Hoạt động đoàn trước cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy (Bài cuối)

06:10, 16/10/2019

Số lượng con người giảm xuống trong khi khối lượng công việc không giảm và có xu hướng ngày càng tăng, cùng sự đổi mới của các phong trào, hoạt động đòi hỏi mỗi cán bộ, cơ sở đoàn phải tự mình thay đổi theo chiều hướng phát triển...
 

[links()]
Con người là yếu tố tiên quyết
 
Số lượng con người giảm xuống trong khi khối lượng công việc không giảm và có xu hướng ngày càng tăng, cùng sự đổi mới của các phong trào, hoạt động đòi hỏi mỗi cán bộ, cơ sở đoàn phải tự mình thay đổi theo chiều hướng phát triển. Từ đó, lực lượng cán bộ Đoàn mới có thể đáp ứng nhu cầu của vị trí việc làm trong tình hình mới.
 
Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy được xem như cơ hội để cán bộ Đoàn rèn giũa và trưởng thành. Ảnh: V.Quỳnh
Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy được xem như cơ hội để cán bộ Đoàn rèn giũa và trưởng thành. Ảnh: V.Quỳnh
 
Rèn giũa để trưởng thành
 
Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng: Khi triển khai Đề án vị trí việc làm và Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, lực lượng cán bộ Đoàn có những lợi thế hơn so với cán bộ tại các cơ quan khác. Cụ thể, đây là lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo, đồng thời có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn công việc khác và sẵn sàng đối mặt với thử thách. Chính vì vậy, cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy được xem như cơ hội để cán bộ Đoàn rèn giũa và trưởng thành.
 
Tại cơ quan Tỉnh Đoàn, thời gian đầu khi mới tiến hành sáp nhập 6 ban chuyên môn thành 3 ban, sự khác biệt so với 8 nhiệm kỳ trước đó đã khiến các chuyên viên, cán bộ không tránh khỏi việc lúng túng trong kiểm soát, bao quát công việc dẫn đến những thiếu sót. Việc điều chỉnh được liên tục thực hiện để phân công công việc hoặc bổ sung đầu việc một cách hợp lý và đầy đủ. Số lượng người giảm xuống đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng lên khiến các cán bộ trong cơ quan áp lực và bối rối. Bên cạnh đó, số lượng người ít hơn hẳn so với lực lượng được phân bổ gây ra nhiều khó khăn khi Tỉnh Đoàn muốn chủ động bố trí người cho các hoạt động, chính vì vậy phải cân nhắc kỹ để bố trí phù hợp.
 
“Tuy nhiên, sau 2, 3 tháng triển khai, các cán bộ, chuyên viên khi đã làm quen với guồng công việc trở nên chủ động hơn. Mỗi cán bộ trực tiếp phụ trách một mảng, cả tập thể có thể nhìn nhận và đánh giá đầu việc qua hình ảnh minh chứng cho hoạt động. Cái được lớn nhất là cán bộ Đoàn trưởng thành và tiến bộ rất nhanh. Nếu trước đây, công việc phải được phân về ban qua nhiều khâu trung gian thì hiện tại, mỗi nhân viên phụ trách từng nhánh công việc và họ có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp, từ đó bớt được khâu trung gian. Chính vì vậy mà không xảy ra tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm được nâng lên vì không chỉ tập thể mà bản thân cá nhân phải chịu trách nhiệm về phần việc của mình. Công việc được giải quyết nhanh, đánh giá cán bộ khách quan hơn, đúng với năng lực của cán bộ” - chị Trần Thị Chúc Quỳnh khẳng định.
 
Sau gần 2 năm thực hiện sáp nhập ban chuyên môn và tinh gọn bộ máy, hiệu quả bước đầu đã được nhìn thấy rõ rệt. Chị Trần Thị Ngọc Bích - Chuyên viên Ban Tuyên giáo - Đoàn kết chia sẻ: “Việc cắt giảm bộ phận trung gian giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc; đồng thời phát huy vai trò và năng lực của các chuyên viên khi trực tiếp tham mưu các nhánh lĩnh vực cũng như chịu trách nhiệm trước thủ trưởng. Quy chế cơ quan cũng đặt ra, mỗi cán bộ, công nhân viên cơ quan phụ trách sâu một lĩnh vực nhưng phải biết và thông thạo nhiều lĩnh vực để phối hợp đều tay, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động, tiết kiệm ngân sách nhà nước”.
 
Tương tự, tại huyện Đơn Dương, khi bận rộn phân chia thời gian giữa lịch học tại TP Đà Lạt và công việc cơ quan trong lúc Huyện đoàn chỉ có 2 người, chị Phạm Thị Huỳnh Nga - Phó Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: Việc tinh giản biên chế gây ra nhiều khó khăn trong thời gian đầu, bởi cán bộ Đoàn phải gồng gánh gấp 2, 3 lần để đảm nhiệm hết công việc. Tuy nhiên, năng lực cán bộ Đoàn đồng thời sẽ được nâng lên. Cụ thể như khi một người đảm nhận nhiều việc thì bản thân họ phải năng động hơn, vừa suy nghĩ, vừa tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả nhất.
 
Áp lực từ công việc là động lực để các cán bộ tại Đoàn cơ sở xây dựng cho mình cách thức làm việc mới sao cho công suất và hiệu quả tăng lên gấp 2, gấp 3 lần. 
 
“Quan trọng nhất là biết sắp xếp công việc một cách khoa học, và tận dụng các lực lượng có sẵn như cộng tác viên là các CLB đội, nhóm, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn để hỗ trợ trong công tác tổ chức các hoạt động. Song song với đó, cần thông qua các mô hình tổ, đội, nhóm, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên một cách dễ dàng hơn” - anh Trần Thế Hoàng, Phó Bí thư Huyện đoàn Đạ Tẻh chia sẻ. 
 
Các cơ sở đoàn phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên trong tình hình thiếu nhân lực. Ảnh: V.Quỳnh
Các cơ sở đoàn phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên trong tình hình thiếu nhân lực. Ảnh: V.Quỳnh
 
Chọn đúng người, đúng việc
 
Mục đích của tinh giản biên chế là nhằm tạo ra được bộ máy hoạt động hiệu quả trên cơ sở cơ cấu tổ chức tinh gọn với số lượng nhân sự phù hợp, được vận hành một cách khoa học để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã được xác định. Như vậy, mục đích của tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm số lượng nhân sự mà hơn thế, đây là cách thức để các cơ quan nhà nước tinh lọc lại nhân sự nhằm hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Chính vì vậy mà tinh thần chung của các cơ sở đoàn trong tỉnh vẫn là chọn những người có năng lực, sắp xếp phù hợp với vị trí việc làm.
 
Đặc biệt, trong xu thế hướng hoạt động về cơ sở như giai đoạn hiện nay, Bí thư và Phó Bí thư Đoàn các xã, thị trấn cần được lựa chọn một cách kỹ càng để có thể tổ chức các phong trào, hoạt động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng, bởi trên thực tế, chức danh Phó Bí thư Đoàn xã thường phải kiện toàn liên tục do đây là chức danh bán chuyên trách, không nằm trong biên chế và phụ cấp thấp khiến không nhiều người mặn mà. Bên cạnh đó, các địa phương cũng gặp khó trong việc tham mưu điều chuyển nhân lực vì vướng khó khăn về độ tuổi của Đoàn.
 
Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh, tinh giản biên chế là xu thế tất yếu để thay thế cho bộ máy cồng kềnh bằng một bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Những khó khăn ban đầu là điều không thể tránh khỏi, quan trọng nhất phải là chọn được cán bộ đúng việc, có sở trường, có năng khiếu, có đam mê, trách nhiệm với công việc. “Chính vì vậy, những người ở lại cơ quan Tỉnh Đoàn hiện tại đều có trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị vững vàng” - Bí thư Tỉnh Đoàn khẳng định.
 
Bên cạnh đó, cùng với việc tinh gọn bộ máy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời cấp kinh phí cho Đoàn Thanh niên để được đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Từ đó, đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng lên theo từng năm, có nhận thức chính trị vững vàng, đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định, có nghiệp vụ, có năng lực công tác. Bộ phận cán bộ, công chức, viên chức được đề bạt, bổ nhiệm sẽ phát huy được tốt chức trách nhiệm vụ, năng lực công tác trên cương vị mới.
 
VIỆT QUỲNH