Bản "Tuyên ngôn Độc lập" ngày 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn thể quốc dân và thế giới...
Bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn thể quốc dân và thế giới là một văn kiện chính trị - pháp lý có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại vô cùng to lớn. Từ đây, mở ra một kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do của nước Việt Nam sau 80 năm bị giặc Pháp đô hộ và một nghìn năm chế độ phong kiến.
|
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu |
Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 22/8/1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Với tầm nhìn xa, sáng suốt của một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại, sáng ngày 26/8, trong phiên họp đầu tiên của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị phải soạn thảo ngay bản Tuyên ngôn Độc lập để trình bày trước quốc dân tại cuộc mít tinh ở Hà Nội vào ngày 2/9/1945.
Sau khi được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí, trong các ngày 28 và 29/8/1945, ban ngày, Bác đến trụ sở của Chính phủ lâm thời tại 12 Ngô Quyền làm việc và dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối, Người trở về số nhà 48 phố Hàng Ngang, một căn buồng vừa là phòng ăn, phòng tiếp khách, vừa là nơi làm việc, tự mình đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngày 30/8, Bác đã mời một số cán bộ đến trao đổi, góp ý cho bản thảo do Người soạn thảo và hôm sau (31/8), Bác bổ sung thêm vào bản dự thảo. Vào hồi 14 giờ ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên lễ đài trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông nam Á.
Ngày 5/9/1945, Báo Cứu quốc số 36, đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập, có chữ ký tên của 15 thành viên Chính phủ lâm thời gồm: Hồ Chí Minh - Chủ tịch; Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Phạm Ngọc Thạch, Đào Trọng Kim, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân.
Tuyên ngôn Độc lập - cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cho sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Về cơ sở pháp lý: Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã trích dẫn lời bất hủ của bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Việc Bác khéo léo trích dẫn về “quyền con người” trong bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp - hai cường quốc hùng mạnh trên thế giới và cũng được xem là chân lý của thời đại, trong đó nước Pháp mới đây đô hộ nước ta, cho thấy Người muốn khẳng định trước thế giới rằng, cách mạng Việt Nam là sự nối tiếp con đường tiến hóa của nhân loại đã và sẽ đi tới: “giải phóng con người”; qua đó, tạo cơ sở pháp lý, căn cứ vững chắc cho toàn bộ bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Và cũng từ tuyên ngôn của Mỹ - Pháp, Hồ Chí Minh đã nâng lên thành quyền của cả dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, giáo sư Singô Sibata (Nhật Bản) cho rằng “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Vì vậy, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Về cơ sở thực tiễn: Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã đưa ra những bằng chứng thực tế mà kẻ thù không thể chối bỏ, đó là: (i) Vạch trần bản chất công cuộc “khai hóa” và “bảo hộ” của thực dân Pháp là đã thi hành nhiều chính sách dã man về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục; hai lần bán nước ta cho Nhật “quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật” (vào năm 1940, 1945), khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”; phản bội Đồng minh, không hợp tác với Việt Minh mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh, “nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên bái và Cao bằng”.
(ii) Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chống ách nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp, đứng về phía Đồng minh chống phát xít và giành độc lập tự do từ tay Nhật “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật”, “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Việc đưa ra cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và cách lập luận chặt chẽ, sắc bén, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tạo lập nền tảng vững chắc không chỉ cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn cho cuộc Tổng tuyển cử và sự ra đời của bản Hiến pháp 1946; đồng thời cũng đảm bảo cho nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tư cách là một nước độc lập, có chủ quyền, đấu tranh để giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc
Trên cơ sở pháp lý và thực tiễn đã nêu ra, Hồ Chí Minh khẳng định nước ta, Nhân dân ta đã “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” và tỏ thái độ tin tưởng chắc chắn rằng: “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập là một lời tuyên bố và lời thề thiêng liêng biểu thị quyết tâm sắt đá giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là lời tuyên bố, lời thề mang ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam.
Giá trị to lớn, sâu sắc của Tuyên ngôn Độc lập
Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập là bản anh hùng ca chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tiếp nối các bản anh hùng ca được xem là những bản tuyên ngôn độc lập dân tộc như: “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi... nhưng được Bác nâng lên tầm cao khát vọng và ý chí thiêng liêng về nền độc lập dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử; đồng thời khẳng định lòng quyết tâm sắt đá bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do với triết lý nhân sinh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Thứ hai, khẳng định những giá trị về quyền con người và mở rộng ra là quyền của một quốc gia, dân tộc, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, đặc biệt các nước vốn là thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc đã thừa nhận đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường phát triển độc lập, tự do về chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước mình. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ cho riêng Việt Nam, mà còn là lời bố cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, từ đó khích lệ các nước đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đánh giá ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập trong lễ trao bằng tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, Giám đốc Trường Đại học Băng-đung (Indonesia) nói: “Đó là một đạo luật mới của Nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập, bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”.
Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập là ngọn đuốc soi đường sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những tư tưởng trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đảng ta đã vận dụng những tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập để giải quyết thành công mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nhất là về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Thứ tư, Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh giữa các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với các giá trị thời đại của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh cao cả và vĩ đại là giải phóng các dân tộc và nhân loại thoát khỏi áp bức, bất công để xây dựng một xã hội tiến bộ, con người sống bình đẳng, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, cách mạng Việt Nam và các phong trào cách mạng thế giới có cùng chung mục tiêu phấn đấu và trở thành một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới.
Năm tháng qua đi, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một áng “thiên cổ hùng văn” lập quốc - vẫn trường tồn mãi mãi trong lòng dân tộc Việt Nam; bởi đó không chỉ giá trị lịch sử, pháp lý mà còn cả giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc.
VĂN NHÂN