Phong trào thi đua phải coi trọng thực chất

08:07, 02/07/2015

Sinh thời Bác Hồ có rất nhiều bài nói, bài viết về phong trào thi đua yêu nước; trong đó có bài "Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công" đăng trên Báo Sự thật (số 116, ngày 1/8/1949). Đọc lại bài viết này gợi cho chúng ta bao điều suy ngẫm về phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

Năm 2015, đất nước ta diễn ra nhiều ngày lễ lớn, nhiều sự kiện trọng đại; trong đó có đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho sự kiện này. Để phong trào thi đua nói chung và đại hội thi đua yêu nước nói riêng mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, chúng ta cần phải nghiên cứu và vận dụng đúng đắn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước. Sinh thời Bác Hồ có rất nhiều bài nói, bài viết về phong trào thi đua yêu nước; trong đó có bài “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” đăng trên Báo Sự thật (số 116, ngày 1/8/1949). Đọc lại bài viết này gợi cho chúng ta bao điều suy ngẫm về phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
 
Trong bài báo, Bác đề cập đến ba nội dung quan trọng:  Khẳng định thành tích, hiệu quả mà phong trào thi đua đem lại; những khuyết điểm chính và phương hướng khắc phục.
 
Trước hết, Bác nêu “Từ ngày Cách mạng Tháng Tám, thế giới đã ngạc nhiên và kính phục dân tộc ta vì ba điều”; trong đó “Điều thứ ba là ta vừa kháng chiến vừa thi đua ái quốc”. (...). Cuộc thi đua nhằm ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Chính nhờ tổ chức tốt phong trào thi đua nên đất nước ta đã “tránh khỏi nạn đói”, nhiều tỉnh “đã diệt xong giặc dốt”, còn diệt giặc ngoại xâm thì “từ Nam đến Bắc ta đã thắng nhiều trận vẻ vang”, ngoài ra các mặt khác “thành tích cũng không kém vẻ vang”. Có được thành tích đó, theo Bác là do: “Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua, và đều có thành tích”. Tiếp theo, Bác thẳng thắn nêu lên những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác thi đua như: “Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc (…). Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được. Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau (…). Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau. Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên (...). Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực. Đó là những khuyết điểm chính mà chúng ta phải sửa chữa và quyết sửa chữa được”. 
 
Trên cơ sở đó, Bác đã chỉ ra phương hướng khắc phục một cách thiết thực: “Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”.
 
Từ nội dung của bài báo, đối chiếu với phong trào thi đua và công tác thi đua hiện nay, chúng ta càng thấm thía hơn những điều Bác viết về phong trào thi đua yêu nước. Thực tế không ai có thể phủ nhận kết quả và tác dụng của phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nó đã trở thành động lực thúc đẩy các ngành, các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường đoàn kết dân tộc... Tuy nhiên, những mặt hạn chế, yếu kém trong phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng mà Bác nêu lên trong bài báo cách đây 66 năm vẫn chưa khắc phục được. Vẫn còn đó tình trạng nhiều nơi phong trào thi đua mang nặng tính hình thức, chưa đi vào thực chất, áp đặt, rập khuôn, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; khen thưởng còn thiếu chính xác, tràn lan, tỷ lệ người lao động trực tiếp, nông dân, công nhân còn ít; các biểu hiện tiêu cực trong suy tôn, bình xét khen thưởng, chạy danh hiệu thi đua. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao…
 
Để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, thậm chí cả tiêu cực trong phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành, đoàn thể, các cá nhân cần thấm nhuần hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục quán triệt Chỉ thị 34 - CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác Thi đua khen thưởng”; Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản liên quan khác. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát, đánh giá, kiểm điểm một cách thẳng thắn, không né tránh khuyết điểm; đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục một cách cụ thể, thiết thực, đảm bảo “tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”.
 
Thiết nghĩ, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng chỉ trở nên quan trọng, có tác động tích cực, mạnh mẽ khi được thực hiện đúng với mục đích, ý nghĩa của công tác này; nếu chạy theo thành tích, phong trào bề nổi, mang tính hình thức thì sẽ phản tác dụng, triệt tiêu động lực phấn đấu, thậm chí làm đảo lộn thang giá trị. Từ đó đòi hỏi, phong trào thi đua phải đi vào thực chất, có tính thiết thực, không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột”… Việc bình xét khen thưởng phải chọn đúng tập thể, cá nhân thực sự là những điển hình tiêu biểu, là tấm gương để người khác học tập, làm theo; đối tượng được khen thưởng phải có lòng tự trọng, chỉ chấp nhận danh hiệu khi có thành tích xuất sắc và cảm thấy xấu hổ khi chưa xứng đáng với danh hiệu đó. Có như thế phong trào thi đua yêu nước mới thật sự tạo động lực động viên, lôi cuốn, khích lệ, động viên mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo nên những kỳ tích mới của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  
 
BAN BIÊN TẬP