Thổi hồn vào thổ cẩm

07:01, 28/01/2022
Chỉ với một bộ khung dệt tự chế gồm 12 thanh vừa gỗ vừa lồ ô rất đơn sơ, gọn nhẹ, nhưng người Mạ đã tạo nên những tấm thổ cẩm với những đường nét, họa tiết hoa văn rất sinh động. Với họ, thổ cẩm xét cho cùng không chỉ để phục vụ cho việc ăn mặc, mà đó còn là cốt lõi của văn hóa cội nguồn, định danh một tộc người riêng biệt.
 
Người Mạ là một trong ba dân tộc bản địa ở Lâm Đồng sống tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Cũng như người K’Ho và một số tộc người khác ở Tây Nguyên trước đây, ngoài kinh tế nương rẫy và săn bắt, người Mạ còn có các nghề thủ công truyền thống từ lâu đời để phục vụ cho cuộc sống tự cung tự cấp của mình; đặc biệt trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
 
Trong các ngày lễ hội tại địa phương, người Mạ luôn diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cát Tiên
Trong các ngày lễ hội tại địa phương, người Mạ luôn diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cát Tiên
 
1. Đối với người bản địa Tây Nguyên, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau. Đàn ông, con trai Tây Nguyên phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng; đàn bà, con gái phải biết dệt vải, múa xoang, nội trợ. Theo thời gian, nhiều nét văn hóa bản sắc dân tộc tại đây dần mai một, nhưng riêng nghề dệt thổ cẩm vẫn luôn được phụ nữ Mạ tại Lâm Đồng gìn giữ như là một bảo chứng cho phái đẹp dân tộc mình.
 
Tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, nhiều đời qua, hàng trăm phụ nữ tại các Thôn 1, 2, 3 và 6 của xã vẫn miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ngày đêm họ say mê với nghề, phần vì thổ cẩm đã nuôi họ lớn khôn, phần họ muốn lưu truyền cho con cháu thế hệ mai sau về nét văn hóa đặc trưng của cha ông để lại.
 
Có dịp trò chuyện với các nghệ nhân để tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của nhiều dân tộc, chúng tôi mới hiểu rằng, để giữ nghề, ngoài đức tính chịu thương, chịu khó, họ còn có lòng yêu nghề như yêu chính bản làng của mình. Theo chân cán bộ văn hóa xã Lộc Tân, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Ka Mom để được “mục sở thị” nghề dệt thổ cẩm còn lưu giữ ở làng.
 
Biết dệt thổ cẩm từ khi lên 10 tuổi, bà Ka Mom được xem là nghệ nhân có “bàn tay vàng” trong nghề. Từ lúc nhỏ, khi thấy mẹ và chị mình dệt thổ cẩm, bà Ka Mom lại chăm chú ngồi nhìn theo, rồi lặng lẽ góp nhặt những sợi chỉ vụn để nối lại, ngồi mày mò học nghề. Mỗi lần ngồi vào khung cửi, bà Ka Mom lại quên cả thời gian. Càng dệt càng say, tay càng dẻo, để rồi đến nay, sau gần 50 năm trong nghề, những tấm thổ cẩm do bà Ka Mom làm ra càng mịn màng đẹp đẽ. 
 
Theo bà Ka Mom, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với sự sinh tồn của người dân nơi đây. Chẳng ai nhớ chính xác nó có từ khi nào, chỉ biết, những bé gái ở các thôn, xóm trong xã khi sinh ra đã được nghe tiếng tí tách của go dệt. Để rồi, khi lớn lên, họ thành những thiếu nữ nối nghề và truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau. Còn đối với các gia đình trẻ hiện nay, nếu không thể tự tay dệt được tấm thổ cẩm cho riêng mình, họ cũng chắt chiu để mua lấy thổ cẩm cất giữ trong nhà. Vừa có “của để dành”, vừa có dịp mặc trong các ngày lễ hội tại địa phương, lại góp phần bảo lưu được giá trị văn hóa.
 
Trong khi đó, tại huyện Cát Tiên, một trong những địa phương có đông đồng bào người Mạ sinh sống, từ lâu, người dân cũng đã có truyền thống tự nhuộm vải và dệt thổ cẩm. Chị Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, một người tuy còn khá trẻ nhưng luôn trăn trở một nỗi niềm với nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương. Chị chia sẻ: Tại xã Đồng Nai Thượng, hầu hết những người phụ nữ lớn tuổi người Mạ nào trong xã cũng đều biết nghề dệt thổ cẩm và tự bao giờ đã trở thành một nét riêng của dân tộc, tồn tại qua bao thế hệ. 
 
Từ những đôi bàn tay tỉ mẩn, khéo léo của phụ nữ người Mạ, không chỉ khố, váy, mà nhiều sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt cùng nhiều công dụng khác như tấm đắp, túi xách, đồ dùng trang trí,… lần lượt được ra đời. Thổ cẩm không chỉ là những sản phẩm thô sơ, mà còn là sự kết hợp khéo léo về màu sắc, hoa văn và còn là bức tranh thật sống động về nét văn hóa của người Mạ.
 
Đối với người Châu Mạ, thổ cẩm đơn thuần đâu chỉ để mặc, đó là nơi họ diễn đạt cuộc sống qua những hình ảnh rất đơn giản, chân phương nhưng đầy đủ sức mạnh
Đối với người Châu Mạ, thổ cẩm đơn thuần đâu chỉ để mặc, đó là nơi họ diễn đạt cuộc sống qua những hình ảnh rất đơn giản, chân phương nhưng đầy đủ sức mạnh
 
2. Đang cuộc trò chuyện giữa những ngày cuối năm nắng vàng như mật, chị Prợt thỉnh thoảng chùng giọng xuống khi nhắc đến nghề dệt hiện tại. Chị bảo, trước đây, để dệt được những tấm thổ cẩm, những người phụ nữ nơi đây bằng những kỹ thuật điêu luyện của mình đã tạo sắc màu nhuộm chỉ và dùng chủ yếu các nguyên vật liệu sẵn có tại nơi mình cư trú. Bằng các loại vỏ, quả, lá và củ cây rừng, họ có thể pha chế ra các màu trên vải dệt truyền thống như đen, đen chàm, đỏ, vàng, trắng, xanh…
 
Nhưng giờ, theo thời gian cùng với sự phát triển của ngành may mặc hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số người Mạ tại Lâm Đồng nói chung và Đồng Nai Thượng nói riêng đã không còn sử dụng phổ biến các sản phẩm thổ cẩm truyền thống do mình tạo ra nữa, có chăng là các sản phẩm được người dân dệt từ sợi và màu tổng hợp. Nguyên nhân đến từ việc nguồn tài nguyên cây cho chất nhuộm trong tự nhiên rất rải rác, vì vậy nếu trồng thì làm cho giá thành lại cao lên và đáp ứng được ít màu. Công nghệ chế biến chất màu thành thương phẩm khá phức tạp, có giá thành đắt hơn chất màu tổng hợp công nghiệp. 
 
Thay vào đó, để giữ gìn và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người Mạ ở Đồng Nai Thượng chuyển sang dùng các loại sợi màu tổng hợp công nghiệp. Để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm là một việc không dễ. Bên cạnh những người lưu giữ bám nghề, có những người không mặn mà vì có thời điểm hàng dệt ra bị ế. Trước thực tế đó, UBND xã đã đứng ra thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, vừa tạo điều kiện cho chị em làm, vừa là giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước, vừa lưu giữ và truyền nghề cho lớp trẻ. 
 
Còn đối với bà Ka Mom: “Giá trị mỗi tấm thổ cẩm không phải ở chất liệu vải hoặc công sức, mà ở nét tinh tế. Mỗi họa tiết, hoa văn đều mang nét văn hóa bản làng. Trước khi bán cho khách, chúng tôi đều giới thiệu sản phẩm để họ biết được nét văn hóa của đồng bào mình”.
 
Bà Ka Mom kể, để dệt được 1 tấm vải làm áo, bà phải mất ít nhất từ 3 - 4 ngày. Trong khi đó, một cái áo chỉ bán được khoảng 800.000 đồng, chưa kể chi phí nên hầu như không ai sống được bằng nghề. Dù vậy, đây là nghề mà bà yêu thích, muốn giữ gìn bản sắc dân tộc nên không bỏ được. “Nghề dệt đã ăn sâu, thấm vào con người tui rồi. Mỗi tấm thổ cẩm bán chẳng được bao tiền đâu, nhưng tui dệt để lưu giữ nghề cho con tui. Tui dệt áo cho chồng, cho con. Nếu khách có nhu cầu mua thì tui bán. Riêng 2 năm trở lại đây, thổ cẩm tui dệt ra bao nhiêu thì khách mua hết bấy nhiêu, tui vui lắm”, bà Ka Mom chia sẻ. 
 
Bên cạnh việc lưu giữ nghề, nghệ nhân Ka Mom còn tích cực truyền và dạy nghề cho lớp trẻ
Bên cạnh việc lưu giữ nghề, nghệ nhân Ka Mom còn tích cực truyền và dạy nghề cho lớp trẻ
 
3. Trong những năm qua, công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, thông qua hình thức tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Qua đó, nhiều người đã biết dệt, nhiều người trẻ đã ý thức được việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Lịch, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cát Tiên, hiện nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang gặp nhiều khó khăn do chất lượng mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường. Hơn nữa, một số công đoạn như xe sợi, nhuộm màu... bằng thủ công như trước đây đã bị thay thế bằng việc sử dụng các nguyên liệu có sẵn. Ngoài ra, khung dệt của bà con chủ yếu được làm từ thanh tre, ống nứa… cách làm công cụ thủ công nên năng suất thấp, sản phẩm làm ra không nhiều, chất lượng chưa cao, mẫu mã còn hạn chế. Do vậy, hàng hóa làm ra khó tìm thị trường tiêu thụ, đời sống người lao động làm nghề đang gặp nhiều khó khăn...
 
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng phải bảo đảm lưu giữ được giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo động lực khuyến khích đồng bào tự thân tìm kiếm thị trường tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm.
 
HOÀNG SA