Cưỡng đoạt chủ quyền

08:08, 21/08/2014

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kéo theo nhiều tàu quân sự, tàu hải giám hộ tống, để 75 ngày sau tuyên bố rằng giàn khoan "đã hoàn thành nhiệm vụ", di dời ra khỏi vùng biển Việt Nam, không có cách gọi nào đúng hơn là hành động đơn phương gây hấn cưỡng đoạt chủ quyền...

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kéo theo nhiều tàu quân sự, tàu hải giám hộ tống, để 75 ngày sau tuyên bố rằng giàn khoan “đã hoàn thành nhiệm vụ”, di dời ra khỏi vùng biển Việt Nam, không có cách gọi nào đúng hơn là hành động đơn phương gây hấn cưỡng đoạt chủ quyền. Bắc Kinh sử dụng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; dùng vũ lực thôn tính bãi cạn Sarborough với Philippines… cũng chính là hành động cưỡng đoạt chủ quyền, nước lớn ức hiếp nước nhỏ. 
 
Bắc Kinh di dời giàn khoan “khủng” ra khỏi vùng biển Việt Nam. Dù vậy, bản chất bành trướng, bá quyền, mưu toan độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không hề thay đổi. Nhân dân Việt Nam, bằng bản lĩnh, kinh nghiệm, trải qua thực tiễn hàng ngàn năm chống xâm lược hơn ai hết nhận thức rất rõ điều ấy. Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc lại “rê” giàn khoan - dù là Hải Dương 981, hoặc 982, 983… vào biển Đông, hạ đặt nó vào tọa độ nằm sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam không có gì bất ngờ. 
 
Trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan tại Myanmar từ ngày 5 đến ngày 10/8/2014, bất chấp những đề xuất hợp lý của Mỹ và Philippines, một quan chức cấp cao Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không hề muốn có động thái làm giảm căng thẳng ở biển Đông. Phó Vụ trưởng Vụ Hải dương và Biên giới Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trước phóng viên báo chí rằng, Trung Quốc có thể xây dựng bất kỳ thứ gì họ muốn trên biển Đông: “Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và Trung Quốc làm gì hoặc không làm gì là tùy thuộc vào Chính phủ Trung Quốc. Không ai có thể thay đổi quan điểm này”. Quan điểm và cách hành xử thông qua những tuyên bố công khai như vậy, dư luận đủ biết Trung Quốc đang tiếp tục toan tính thực hiện những mưu đồ chiến lược riêng mà họ toan tính lâu nay. 
 
Những gì phải làm để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng, dù chúng ta không bao giờ mong muốn điều ấy lại diễn ra. Biết làm sao được khi Việt Nam phải ở cạnh một nước lớn đang lấy chủ nghĩa dân tộc cường quyền thay chủ nghĩa quốc tế chân chính. Quyết sách của Việt Nam là “hòa hiếu” như ngàn đời nay cha ông ta đã làm, xây dựng môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Mềm mỏng nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng nhiều giải pháp phù hợp. Chủ quyền Tổ quốc là tài sản vô giá, đã hy sinh biết bao xương máu của cha ông, của chiến sĩ, đồng bào cả nước mới có được như ngày hôm nay. 
 
Trở lại sự kiện ngày 1/5/2014 Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sau đó 75 ngày đã di chuyển giàn khoan này ra khỏi vùng biển Việt Nam. Dư luận khẳng định, đó là bước ngoặt leo thang trong nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông. Đó là nước cờ chiến lược được Trung Quốc tính toán kỹ, nhằm làm thay đổi nguyên trạng biển Đông. Hành động ngang ngược của Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, là một trong hàng loạt hành động đơn phương thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, độc chiếm con đường hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới. 
 
Cùng với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc cho cải tạo các bãi đá ngầm, xây dựng quân cảng, sân bay ở đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ đã dùng vũ lực xâm chiếm của Việt Nam. Đầu tháng 7 -2014, truyền thông loan tin Trung Quốc đang khảo sát 5 hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để xây dựng các ngọn hải đăng. Trước đó, Trung Quốc ngang nhiên xuất bản bản đồ dọc mười đoạn, liếm trọn gần như toàn bộ biển Đông và ngang nhiên tuyên bố đó là “vùng biển cốt lõi thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Trung Quốc tuyên bố “Hải Dương 981 đã hoàn thành nhiệm vụ”, rằng “Hải Dương 981 và các giàn khoan khác sẽ trở lại biển Đông khi cần”. Nói như vậy để thấy rằng Việt Nam và các quốc gia trong khu vực có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông càng thấy rõ bản chất bá quyền, bành trướng của Trung Quốc, không mơ hồ trước tham vọng của quốc gia láng giềng phương Bắc này. 
 
Hành động phi nghĩa bất chấp lịch sử, bất chấp đạo lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã phải trả giá. Cách mà Trung Quốc lập luận thật kỳ cục và nực cười. Trung Quốc nói họ đưa giàn khoan vào biển Đông để khoan dầu, vì Việt Nam đã khai thác quá nhiều rồi, bây giờ đến lượt Trung Quốc. Kỳ lạ, mang dao búa vào nhà người ta để đòi chia phần, một nước lớn nói vậy mà nghe được sao? Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Huơ gươm ở biển Đông, biển Hoa Đông, ở bãi cạn Scarborough…, Trung Quốc đã đánh mất lòng tin chiến lược, còn đâu hình ảnh một đất nước “trỗi dậy hòa bình” mà họ dày công gây dựng. Thay vào đó là hình ảnh xấu của một đất nước đơn phương dùng sức mạnh cường quyền, cưỡng bức nước khác. 
 
(còn nữa)
 
PHẠM QUỐC TOÀN