Hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt

09:02, 10/02/2019

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức giao dịch phổ biến trên thế giới và đang dần triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Ðối với tỉnh Lâm Ðồng cũng không ngoại lệ, chính quyền địa phương đã xây dựng một kế hoạch dài hơi, với những mục tiêu cụ thể nhằm hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức giao dịch phổ biến trên thế giới và đang dần triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Ðối với tỉnh Lâm Ðồng cũng không ngoại lệ, chính quyền địa phương đã xây dựng một kế hoạch dài hơi, với những mục tiêu cụ thể nhằm hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt.
 
Mạng lưới ATM được các ngân hàng giám sát hoạt động chặt chẽ, vận hành an toàn
Mạng lưới ATM được các ngân hàng giám sát hoạt động chặt chẽ, vận hành an toàn

Với mục tiêu đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ngày 12/7/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 4315/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Xây dựng lộ trình phù hợp 
 
Hiện tại, khách hàng có thể thực hiện thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của 11 ngân hàng, gồm: BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, ABBANK, SCB, NCB, SHB,... với hơn 7 triệu người dùng. Ngoài ra, trên phạm vi cả nước đã có khoảng 50.000 cửa hàng, website chấp nhận hình thức thanh toán bằng QR Pay của các ngân hàng.
Trong Kế hoạch số 4315, Lâm Đồng đã đặt ra cho mình lộ trình và những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020. Phấn đấu trên 95% số đơn vị hưởng lương từ ngân sách trên địa bàn thực hiện trả lương qua tài khoản và mở rộng đến các đối tượng hưởng lương ngoài ngân sách; khoảng 50% cá nhân, hộ gia đình tại các thành phố và trung tâm các huyện thuộc tỉnh sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. 100% Kho bạc Nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện được trang bị thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán qua ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách Nhà nước. 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa và 100% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chấp nhận thanh toán qua ngân hàng...
 
Ông Trương Quốc Thụ - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho rằng, những mục tiêu tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhằm hướng đến nền kinh tế không tiền mặt là đầy tham vọng, nhưng có cơ sở và hoàn toàn có thể đạt được. Ông cho biết, đến ngày 30/11/2018, trên địa bàn tỉnh có 1.401 đơn vị hưởng lương từ ngân sách thì đã có 1.131 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản, đạt 81% đơn vị (mục tiêu đến năm 2020 là 95%), còn lại 270 đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa trung tâm hiện chưa đủ điều kiện để thực hiện việc này. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã lắp đặt 207 ATM, tăng 12 máy so với năm 2017. Số lượng ATM tập trung chủ yếu ở hai địa bàn: thành phố Đà Lạt 102 ATM, thành phố Bảo Lộc 32 ATM, chiếm 65% số lượng ATM toàn tỉnh. Số lượng ATM tại 10 huyện còn lại chỉ chiếm 35% lượng máy toàn tỉnh. Số lượng thiết bị chấp nhận thẻ POS/ mPOS đến 30/11/2018 là 1.512 máy, tăng 302 máy so với năm 2017, vượt 20% kế hoạch lắp đặt bình quân hàng năm (tăng 250 máy/năm). Với tốc độ phát triển này sẽ hoàn thành kế hoạch lắp đặt đến năm 2020 (2.000 máy). Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ là 1.361 đơn vị, tăng 231 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ so với năm 2017... Mạng lưới ATM và POS được các ngân hàng giám sát hoạt động chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn trong vận hành. Các ngân hàng tăng cường đào tạo cán bộ, nhân viên để có kiến thức, kỹ năng hướng dẫn khách hàng nắm bắt và sử dụng hiệu quả các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. 
 
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Nhà máy nước, BHXH... nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công. Đến nay, Kho bạc Nhà nước tỉnh Lâm Đồng, Kho bạc Nhà nước thành phố Bảo Lộc và Kho bạc Nhà nước huyện Đức Trọng đã trang bị thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán qua ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách Nhà nước.
 
Ngày càng có nhiều người dùng thẻ trong thanh toán
Ngày càng có nhiều người dùng thẻ trong thanh toán

Và có giải pháp đồng bộ 
 
Cũng theo ông Trương Quốc Thụ, mặc dù chúng ta đã xây dựng lộ trình phù hợp, nhưng để hiện thực hóa các chỉ tiêu đề ra, thì cần có quyết tâm cao của hệ thống chính trị và gắn với những giải pháp đồng bộ. Trước hết, phải tăng cường tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và quy trình thủ tục về thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả; phổ biến kiến thức nhận biết các hành vi lừa đảo, nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt. 
 
Mặt khác, mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa tại cơ quan Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội... để phục vụ thanh toán qua ngân hàng. Áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí), viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và có thể áp dụng đối với những người chưa có tài khoản ngân hàng. Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử cho phép ngân hàng có thể nhận diện chính xác được khách hàng, từ đó phát triển thêm các phương tiện thanh toán mới, tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển thêm thẻ đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán. 
 
Đồng thời, khuyến khích các mô hình hợp tác giữa các ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với đặc thù dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Mở rộng và phát triển việc kết nối liên thông giữa các ngân hàng với các đơn vị điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm xã hội để thực hiện xử lý và đối chiếu thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý các khoản thu, chi với khách hàng được nhanh chóng, chính xác. Xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... 
 
Những lợi ích không thể phủ nhận của nền kinh tế không tiền mặt đang ngày một hiện rõ. Ngân hàng giảm chi phí huy động vốn, Nhà nước cũng điều tiết và kiểm soát tốt hơn lượng tiền đưa vào lưu thông, doanh nghiệp kiểm soát tốt dòng tiền. Đặc biệt, người tiêu dùng không chỉ cảm nhận sự nhanh, thuận tiện của việc quẹt thẻ hay dùng smartphone trả tiền mà còn là sự bảo mật và an toàn. Để đạt mục tiêu thanh toán không tiền mặt, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng thanh toán, đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi. Mặt khác, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật các hệ thống thanh toán cần được chú trọng.
 
LÊ HỮU TÚC