Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử

06:09, 11/09/2020

Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh - Xô viết đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam; điểm nhấn điển hình, đỉnh cao của phong trào cách mạng...

Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh - Xô viết đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam; điểm nhấn điển hình, đỉnh cao của phong trào cách mạng trong cả nước 1930 - 1931. Đúng dịp kỷ niệm 90 năm, chúng tôi về thắp hương tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ - nơi mà ngày 12/9/1930 diễn ra cuộc biểu tình của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn chống thực dân Pháp với hơn 340 người đã ngã xuống và bị thương…
 
Tượng đài công-nông Xô viết Trường Thi-Bến Thủy (Vinh)
Tượng đài công-nông Xô viết Trường Thi-Bến Thủy (Vinh)
Tháng 9, trên quê hương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều hoạt động kỉ niệm 90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh. Hai tỉnh và các cơ quan trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động rất ý nghĩa như lễ kỷ niệm, hội thảo khoa học, thắp hương tưởng niệm, triển lãm chuyên đề, chương trình nghệ thuật… Sự kiện lịch sử được đánh giá như “trang sử vàng” của dân tộc Việt Nam được khơi dậy nhiều trong các hoạt động. “Đêm trước” của Xô viết Nghệ - Tĩnh là từ ngày 1/5 đến tháng 8/1930, trên đất Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân. Bắt đầu là sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam, do Trung ương Đảng chủ trương phát động. Các cuộc đấu tranh trong ngày 1/5/1930 đã đi vào lịch sử, mở đầu phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ở Bến Thủy, thành phố Vinh, “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền” (Văn kiện Đảng 1930 - 1935, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, 1977). Từ đây, phong trào đấu tranh của hàng vạn nông dân nổ ra liên tiếp tại nhiều huyện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, ở huyện Thanh Chương, ngày 1/9/1930, hơn 2 vạn nông dân 5 tổng nổi dậy đấu tranh được xem là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ - Tĩnh. Sau 90 năm, nhân chứng lịch sử - người tham gia biểu tình - cụ Phan Tố Đức (105 tuổi, 80 tuổi Đảng, ở xã Võ Liệt) kể: “Sáng ngày 1/9/1930, tôi thức dậy sớm, hòa trong dòng người của các tổng kéo về huyện đường Thanh Chương. Lúc ấy tôi mới 14, 15 tuổi, do đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ, nên được cắt cử đọc to giấy tờ cổ động”... 
 
Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh
Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh
 
Tại khuôn viên Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trong gian chính của Nhà tưởng niệm các liệt sĩ được đặt bàn thờ các liệt sĩ; xung quanh là 8 bia đá lưu tên của 1.302 liệt sĩ tỉnh Nghệ An và 550 liệt sĩ tỉnh Hà Tĩnh. Trong số những liệt sĩ ấy có Ủy viên Trung ương Đảng như các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Phan Đăng Lưu...; Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ như đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào... Một sự kiện đặc biệt khác, trong số những chiến sĩ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh còn sống, một số đã cùng Hồ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm khi Người về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2, ngày 9/12/1961. 
 
Chúng tôi cũng có mặt tại Khu tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 ở thị trấn Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. 90 năm trước, sáng ngày 12/9, diễn ra cuộc biểu tình của 8.000 nông dân 3 tổng Phù Long, Thông Lạng (huyện Hưng Nguyên) và Nam Kim (huyện Nam Đàn). Thực dân Pháp đã đàn áp bằng máy bay ném bom xuống giữa đoàn biểu tình, làm 217 người hy sinh, 125 người bị thương và hàng chục người bị bắt giam. Sự kiện đã chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Tấm bia tại đây ghi: “Từ năm 1930-1955, mộ của các liệt sĩ nằm rải rác khắp khu vực này. Năm 1956, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã cho cất bốc hài cốt và khởi công xây dựng ngôi mộ chung cho các liệt sĩ. Năm 1960, Ty Văn hóa Nghệ An thiết kế, xây dựng Đài Liệt sĩ. Năm 1961, trong dịp về thăm quê lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến viếng và đặt vòng hoa trước Đài Liệt sĩ”. Địa điểm này được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Năm 2010, Di tích tiếp tục được tôn tạo và nâng cấp các hạng mục như Nghi Môn, Mộ chung các liệt sĩ, Nhà tưởng niệm, quảng trường và các công trình phụ trợ. Hàng năm, nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là ngày 12/9. 
 
Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ-Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão
Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ-Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão
 
Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh kéo dài đến năm 1931 và đã trở thành tiếng vang lớn đối với phong trào cách mạng ở Việt Nam cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân “chia lửa”, ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh bằng nhiều đoàn biểu tình diễn ra ở Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp, thành phố Sài Gòn... Ở Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Xiêm (Thái Lan) thợ thuyền, dân cày và người lao khổ hành động biểu tình ủng hộ cách mạng Đông Dương. 
 
Xô viết Nghệ - Tĩnh là trang sử vàng trong lịch sử cách mạng Việt Nam; là sự kiện lớn của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Chính từ sự kiện Xô viết Nghệ - Tĩnh, Quốc tế Cộng sản đã thừa nhận Việt Nam là điển hình đầu tiên trong 6 trường hợp điển hình ở các châu lục thuộc khối các nước thuộc địa và phụ thuộc có quá trình đấu tranh độc đáo từ khi Quốc tế Cộng sản ra đời. Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (4/1931) đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản. Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng Việt Nam 1930-1931; là cuộc tổng diễn tập đầu tiên để dân tộc Việt Nam tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”. Và đó là “những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ được ghi dấu mãi mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, mà còn là sự kiện mang ý nghĩa quốc tế, minh chứng cho nhận định: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; những nhà cách mạng tiền bối ở Nghệ Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển chung của lịch sử nhân loại tiến bộ” (PGS.TS. Nguyễn Công Khanh).
 
MINH ĐẠO