Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã nhìn từ thực tế Quảng Lập

06:03, 31/03/2016

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiều cấp ủy địa phương tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, huyện.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiều cấp ủy địa phương tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, huyện.
 
Đồng chí Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập
Đồng chí Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập
Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 15/6/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện mô hình này. Qua tìm hiểu ở xã Quảng Lập cho thấy, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch UBND xã đã góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng. Đồng chí Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập, cho biết: “Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã tại Quảng Lập có rất nhiều thuận lợi. Bởi giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị kịp thời hơn; vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu được thể hiện rõ. Đặc biệt, mô hình này cũng đã góp phần tạo nên sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của khối Đảng và chính quyền”.
 
Trước đây ở Quảng Lập, khi có bất cứ một nội dung nào cần quán triệt, có khi phải tổ chức nhiều cuộc họp mới thống nhất ý kiến giữa Đảng ủy và UBND xã. Tuy nhiên, từ tháng 6/2015, khi xã thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy, đồng thời là Chủ UBND xã, thì các cuộc họp giữa Đảng ủy và UBND xã giảm hẳn. “Điều này góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Ðảng; giúp cấp ủy trực tiếp nhận thông tin về việc điều hành của UBND chính xác, kịp thời. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác của cán bộ trong các khối đảng, chính quyền, đoàn thể. Đồng thời, phát huy tốt hiệu quả của tính dân chủ trong toàn bộ hệ thống chính trị của xã” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập - Nguyễn Bình Trị khẳng định. 
 
Tại Quảng Lập, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của các cấp và các chương trình công tác tại địa phương được triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả. Đơn cử, trong các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với dân, có Bí thư Đảng ủy, đồng thời cũng là Chủ tịch UBND xã trực tiếp tiếp dân nên công tác tuyên truyền, giải thích, vận động được nhân dân ủng hộ cao. Nhiều vấn đề, ý kiến của người dân được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng với chủ trương chung, góp phần tăng cường mối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng và chính quyền. Mặt khác, nếu như trước đây, khi Đảng ủy ban hành một chỉ thị, nghị quyết, phải chờ UBND xã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện, thì hiện nay sau khi có chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch tổ chức triển khai được ngay, bởi bản thân Chủ tịch UBND xã cũng là Bí thư Đảng ủy xã. Nhờ vậy, công tác phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của xã cũng từ đó được thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần đưa Quảng Lập có tổng thu ngân sách năm 2015 đạt 111% KH. Đến nay, xã không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Đảng bộ xã Quảng Lập là đơn vị duy nhất trong huyện Đơn Dương đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
 
Một số người quan tâm tới mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND xã cho rằng, việc thực hiện cùng lúc vai trò là người đứng đầu Đảng ủy và UBND xã thì khối lượng công việc rất nhiều. Do vậy, người cán bộ cần phải nỗ lực nhiều, sắp xếp hợp lý để vừa chăm lo tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Người đảm nhận vị trí này phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật kiến thức nâng cao trình độ, rèn luyện năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể. Theo kinh nghiệm của đồng chí Nguyễn Bình Trị: “Ở cương vị này, người lãnh đạo cần giữ vững nguyên tắc phát huy dân chủ trong tất cả các hoạt động. Để tránh tuyệt đối tính chuyên quyền mà gây nên sai phạm trong công việc, đồng thời dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ. Mặc dù hai chức danh do một người nắm giữ, nhưng chức năng chỉ đạo của bí thư và chức năng quản lý, điều hành của chủ tịch UBND xã cần được phân định rạch ròi để nâng cao hiệu quả trong công việc”.
 
Có thể nói, mô hình nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã đang vận hành có hiệu quả tại Quảng Lập. Đồng chí Lưu Tấn Huệ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương, cho biết thêm: “Đảng bộ xã Quảng Lập là một trong những điểm sáng và được công nhận là cơ quan văn hóa của huyện. Để tìm ra được một người phù hợp để đảm nhiệm tốt cùng lúc hai trọng trách này không phải là điều dễ. Bởi thế, công tác lựa chọn nhân sự đang là vướng mắc của nhiều địa phương muốn triển khai mô hình này”.
 
NGỌC NGÀ