Người đại biểu nhân dân

08:04, 08/04/2016

Với người dân chúng tôi, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021 là một ngày hội lớn. Việc cân nhắc, xem xét để lựa chọn được những người đại biểu thực sự "của dân, do dân và vì dân" là quyền và nghĩa vụ của cử tri...

Già làng K’Ber (tổ 19, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm):
 
“Với người dân chúng tôi, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021 là một ngày hội lớn. Việc cân nhắc, xem xét để lựa chọn được những người đại biểu thực sự “của dân, do dân và vì dân” là quyền và nghĩa vụ của cử tri. Đối với các cử tri người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như chúng tôi, đa phần trình độ học vấn còn hạn chế nên việc nắm bắt thông tin về đại biểu còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, để bà con nắm được các thông tin liên quan đến công tác bầu cử và những người ra ứng cử, được đề cử thì chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Như vậy, cử tri chúng tôi mới hy vọng sẽ lựa chọn được những đại biểu thật sự có năng lực, có tâm và có tầm để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, tôi cũng mong muốn các đại biểu trúng cử trong đợt này sẽ phát huy trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết với nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó; quan tâm nhiều hơn đến các chính sách phát triển trong vùng đồng bào DTTS.
 
Anh Đỗ Mạnh Tường, Phó Bí thư Thành Đoàn Bảo Lộc:
 
“Bản thân tôi luôn xác định, người đại biểu là “cầu nối” quan trọng giữa người dân và các cấp có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương. Để đưa được tiếng nói của người dân đến được các cấp có thẩm quyền và để các cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý thỏa đáng yêu cầu, nguyện vọng của người dân hay không thì người đại biểu phải làm tốt vai trò “cầu nối”. Thực tế cho thấy, trong những nhiệm kỳ trước, vai trò của không ít đại biểu HĐND cấp cơ sở còn mang tính hình thức, chưa đi sâu, đi sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đây chính là lý do khiến nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri bị bỏ sót không đến được các cấp có thẩm quyền. Vì vậy, muốn làm tốt vai trò “cầu nối” thì người đại biểu không chỉ cần có năng lực, trình độ và đạo đức tốt mà có tầm nhìn khái quát các vấn đề liên quan đến cuộc sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của người dân nơi mình phụ trách.
 
Theo tôi, người đại biểu thật sự xứng đáng để cử tri lựa chọn bầu phải làm tốt vai trò “cầu nối” giữa việc phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cư tri; đồng thời, cùng với cử tri thực hiện tốt vai trò giám sát, theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý tránh trình trạng kiến nghị, khiếu nại của người dân kéo dài gây bức xúc trong dư luận. Đó thực sự là người đại biểu của nhân nhân, xứng đáng để người dân gửi gắm niềm tin”.
 
Ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào (TP. Bảo Lộc)
 
“Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là ngày hội lớn của toàn dân để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tham gia bầu cử không chỉ là quyền “bất khả xâm phạm” mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cử tri. Vì vậy, tôi mong muốn các cử tri đừng chủ quan mà tự “tước mất” quyền bầu cử của mình. Nói như vậy bởi lẽ, trước đây, khi tham gia bầu cử có không ít cử tri đã tự “tước mất” quyền bầu cử của mình khi dùng lá phiếu của mình để nhờ người khác “bầu hộ”. Việc cử tri nhờ người khác bầu hộ, rõ ràng đã tự mình đánh mất quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng.
 
Vì vậy, để việc lựa chọn, bầu ra những người đại biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới rất cần sự tham gia đầy đủ của mỗi cử tri.
 
K.PHÚC - QUỐC TUẤN (ghi)