Nâng cao bản lĩnh và trí tuệ để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng hiện nay

09:02, 02/02/2016

Bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ là hai mặt không thể thiếu đối với một đảng cầm quyền. Bản lĩnh chính trị đảm bảo cho Đảng luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn. Tầm cao trí tuệ là cơ sở để Đảng đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo toàn dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. 

Bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ là hai mặt không thể thiếu đối với một đảng cầm quyền. Bản lĩnh chính trị đảm bảo cho Đảng luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn. Tầm cao trí tuệ là cơ sở để Đảng đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo toàn dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng luôn có sự thống nhất, được biểu hiện cả trong lý luận và hoạt động thực tiễn; trong cương lĩnh, đường lối chính trị, chiến lược, sách lược, nghị quyết và phương pháp cách mạng của Đảng. Bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng là ý chí, niềm tin không gì lay chuyển được và cũng là quyết tâm biến ý chí và niềm tin thành hiện thực. Vì vậy, không thể có bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ cao nếu Đảng không nắm vững lý luận và những quy luật khách quan. 
 
Bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta là sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng và con đường XHCN đã lựa chọn, không vì áp lực từ bên ngoài mà thay đổi quan điểm, đường lối; đồng thời có sự mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược xử lý các tình huống; có ý chí và khả năng đấu tranh chống lại kẻ thù; sự nhạy cảm với cái mới và khả năng tự đổi mới… 
 
Tầm cao của trình độ trí tuệ được phản ánh rõ nét thông qua đường lối, chính sách đúng đắn, đầy sáng tạo, tránh được khuynh hướng chủ quan, duy ý chí; thể hiện tính tư duy độc lập, sáng tạo, tỉnh táo ứng phó kịp thời, linh hoạt trước các tình huống khó khăn, thách thức; luôn luôn chủ động, không để bị động, bất ngờ xẩy ra… 
 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, căn cứ vào đặc điểm, tình hình của đất nước, khu vực và thế giới, với bản lĩnh và trí tuệ cao, Đảng ta luôn đề ra đường lối chiến lược, sách lược lãnh đạo đúng đắn; đồng thời, không ngừng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, khái quát, phát hiện những vấn đề mới, nhằm bổ sung, hoàn thiện đường lối. 
 
Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đặt ra sau 30 năm đổi mới, Đảng ta xác định nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng trong thời kỳ mới trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách là hoàn toàn khách quan, đúng đắn, bởi vì:
 
(1) Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ là một trong những nhân tố có tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của cách mạng nước ta.
 
(2) Công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực với những thời cơ và thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài, đòi hỏi phải nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng. 
 
(3) Thực trạng bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của không ít cán bộ, đảng viên chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. 
 
(4) Sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực bằng những âm mưu và thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc như “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”… nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, làm sụp đổ chế độ XHCN ở nước ta; do đó, Đảng ta phải nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ trên tất cả các mặt.
 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là 30 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc; trong đó có bài học về thường xuyên chăm lo xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn; gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng.
 
Để tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng trong thời kỳ mới, thiết nghĩ cần tập trung làm tốt những vấn đề chủ yếu sau đây:
 
Một là, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận trên cơ sở lập trường, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đất nước đặt ra. Nghĩa là hiểu sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn hơn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng vào thực tiễn; đồng thời góp phần hoàn thiện, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đúng như Lê-nin đã chỉ rõ: “... phải áp dụng những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa cộng sản... sao cho những nguyên tắc ấy được cải biến đúng đắn trong những vấn đề chi tiết, được làm cho phù hợp, cho thích hợp với những đặc điểm dân tộc và đặc điểm nhà nước - dân tộc” (V.I. Lênin - Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1981, tr.96). 
 
Hai là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Thực tiễn và lý luận có mối quan hệ biện chứng. Thực tiễn cung cấp cứ liệu và kinh nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu lý luận, là tiêu chuẩn kiểm nghiệm, đánh giá tính đúng đắn của lý luận. Lý luận hết sức quan trọng nhưng “lý luận suông là có hại”. Vì vậy, lý luận phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, phục vụ kịp thời, có chất lượng, hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra; như vậy lý luận mới có giá trị, có ích cho xã hội. Phát triển lý luận là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp, các ngành; trong đó, cá nhân các nhà khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, cần động viên, khích lệ khả năng cống hiến và tôn trọng sáng tạo của mỗi cá nhân, nhất là những tìm tòi mới mẻ, những ý kiến ngược chiều…; từ đó thúc đẩy công tác lý luận phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
 
Ba là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu hàng đầu của công tác giáo dục lý luận chính trị. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, hành động đúng đắn; có khả năng tự phân tích, lý giải, phân biệt được đúng, sai; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; đồng thời phê phán, bác bỏ có sức thuyết phục các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng ta. 
 
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ thông qua con đường tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt; trong đó, cần nắm vững phương châm tự học, tự giáo dục là chính. Thực hiện phương châm tự học, tự giáo dục sẽ tạo ra động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên tích cực nâng cao trình độ nhận thức và phương pháp tư duy khoa học; thường xuyên cập nhật thông tin và tri thức mới; bám sát, đi sâu vào thực tiễn để phát hiện những vấn đề mới nảy sinh… Từ đó, đưa ra các quyết định đúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định đó. Việc cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo gương mẫu, tự giác thực hiện điều này vừa nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của chính mình, vừa có ảnh hưởng và tác động tích cực đến các đối tượng khác. 
 
Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng nói chung, đảng viên nói riêng là một nhiệm vụ cấp bách, có tầm quan trọng đặc biệt nhằm đảm bảo Đảng ta luôn luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; khắc phục bệnh giáo điều, máy móc, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta hiện nay; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Nếu không thường xuyên học tập nâng cao trình độ sẽ trở nên lạc hậu trước sự phát triển của khoa học - công nghệ, Đảng sẽ không thể làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình.
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG