Chim H'Ling của núi rừng Tây Nguyên

09:05, 31/05/2018

Anh Trần Thế Hoàng - Phó Bí thư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Ðạ Tẻh giới thiệu cho tôi K'Giang, một gương mặt cán bộ trẻ. Anh Hoàng nói thêm, việc thật, người thật, chú cứ đến xã Mỹ Ðức vào các buổi tối, trừ thứ bảy, chủ nhật.

Anh Trần Thế Hoàng - Phó Bí thư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Ðạ Tẻh giới thiệu cho tôi K’Giang, một gương mặt cán bộ trẻ. Anh Hoàng nói thêm, việc thật, người thật, chú cứ đến xã Mỹ Ðức vào các buổi tối, trừ thứ bảy, chủ nhật.
 
K’Giang đang nghiên cứu cho bài giảng mới. Ảnh: N.T.H
K’Giang đang nghiên cứu cho bài giảng mới. Ảnh: N.T.H

Tối 17/5/2018, tôi phóng xe vào gặp anh, đúng lúc anh vừa cho học sinh giải lao. Qua câu chuyện với anh, tôi tỏ ý ngạc nhiên vì sao anh và gia đình (người Mạ), hiện cư trú tại buôn Đạ Nha, xã Quốc Oai mà lại sang nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn xã Mỹ Đức. Anh cho biết đó là thực hiện Đề án 50 của tỉnh Lâm Đồng về việc đưa trí thức trẻ về nông thôn. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp khoa Luật Đại học Đà Lạt, có một số cơ quan, đơn vị ở thành phố mời anh làm việc, nhưng anh tình nguyện trở về quê. Anh nói tiếp: Với lại xã Mỹ Đức cũng huyện Đạ Tẻh nhà ta thôi à!
 
Những năm gần đây, phong trào Đoàn Thanh niên ở nhiều vùng nông thôn chưa thật sôi nổi. Lý do thật dễ hiểu, các bạn trẻ ở nông thôn học xong phổ thông, dù không thi đỗ cao đẳng, đại học cũng đổ xô về thành phố kiếm việc làm, lo làm giàu, do vậy, nhiều xã không có chi đoàn ở cấp thôn, buôn. Nếu có thì hoạt động cũng rời rạc…
 
Tại xã Mỹ Đức, K’Giang cho biết: đoàn viên trong bảy thôn, buôn có 124 người, trong đó đoàn viên trường học 26, đoàn viên người dân tộc gốc địa phương 34 người. Vui vì đoàn viên đông, nhưng vẫn có mối lo thường trực là đa số các đoàn viên không còn đến trường lại phải chăm vào việc làm rẫy, trồng dâu nuôi tằm giúp gia đình nên có những buổi sinh hoạt chi đoàn ở các thôn, buôn, đoàn viên vẫn vắng quá nửa.
 
Vậy thì, hơn một năm qua, K’Giang đã nghĩ và làm gì trước thực trạng đó? Trả lời câu hỏi của tôi, K’Giang chia sẻ:
 
- Mình cố gắng phát âm thật chuẩn theo ngữ điệu của người Kinh khi tiếp xúc với các đoàn viên và khi phổ biến nghị quyết trong các cuộc họp để các bạn dễ nghe, dễ hiểu. Việc này tưởng là dễ, nhưng mình phải kiên trì lắm đấy.
 
Một việc mà trước đây và hiện nay ở huyện Đạ Tẻh chưa có bí thư xã đoàn nào làm, đó là K’Giang sáng tác ra một mô hình - mô hình giúp đỡ trẻ đang là học sinh người Mạ trong việc học tập và rèn luyện.
 
Thực hiện mô hình, K’Giang đã đến từng nhà vận động gia đình không để trẻ em bỏ học. Thuận lợi của anh là nói với đồng bào mình, đồng bào dễ nghe, dễ hiểu. Kết quả là hai năm nay, Mỹ Đức không có trẻ em bỏ học. Tiếp đó K’Giang gặp các thầy, cô giáo bố trí một tuần một lần vào buổi tối thứ sáu để ôn lại bài cho các em. Việc làm này được cha mẹ học sinh ủng hộ. Riêng K’Giang, mỗi tuần ba buổi tối đến nhà các em học sinh để tâm sự, trao đổi với các em về việc học hành, kể chuyện truyền thống dân tộc Việt Nam, trong lịch sử hàng ngàn năm, các dân tộc đã đoàn kết bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có dân tộc Mạ, K’Ho của mình. Việc kể chuyện truyền thống nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các em. Cứ ba tháng, K’Giang gặp mặt các em vào tối thứ bảy để tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, múa hát…
 
K’Giang đến với trẻ em, thiếu nhi, học sinh bằng tấm lòng yêu thương của người anh trong gia đình. Và bằng tình thương ấy đã cảm hóa được các em rất nhiều. Chỉ sau một học kỳ, hơn một chục em học lực yếu đã vươn lên trung bình rồi khá. 
 
Các em biết đi ngủ đúng giờ, em nào cũng ngoan ngoãn, biết chăm sóc thân thể ngày một khỏe mạnh. Tiêu biểu như các em nữ sinh: Ka Phánh, Ka Thiên; nam sinh như K’Bru, K’Siết và một số các em khác mà tôi đã gặp các em trực tiếp. Các em đều nói, chúng cháu nhờ anh K’Giang mới ngoan đấy ạ.
 
K’Giang tâm sự, những tối sang bảo ban các cháu học hành thật vui. Từ nhà K’Giang ở Quốc Oai sang xã Mỹ Đức khoảng 9 km, cứ 18h30 là anh đi xe máy đến, không để các em phải chờ. Hoạt động của các em nằm trong chương trình “Thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số” do đội an ninh công an huyện Đạ Tẻh khởi xướng, K’Giang vừa là đồng tác giả của chương trình vừa là người trực tiếp thực hiện. Từ sự hướng dẫn của K’Giang, các em trong buôn đã biết tự giác học tập tại nhà vào buổi tối, không tụ tập chơi bời ngoài đường, hay ven suối như trước đây. Hôm nào các em được nghỉ tối thứ bảy hoặc chủ nhật, K’Giang không đến được, anh lại thấy nhớ, lại mong cho đến ngày sang Mỹ Đức với các em nhỏ thân yêu của mình.
 
Đối với công tác đoàn thanh niên, mỗi lần sinh hoạt luôn lồng ghép nội dung tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền việc giữ rừng, giữ nguồn nước sạch, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc… đều được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng. Các hội thi do Huyện Đoàn tổ chức, Đoàn Thanh niên xã Mỹ Đức đều tham gia như đua thuyền, chạy việt dã, hội thi cán bộ đoàn tài năng… Đoàn xã Mỹ Đức đều giành được giải.
 
Cho đến nay, mô hình mà K’Giang làm đã được các thôn, buôn dân tộc thiểu số trong huyện Đạ Tẻh áp dụng và đạt kết quả. Không còn hiện tượng thanh niên thiếu nhi tụ tập ban đêm ven đường chơi bời vô bổ. Nhiều người tự giác đọc báo, đọc sách, xem tivi để nâng cao nhận thức, không có chuyện phân biệt thành phần dân tộc ở trong các lớp. Những việc mà K’Giang làm, tôi được một số cán bộ chủ chốt của xã Mỹ Đức như anh Nguyễn Hồng Quân - Phó Chủ tịch HĐND, anh Nguyễn Dũng - Phó Chủ tịch UBND, anh Toàn - Trưởng Công an xã đều có chung nhận xét: K’Giang như thầy giáo giỏi, dạy tiếng phổ thông cho các em ở tuổi từ tám đến mười hai, còn chưa nói sõi, nay đã khá thành thạo. Anh còn dạy các em làm toán. Bài nào khó, anh điện thoại nhờ cô giáo đến. K’Giang coi việc này là niềm vui của mình. Tôi nói:
 
- Ước gì, trong huyện này có nhiều cán bộ đoàn như K’Giang. K’Giang cười:
 
- Tất cả là nhờ nhiều anh chị em làm việc ở trong xã, nhờ thầy cô giáo và cha mẹ học sinh ủng hộ chứ một mình K’Giang không làm được nhiều đâu mà.
 
Già làng K’Tỏi, K’Mé ở xã Mỹ Đức, già làng K’Tiêu ở xã Quốc Oai nói rằng: K’Giang là cán bộ của Bác Hồ. Nó cùng mấy thầy cô giáo vẫn dạy thêm cái chữ ngoài giờ học cho lũ trẻ. Nó cùng cán bộ xã khuyên lũ làng không được đốt rừng làm rẫy, không săn bắt thú quý. Buôn làng đã nghe nó và cán bộ rồi.
 
Hiện tại K’Giang cùng vợ và hai con gái sống chung với mẹ của anh. Hết giờ làm việc, anh cùng vợ chăm sóc hơn hai hecta điều và vườn cây ăn trái của mình. Anh cũng đang theo học lớp trung cấp chính trị để nâng cao nhận thức nhằm phục vụ cho công tác.
 
Năm nay, K’Giang mới ba mươi tuổi, vào Đảng năm 2016. Anh như con chim H’Ling của núi rừng Nam Tây Nguyên, loài chim không sống lẻ đàn, loài chim nhỏ không rực rỡ sắc màu nhưng tiếng hót của nó luôn vút cao giữa cao nguyên đại ngàn, đem niềm vui tới các buôn làng và cho mọi người.
 
Ký: NGUYỄN THANH HƯƠNG