Dư luận thế giới tiếp tục quan ngại về căng thẳng ở biển Đông

03:06, 18/06/2014

Theo Bộ Ngoại giao, TTXVN và nguồn tin từ các nước, Hội Hữu nghị Áo - Việt phối hợp Viện Khoa học Đông Á, thuộc Đại học Viên (Áo) tổ chức Hội thảo về biển Đông tại Học viện Ngoại giao Áo.

Theo Bộ Ngoại giao, TTXVN và nguồn tin từ các nước, Hội Hữu nghị Áo - Việt phối hợp Viện Khoa học Đông Á, thuộc Đại học Viên (Áo) tổ chức Hội thảo về biển Đông tại Học viện Ngoại giao Áo. Đây là một trong nhiều hoạt động hội thảo, diễn đàn do giới học giả quốc tế tổ chức, qua đó bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, chỉ rõ những hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo về biển Đông tại Học viện Ngoại giao Áo. (Ảnh: Vietnam+)
Các đại biểu tham dự Hội thảo về biển Đông tại Học viện Ngoại giao Áo. (Ảnh: Vietnam+)

Tại hội thảo, Tiến sĩ A.Ghe-xlơ, chuyên gia Đại học Viên và các học giả quốc tế đưa ra những phân tích dựa trên cơ sở khoa học, thông tin khách quan, chuyên sâu và toàn diện về tình hình biển Đông, về hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các đại biểu bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay ở biển Đông, kêu gọi giải quyết tình hình một cách hòa bình.
 
Về yếu tố chủ quyền dựa theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tiến sĩ Ghe-xlơ nhấn mạnh, ngoài cơ sở pháp lý theo UNCLOS, Việt Nam tuyên bố chủ quyền còn dựa trên các căn cứ lịch sử. Trong khi đó, tuyên bố chủ quyền "đường chín đoạn" của Trung Quốc có sự chênh lệch lớn nếu dựa vào UNCLOS. Tiến sĩ Ghe-xlơ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và cho biết, trong Thư viện quốc gia Áo cũng có tài liệu cổ nói về vấn đề này.
 
* Trả lời phỏng vấn TTXVN, Tiến sĩ U.Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Xin-ga-po cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 tới hạ đặt trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là đã được lên kế hoạch cẩn thận. Trước những việc làm đầy toan tính gần đây của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền ở biển Đông, ASEAN cần có cách tiếp cận chung, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tiến sĩ Choong đánh giá cao cách xử lý một cách ôn hòa, hợp lý nhưng kiên quyết của Việt Nam, tránh làm căng thẳng leo thang.
 
* Tiếp tục các hoạt động phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, cộng đồng người Việt Nam tại một loạt địa phương tây bắc Đức đã tổ chức tuần hành, thu hút hơn 800 người từ nhiều hội, đoàn và cá nhân, cùng đông đảo bạn bè nước sở tại tham gia. Cuộc tuần hành diễn ra trong trật tự.
 
                                                                   Theo Báo Nhân Dân điện tử