạnh phúc của du khách!

04:01, 22/01/2019

Ngành du lịch trong kỷ nguyên số cũng đang đón nhận rất nhiều cơ hội, nhưng cũng đương đầu với rất nhiều thách thức, bởi cho dù là công nghệ gì, hỗ trợ được cho du lịch tới đâu - thì mọi hoạt động của du lịch đều phải hướng tới cộng đồng du khách, làm cho du khách hạnh phúc...

Sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin với sự đột phá của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn, đang tạo ra sự thay đổi rất mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực. Ngành du lịch trong kỷ nguyên số cũng đang đón nhận rất nhiều cơ hội, nhưng cũng đương đầu với rất nhiều thách thức, bởi cho dù là công nghệ gì, hỗ trợ được cho du lịch tới đâu - thì mọi hoạt động của du lịch đều phải hướng tới cộng đồng du khách, làm cho du khách hạnh phúc...
 
Du lịch trong kỷ nguyên số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết
Du lịch trong kỷ nguyên số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết

Xu hướng tất yếu
 
Ngày nay, chỉ với một chiếc smartphone, ai cũng có thể tự mình thực hiện một chuyến du lịch mà không cần có nhà tổ chức hay hướng dẫn viên. Người ta vào mạng tìm hiểu các vùng miền trong nước và thế giới, thích thì book vé máy bay hoặc vé xe, đặt phòng và tìm kiếm các điểm vui chơi, ăn uống, dịch vụ taxi trước khi thực hiện chuyến du lịch... - những việc mà ngày trước, họ chỉ có thể có được thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, như đọc báo, xem tivi, nghe đài, hoặc từ người khác. Thông qua Internet, người ta biết được các sự kiện, hiện tượng, cảnh quan đang diễn ra trên toàn thế giới để quyết định có thực hiện một chuyến du lịch hay chỉ theo dõi qua mạng internet.
 
Những câu cửa miệng như “Thích thì nhích!” hoặc “Khoác ba lô lên là đi thôi!” của giới trẻ cho thấy, chưa bao giờ du lịch trở nên dễ dàng như bây giờ. Có lẽ không thể kể hết lợi ích của công nghệ số đối với khách du lịch, bởi “cả thế giới trong tầm tay”, từ việc dự báo thời tiết, xác định vị trí của mình, tìm đường, chụp ảnh,… đều cho phép tương tác gần như tức thì. Ngay cả khi ở nước ngoài, du khách cũng có thể dùng các tiện ích trên mạng để làm việc, nói chuyện với gia đình, hay giải quyết công việc ở trong nước…
 
Các ứng dụng cũng tạo nên khả năng giao tiếp và kết nối giữa con người với nhau, hoặc với các sự kiện. Từ những đánh giá của cộng đồng mạng đối với khách sạn, nhà hàng, hãng xe; những bình luận của du khách đi trước về an ninh, vệ sinh, phong cách phục vụ, tiện nghi, ưu đãi… mọi người có thể tổ chức đi tour theo nhóm nhỏ hay gia đình. Họ cũng tự lên kế hoạch điểm đến với nơi lưu trú, chỗ ăn uống, điểm vui chơi phù hợp nhất. Không hài lòng bất cứ điểm gì, hoặc muốn cảnh báo những hiện tượng không hay, thủ đoạn của người làm dịch vụ... du khách cũng đưa lên mạng, người đi sau biết được những thông tin đó mà tránh được những điều bất lợi cho mình... 
 
Thành phố Đà Lạt vừa thử nghiệm ứng dụng Dalatcity trên nền tảng công nghệ số. Dù chỉ bước đầu là nền tảng cho du lịch thông minh, nhưng với sự hợp tác tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở du lịch, Dalatcity đang tạo lập hệ thống dữ liệu cho các hoạt động dịch vụ du lịch liên quan đến thành phố Đà Lạt, từ điểm tham quan, nơi ăn, chỗ nghỉ, mua sắm, trải nghiệm, giải trí...
 
Thời cơ bứt phá
 
Du lịch là ngành dịch vụ khép kín từ khi khách lựa chọn điểm đến cho đến khi khách hoàn tất chuyến du lịch và trở về nhà. Trong mỗi khâu trong hành trình du lịch của mỗi du khách đều có tác động của công nghệ số. Do đó, du lịch ngày nay cũng nhờ công nghệ số mà nắm bắt được xu hướng và đang được phát triển một cách thông minh để có thể tạo lập hệ thống thông tin và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật sự hài lòng khi lựa chọn điểm đến hay sử dụng các dịch vụ liên quan. 
 
Cả thế giới trong tầm tay chỉ với một chiếc smartphone
Cả thế giới trong tầm tay chỉ với một chiếc smartphone

Dalattourist là một thương hiệu du lịch truyền thống nổi tiếng của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Là một công ty du lịch - dịch vụ - lữ hành lâu đời nhất Đà Lạt, Dalattourist tiên phong cung cấp những dịch vụ du lịch gắn liền với thiên nhiên, văn hóa và bản sắc Đà Lạt. Với mong muốn đưa Đà Lạt đến gần bạn hơn và mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mới trong đời, vài năm trước, Dalattourist đã thử nghiệm công nghệ 3D để tạo lập những tour du lịch ảo, bên cạnh việc khai thác và đầu tư có chiều sâu nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, độc đáo và thân thiện môi trường.
 
Vietravel là doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực, được nhiều hãng truyền thông chuyên về du lịch đánh giá cao thông qua các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, phát triển bền vững hơn 20 năm nay, với trên 50 chi nhánh, văn phòng đăng ký du lịch rộng khắp cả nước, và các văn phòng đại diện tại Campuchia, Thái Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Úc... Bắt kịp xu hướng của công nghệ số, Vietravel triển khai hệ thống eTour (kinh doanh quản lý bán tour trực tuyến), nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng của khách hàng và nâng cao hiệu quả trong việc quản lý tour, đặt tour hay tính toán doanh thu... Hệ thống eTour của Vietravel được triển khai từ năm 2014, có nhiều phân hệ: Nội địa, Outbound, Inbound, FreeEasy, Event và Quản lý với hơn 30 điểm khởi hành cả trong nước và thế giới.
 
TripU cũng là một tiện ích của Vietravel, với mong muốn tận dụng tối đa công nghệ tiên tiến để kết nối du khách trong tổ chức mạng lưới cộng đồng khách du lịch tứ phương, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và trau dồi những kiến thức cần thiết khi đi du lịch. TripU thu hút sự chú ý từ khách hàng bằng việc tạo cho họ cảm hứng để tự lên kế hoạch cho chuyến đi của mình thay vì dựa vào lịch trình cố định trong các tour du lịch trọn gói. Với triết lý kinh doanh “Khách hàng là trung tâm”, khách hàng là linh hồn của TripU để luôn cố gắng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ với giá cả cạnh tranh nhất trên thị trường.
 
Du lịch thông minh
 
Tuy nhiên, mặc dù tất cả những nhu cầu phục vụ của con người đều xây dựng trên nền tảng công nghệ, nhưng không thể không có sự xuất hiện của con người, công nghệ 4.0 không thể thay thế được con người, vì robot không thể cười, không thể ân cần hỏi han, không thể chia sẻ cảm xúc vui buồn với du khách. Những vấn đề về xử lý chất thải, vệ sinh môi trường cũng là ý thức của con người, chứ không phải công nghệ. Và con người trong ngành du lịch phải có những kỹ năng và kiến thức tích hợp trong phong cách phục vụ để lại ấn tượng tốt đẹp và làm hài lòng du khách. Chính con người trong ngành du lịch quyết định lòng trung thành của du khách để họ không những quay trở lại, mà còn truyền miệng tích cực quảng bá điểm đến đó cho du khách khác... 
 
Vì vậy, ngay cả hình thức quảng bá cũng cần hướng đến con người. Thay vì quảng bá trên báo, đài, web, người ta dựa vào thói quen của du khách để đưa hình ảnh thông tin đến nơi dễ thấy nhất, như trên bàn ăn, điểm chờ xe buýt, facebook... Bên cạnh đó, luôn kèm theo hình ảnh, điện thoại là địa chỉ website. Du lịch đứng trước yêu cầu phải chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức, xác định hướng đi và giải pháp phù hợp để phát triển và bứt phá. Công nghệ hiện đại giúp cho hình thức xúc tiến quảng bá trở nên đa dạng hơn và làm thay đổi phương thức đi du lịch, trải nghiệm của du khách.
 
Du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên đồi cỏ hồng. Ảnh: V.Báu
Du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên đồi cỏ hồng. Ảnh: V.Báu

Công nghệ số tạo cơ hội các doanh nghiệp du lịch liên kết, hợp tác, kết nối tour, tuyến điểm, liên kết vùng thu hút khách, đạt hiệu suất kinh doanh cao hơn. Các doanh nghiệp du lịch phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình, phát triển thị trường, làm hấp dẫn sản phẩm du lịch... Từ đó, có thể ghi nhận được sự hài lòng của du khách và kích cầu du lịch.
 
Đó là Du lịch thông minh - xu thế phát triển tất yếu dựa trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, cùng với sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch và nhân lực chuyên nghiệp trong ngành du lịch, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng nhất; nhưng luôn hài lòng và thỏa mãn với phong cách phục vụ. Đồng thời, đảm bảo sự tương tác kịp thời, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, và giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn. Du lịch thông minh trở thành một tiêu chí phát triển, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, đảm bảo chất lượng về điều kiện phục vụ, điều kiện vệ sinh - tức đảm bảo nhu cầu hạnh phúc cho du khách.

Những ý kiến của đại diện doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại Lâm Đồng đầu xuân mới
 
Ông Nguyễn Nhật Vũ Dalattourist:
 
Hướng đến thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của du khách trong thời đại công nghệ số, từ tháng 3/2018 đến nay, Dalattourist đã đầu tư trên 2 tỷ đồng cho hạ tầng công nghệ, nhưng phải 3 năm nữa mới hoàn thiện. Khi đó, hệ thống wifi có thể phục vụ cho hàng trăm người truy cập một lúc, băng thông rộng đủ chia sẻ dữ liệu để quảng cáo cho khách hàng và chạy phần mềm quản lý để tối ưu các dữ liệu. Dalattourist định hướng đến lúc đó sẽ tiết kiệm được ít nhất 30% nhân lực. Các clip giới thiệu tour du lịch ảo 3D là nền tảng để tạo tiện ích cho du khách trước khi quyết định một hành trình thực sự. Sau khi có nền tảng vững chắc, Dalattourist sẽ hoàn thiện data center. Lúc đó, mới chính thức tham gia vào nền công nghiệp 4.0.
 
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Chi nhánh Vietravel Ðà Lạt
 
Vietravel vừa hoàn thiện nền tảng công nghệ 3.0 (tức là sử dụng máy móc và kết nối thành hệ thống) và đang chuyển qua đầu tư công nghệ 4.0. Ngay từ khi hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cách đây 2 năm, Chi nhánh Vietravel Đà Lạt đã thực hiện mọi hoạt động, giao dịch trên hệ thống mạng, giảm thiểu tối đa giấy tờ; cơ cấu nhân sự hành chính chỉ có 1 điều hành, 1 kế toán, mặc dù quy mô như Vietravel Đà Lạt, các văn phòng khác cần có 3 điều hành, 3 kế toán. Muốn có công nghệ 4.0 phải đầu tư cơ sở hạ tầng, phải có phần mềm quản lý, tiếp theo là cơ sở dữ liệu, khi đó mới bàn luận tới trí tuệ nhân tạo.
 
Ông Hoàng Ngọc Huy - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng:
 
Trong thời đại công nghệ số, mỗi nhân viên trong ngành du lịch càng cần phải có tình yêu và trách nhiệm với công việc của mình. Không chỉ có kỹ năng nghiệp vụ tốt, mà cảm xúc phải thực sự hướng tới du khách để du khách cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ và tự hào. Có 5 chữ C trong ngành du lịch mà không có công nghệ nào thay thế được, đó là Chào, Chủ động, Cười, Chăm sóc, Cảm ơn. Có nghĩa là, sau chuyến du lịch, người khách có được cảm giác hài lòng, thỏa mãn, sung sướng, và chốt lại là thấy hạnh phúc. Có nghĩa là, khi chúng ta đến - chúng ta là người mới lạ, nhưng khi chúng ta về - chúng ta là người bạn của họ.
 
LÊ HOA