Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Bảo Lâm

QUỐC TUẤN 19:25, 16/05/2023

(LĐ online) - Chiều 16/5, đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Huyện ủy Bảo Lâm đánh giá kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 66-Ctr/TU của Tỉnh ủy về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. 

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Viết Vân - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy.
Đảng bộ huyện Bảo Lâm có 56 tổ chức cơ sở đảng (16 đảng bộ cơ sở và 42 chi bộ cơ sở) với 3.254 đảng viên tham gia sinh hoạt. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25 và Chương trình hành động số 66 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong hệ thống chính trị của huyện Bảo Lâm đã được tăng cường. 
Trong 10 năm qua, Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành 2 chương trình hành động, 4 nghị quyết chuyên đề, 2 chỉ thị và nhiều kế hoạch, văn bản để lãnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác dân vận của hệ thống chính trị. Ban Dân vận Huyện ủy cũng đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Dân vận, Khối Dân vận cơ sở, tăng cường công tác dân vận trong dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động dân vận của lực lượng vũ trang. 
Cùng với đó, Huyện ủy Bảo Lâm cũng thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo; Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 và Ban Chỉ đạo 502 để thực hiện công tác dân vận trên nhiều lĩnh vực. 
Việc thực hiện công tác dân vận gắn với quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị góp phần vào sự đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của chính quyền theo hướng dân chủ, công khai, từng bước đổi mới trong công tác tiếp dân. Cán bộ công chức ngày càng gần dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, qua đó từng bước tạo dựng lòng tin của Nhân dân vào vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. 
Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đoàn viên, hội viên; quan tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được mở rộng về phạm vi và đối tượng, có sức lan tỏa trong các thành phần xã hội.
Ngoài ra, huyện Bảo Lâm còn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giảm nhanh; tạo điều kiện cho Nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, huyện Bảo Lâm cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình dân vận khéo đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đề ra; đồng thời, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố ngày càng vững chắc. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 vẫn còn một số tồn tai, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức, trách nhiệm công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu tình mới, việc cụ thể hóa triển thực hiện nghị quyết số 25 và Chương trình hành động số 66 còn hạn chế, nhất là cấp cơ sở. Cải cách thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chuyển biến chậm; nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và đoàn thể ở một số địa phương chưa thực sự đổi mới. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới Huyện ủy Bảo Lâm cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 25 và Chương trình hành động số 66; củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ trong hệ thống dân vận nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới; quan tâm thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát”; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Đồng thời, tiếp tục chú trọng xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới.