Hồ Chí Minh - Báo chí là ngọn cờ tư tưởng

04:06, 18/06/2013

Năm 2013, cả nước tiếp tục đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp".

I. Bác Hồ đến với báo chí như thế nào

Ảnh: TL
Ảnh: TL

Năm 2013, cả nước tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Theo đó, một trong những vấn đề cần nắm vững khi học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh là: cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, điều chỉnh cách nói, cách viết, cách làm việc, cách lãnh đạo cho phù hợp, biết phát huy vai trò của dân để làm lợi cho dân. Về vấn đề này, Bác từng dạy: “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”. Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét về quá trình Hồ Chí Minh đến với báo chí và quan điểm của Người về vai trò, chức năng báo chí cách mạng.
 
Lênin, nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản từng phát biểu rất lâu trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có một tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị… Không có tờ báo thì không thể tiến hành có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện…” (Lênin, Làm gì?). Có thể khẳng định đã gần 100 năm nhưng sự đánh giá vai trò, chức năng quan trọng của tờ báo chính trị từ lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự rất cao trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhà báo lão thành Phan Quang (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam): Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng tìm cách thành lập cho bằng được tờ báo phục vụ sự nghiệp cách mạng và động viên Người không ngừng phấn đấu trở thành một nhà báo lớn nhất Việt Nam, một cây bút ngang tầm những tên tuổi nổi bật về văn hóa, báo chí trên toàn thế giới (Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh).

Theo các nhà nghiên cứu báo chí Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp báo chí tại Pháp khi Người từ nước Anh trở lại nước này vào cuối năm 1917 và tham gia ngay vào Đảng Xã hội Pháp là đảng cánh tả có những quan điểm tiến bộ. Động cơ làm báo của Người hết sức đơn giản và rõ ràng. Người muốn phát biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước Pháp để đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước Việt Nam… Được sự khuyến khích của Charles Longuet, cháu ngoại Các Mác, đang làm chủ nhiệm báo Le populaire (Người bình dân), cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, và của nhà hoạt động chính trị - công đoàn nổi tiếng Gaston Monmousseau, chủ bút báo La vie ouvrie (Đời sống thợ thuyền), Bác Hồ đi thẳng vào con đường báo chí. Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là bài luận chiến sắc sảo tựa đề “Tâm địa thực dân” phê phán những luận điệu xuyên tạc của một số nhà báo Pháp ở Đông Dương. Tháng 7 - 1921 cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước thuộc địa khác của Pháp như Angiêri, Tuynidi, Mađagasca, Máctiních, Marốc… Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan tuyên truyền của hội. Jean La Couture, một trong những nhà văn, nhà báo nổi tiếng nhất ở Pháp ngày nay, tác giả nước ngoài đầu tiên viết tiểu sử Hồ Chí Minh (1967) nhận định: “Sự đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho tờ Le Paris rất to lớn. Ngày nay đọc lại các bài báo của ông (đăng trên báo ấy) vẫn thấy vô cùng thú vị… Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba”… Chỉ một năm sau ngày báo Le Paria ra đời và đang phát triển tốt đẹp, Bác đã tính tới chuyện xuất bản một ấn phẩm định kỳ nữa bằng tiếng Việt. Ấn phẩm nhằm phục vụ kiều bào Việt Nam nơi đất khách, đó là một vạn đồng bào vốn là lính chiến và lính thợ được nhà cầm quyền Pháp tuyển mộ và đưa sang “mẫu quốc” góp sức cùng nhân dân Pháp chiến thắng cuộc chiến tranh Pháp Đức. Phần đông họ xuất thân từ nông dân. Người muốn giác ngộ họ, giúp họ nâng cao hiểu biết và tổ chức họ vào con đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nguyễn Ái Quốc đã đặt tên báo là “Việt Nam hồn” nhưng tờ báo chưa kịp ra mắt bạn đọc thì Bác đã rời Pháp sang nước Nga. Ý định được bạn bè của Người thực hiện tại Pháp và tờ “Việt Nam hồn” cũng được gửi về phát hành một số ngay tại Việt Nam. Sau này, trong “Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp”, Hồ Chí Minh viết: Công việc của chúng ta “Hội liên hiệp thuộc địa” và tờ báo “Người cùng khổ” đã có những kết quả tốt. Nó làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái”.

Sau này, khi hoạt động ở Thái Lan, Người ra báo Thân ái, Đồng thanh để vận động, giác ngộ Việt kiều. Năm 1943, trở về Tổ quốc, Bác sáng lập tờ Việt Nam độc lập... Thế nhưng sự kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp báo chí của Bác Hồ là tháng 12 - 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người thành lập tổ chức cách mạng Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Tiếp theo, Bác sáng lập tờ báo Thanh Niên và phát hành số đầu tiên vào ngày 21 – 6 – 1925 (phát hành gần 90 số) được coi là suối nguồn của toàn thể báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên có sứ mệnh lớn lao là bước đầu truyền bá tư tưởng Mác - Lênin trong nhân dân ta, chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Nó là mốc son trong lịch sử báo chí nước nhà vì đã mở ra một dòng báo chí hoàn toàn khác trước: báo chí cách mạng Việt Nam. Theo nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Giàu: đây là “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, viết bằng giấy sáp, in bằng bàn in tay. Tờ Thanh Niên tiêu biểu cho tổ chức cách mạng đến nỗi người ta thường gọi là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội là Đảng Thanh Niên” (Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam”.

Đánh giá về sức mạnh của tờ Thanh Niên do Bác sáng lập, ngay Chánh mật thám Pháp lúc bấy giờ là Louis Marty, trong bộ sách quan trọng “Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp” (1933) nhận xét: “Cần phải nói ngay rằng tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh Niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc”. Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh Niên đã thực sự đặt nền tảng và đem đến cho ngôn ngữ Việt Nam nói chung và ngôn ngữ báo chí Việt Nam nói riêng nhiều điều mới mẻ. Cũng theo Louis Marty: “Lần lượt những từ ngữ Hán - Việt tương ứng với ngữ vựng cộng sản mới đã được định nghĩa một cách rõ ràng và chính xác”. “Ông Nguyễn Ái Quốc không ngần ngại dành 60 số báo để chuẩn bị tinh thần người đọc”. “Từ số 61, ông mới để lộ những ý định của ông khi viết rằng: Chỉ có một Đảng Cộng sản mới có thể bảo đảm hạnh phúc cho Việt Nam”. Và Chánh mật thám phải thừa nhận: “Cái kết quả đặc sắc nhất trong những cố gắng của đảng Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội trong những năm 1927 - 1928 là ở chỗ thay đổi tâm trí đảng viên. Năm 1926 thì những đảng viên ưu tú nhất của họ còn nghĩ mình theo chủ nghĩa dân tộc. Tháng 5 - 1929 họ trở thành cộng sản và nóng lòng tỏ ra mình là cộng sản”.

Cần phải xem báo Đảng
(Trích bài báo của Hồ Chủ tịch viết với bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, tháng 6 - 1954)

“Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới, về báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất. Trong báo Đảng có những mục giải thích về:

Lý luận chính trị Mác - Lênin.
Tình hình thế giới và trong nước.
Đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Chính phủ.
Chương trình và kế hoạch của những công tác cần thiết.
Đới sống và ý nguyện của dân.
Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các địa phương.
Cách học tập, công tác, tự phê bình và phê bình…


Tờ báo Đảng là như những lớp tập huấn đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần thiết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta.

Nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.

Vì vậy cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng…”.


Kỳ sau: Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng

BÌNH NGUYÊN