Đeo bám đến cùng vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân tỉnh Lâm Đồng quan tâm

AN VIÊN 12:10, 16/06/2023

(LĐ online) - Một trong những vấn đề gây được sự chú ý của dư luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra là ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về quốc lộ 27.  

Trong phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Tạo  phản ánh, có một số kiến nghị chỉ được giải quyết một cách tạm thời, chưa dứt điểm, nên cử tri còn bức xúc, tiếp tục kiến nghị. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, tuyến quốc lộ 27 là tuyến đường rất quan trọng về kinh tế xã hội,  quốc phòng - an ninh của địa bàn Tây Nguyên. Tuyến đường này đã được Chính phủ, Trung ương quan tâm cấp vốn xây dựng, tuy nhiên vẫn còn hơn 30 km không được bố trí vốn trong nhiều năm, vẫn chỉ là đoạn đường cấp 4 nhỏ, hẹp, nhiều đèo dốc nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Đại biểu nhấn mạnh, từ Quốc hội khóa XIII đến nay, trong hơn 10 năm, cử tri và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng liên tục kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải quyết. Nhiều đoàn lãnh đạo Trung ương đã trực tiếp giám sát, kiểm tra, song đoạn quốc lộ "như đường làng" vẫn không có trong danh mục được bố trí vốn đầu tư công trung hạn, chỉ được cấp vốn duy tu, sửa chữa. Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, mỗi năm bình quân duy tu 50 tỷ đồng, 10 năm là hơn 500 tỷ đồng nhưng kết quả vẫn như cũ, hết sức lãng phí.

Tiếp theo đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, vấn đề này một lần nữa lại được đại biểu đoàn Lâm Đồng đưa ra. Cụ thể, thay mặt cử tri tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, đại biểu  khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023 để đầu tư nâng cấp đoạn xung yếu tại Quốc lộ 27 từ xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) đến cầu Krông Nô (huyện Đam Rông), tỉnh Lâm Đồng giáp với huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk thuộc danh mục dự án công trình cấp bách năm 2023 (công trình đã kéo dài 15 năm từ năm 2008 đến năm 2023 liên tục kiến nghị nhưng chưa được quan tâm xử lý dứt điểm).

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 27 dài 282 km, quy mô cấp 3 - 4; 2 - 4 làn xe; đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 91 km (Km83+00- Km174+00), hiện trạng chiều rộng mặt đường 5,5 m được thảm bê tông nhựa. Hiện có một số đoạn đã hư hỏng, xuống cấp trong đó có đoạn tuyến từ xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) đến cầu Krông Nô (huyện Đam Rông), tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 30 km như đại biểu Nguyễn Tạo đã nêu.

Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, trong các năm qua, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì để bảo đảm an toàn giao thông đoạn tuyến (trong đó: năm 2023, Sở GTVT Lâm Đồng đang thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện 3 công trình sửa chữa với tổng kinh phí 46,1 tỷ đồng; năm 2024, trên cơ sở kết quả rà soát hiện trạng về nhu cầu sửa chữa đoạn Km83+000 - Km174+000 với kinh phí khoảng 123 tỷ đồng, dự kiến trong tháng 6/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ rà soát, báo cáo Bộ GTVT chấp thuận danh mục sửa chữa để thực hiện trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024. Tuy nhiên, do tuyến đường đi qua khu vực miền núi có điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, thường xuyên sạt lở trong mùa mưa nên việc bảo trì thường xuyên không giải quyết triệt để được tình trạng xuống cấp.

Về đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt đối với một số đoạn xung yếu, tiềm ẩn tai nạn giao thông phục vụ nhu cầu an toàn đi lại, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của bà con nhân dân, từ năm 2019, Bộ GTVT đã nghiên cứu lập Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 27 đoạn qua các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới (bao gồm cả Quốc lộ 27). Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản số 13214/BGTVT-KHĐT ngày 13-12- 2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để triển khai.
Trong thời gian tới, khi cấp có thẩm quyền có chủ trương về sử dụng dự phòng vốn trung hạn 2021 - 2025 hoặc sử dụng nguồn vượt thu hằng năm, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị ưu tiên bố trí vốn để triển khai dự án. Trước mắt để bảo đảm an toàn giao thông Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì trên tuyến.

Như vậy, câu chuyện quốc lộ 27 được đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đeo bám tới tận cùng trên diễn đàn Quốc hội nhằm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Còn nhớ, từ năm 2017, cũng chính đại biểu Nguyễn Tạo đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT (lúc đó là ông Nguyễn Văn Thể) và cũng đã được trả lời nhưng chưa thấu đáo. Năm 2020, đại biểu tiếp tục chất vấn và kéo dài tới năm 2023 như đã nói ở trên. Đến lần này, tuy đã hé mở hướng giải quyết nhưng còn khá xa vời và chưa cụ thể. Chắc chắn, đại biểu Quốc hội Lâm Đồng sẽ đeo bám đến cùng bởi theo đại biểu Nguyễn Tạo, cử tri các huyện huyện Đức Trọng, Lâm Hà và huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng liên tục phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Quốc lộ 27. Tuyến đường này đã gây mất an toàn giao thông và giao thương để tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cũng như kết nối với các tỉnh Tây Nguyên. Người dân lo lắng, bức xúc rất nhiều và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải phản ánh, đeo bám tới cùng vấn đề này tới khi có kết quả. Có như vậy mới hoàn thành trọng trách là người đại biểu của nhân dân. Không có lý gì, chỉ có một tuyến đường nhưng 3 khóa Quốc hội vẫn chưa thể giải quyết xong.