Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

06:10, 24/10/2022
(LĐ online) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)…
 
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp đông đủ và tích cực nghiên cứu, tham gia góp ý. 
 
Đại biểu Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý cho Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) như sau: 
 
ĐBQH Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham gia góp ý Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
ĐBQH Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham gia góp ý Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
 
Hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền tài chính, kinh tế quốc gia nên phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm tất cả các biện pháp và hoạt động có thể được thực hiện để ngăn chặn các hành vi rửa tiền được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bất kể nguồn gốc nào. Phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều nguồn vốn được đổ vào nước ta thông qua các kênh đầu tư, vì vậy, nguyên nhân tiềm ẩn tội phạm tài chính trong và ngoài lãnh thổ là vô cùng lớn.
 
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 là một dấu mốc quan trọng trong hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, là một trong những yếu tố then chốt để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền, thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về rửa tiền trong thời gian tới. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được nghiên cứu sửa đổi nhiều quy định sát với thực tiễn đất nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục tốt hơn khoảng trống pháp lý và những thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật.  
 
Về biện pháp phòng, chống rửa tiền (Chương II), đại biểu góp ý: Về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng (mục 1 Chương II). Trong phòng, chống rửa tiền thì việc nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng là vô cùng quan trọng vì đây là những bước đầu tiên để các đối tượng báo cáo có thể hiểu được khách hàng của mình, nhằm mục đích ngăn chặn việc rửa tiền khi nó mới ở bước đầu tiên. Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật về nội dung này, đề xuất nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau:
 
Giới hạn giao dịch trong nhận biết khách hàng (Điều 9): Các đối tượng rửa tiền thường chia nhỏ các giao dịch rửa tiền lớn thành các giao dịch nhỏ hơn hoặc được thực hiện thông qua các cá nhân và pháp nhân liên quan ( theo định nghĩa của Luật các Tổ chức Tín dụng về người có liên quan) để trốn tránh các giới hạn báo cáo và tránh bị giám sát. Vì vậy, cần có thêm quy định đối tượng báo cáo cần báo cáo cho các cơ quan chức năng về tổng khối lượng giao dịch của khách hàng và tổng khối lượng giao dịch của người có liên quan của khách hàng khi chúng vượt một mức nào đó trong khoảng thời gian nhất định (có thể theo tháng hoặc theo quý).
 
Thông tin nhận biết khách hàng là tổ chức (điểm e khoản 2 Điều 10): Nên nghiên cứu bổ sung thông tin danh sách cổ đông lớn và danh sách thành viên góp vốn đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và các loại hình tổ chức khác ở thời điểm hiện tại (thời điểm phát sinh giao dịch) để đối tượng báo cáo có thêm thông tin nhằm phát hiện các giao dịch đáng ngờ. 
 
Thông tin chủ sở hữu hưởng lợi (khoản 3 Điều 10): Nên nghiên cứu quy định rõ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các giao dịch là người hưởng lợi cuối cùng và cho phép đối tượng báo cáo truy cập, khai thác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi từ cơ sở dữ liệu của các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép thành lập được nêu tại Điều 21 dự thảo Luật, bởi hiện tại, dự thảo Luật mới chỉ quy định 02 loại chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân cung cấp thông tin để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm là NHNN Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua việc thuê tổ chức khác (Điều 13); Nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba (Điều 14): Tên gọi của 2 Điều này còn trùng lặp ( đều là xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua một bên khác) tạo nên không rõ ràng, khó phân biệt. Do đó, đề xuất cần quy định rõ thế nào là “ tổ chức khác”, thế nào là “ bên thứ ba”, đồng thời, rà soát các quy định chi tiết để đảm bảo tính chặt chẽ và lôgic của từng điều; Điều 14, cân nhắc bổ sung hướng dẫn yêu cầu kiểm soát rủi ro đối với bên thứ ba khi thực hiện nhận biết, xác minh, cập nhật thông tin qua bên thứ ba. 
 
Cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị (Điều 17): Dự thảo Luật nêu rằng: “Cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế”. Tuy nhiên, hiểu thế nào là “giữ chức vụ cấp cao” thì chưa được quy định rõ. Điều đó sẽ gây khó khăn cho các đối tượng báo cáo khi xác định cấp nào là cấp cao, cũng như sẽ tạo ra sự không thống nhất khi thực hiện giữa các đối tượng báo cáo. Bên cạnh đó, việc thiết kế quy định này cần cân nhắc kỹ ( quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế).
 
Về trách nhiệm báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin và xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (mục 2 Chương II) đại biểu lưu ý: Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến trách nhiệm này là đặc biệt quan trọng nên cần được thiết kế cho thật sự hài hòa, vừa đảm bảo mục đích, vừa giảm thiểu gánh nặng tuân thủ ( bao gồm chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính) cho các đối tượng báo cáo.
 
Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Điều 24): Cần cân nhắc quy định trách nhiệm ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng đối với các tổ chức phi tài chính ( các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các văn phòng luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, các doanh nghiệp cung cấp dịch khác, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ), vì việc soạn thảo các quy định nội bộ dựa trên nền chung là Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ có khó khăn. Dự thảo Luật cần nghiên cứu, có quy định việc ban hành Quy định nội bộ (mẫu) về phòng, chống rửa tiền làm cơ sở tham khảo hữu ích cho các tổ chức phi tài chính liên quan khi xây dựng, ban hành Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của tổ chức mình.
 
Báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo (Điều 25): Theo Luật Phòng, chống rửa tiền, phạm vi các loại giao dịch phải báo cáo rất rộng nên các TCTD gặp khó trong việc xác định các loại giao dịch phải báo cáo, thu thập đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Vì vậy, cần quy định rõ ràng phạm vi của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, không đưa các giao dịch liên quan đến giải ngân cho khách hàng vào diện giao dịch có giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch đáng ngờ phải báo cáo, do trước khi giải ngân cho khách hàng, các TCTD đã thẩm định kỹ các nội dung về mục đích sử dụng vốn, điều kiện vay vốn, năng lực tài chính, tính pháp lý và lịch sử tín dụng của khách hàng,… nên nguồn tiền của các giao dịch này từ các TCTD là nguồn tiền hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. 
 
Báo cáo giao dịch đáng ngờ (Điều 26) và các Điều 27 đến Điều 35: Quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng sẽ gây khó cho các đối tượng báo cáo trong việc xác định dấu hiệu đáng ngờ, ví dụ dấu hiệu: “ Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (khoản 2 Điều 27); “ tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường” (khoản 3 Điều 28); “ Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn” (khoản 8 Điều 28), “ Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch” (khoản 12 Điều 28); … 
 
Thời hạn báo cáo (Khoản 2 Điều 37): Đề nghị xem xét lại yêu cầu “Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch hoặc 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện giao dịch đáng ngờ” là tương đối ngắn, các TCTD sẽ gặp khó trong việc đảm bảo tuân thủ thời gian báo cáo, vì giao dịch đáng ngờ nhiều trường hợp sẽ bao gồm những chuỗi giao dịch, liên quan đến nhiều khách hàng, nhiều bên liên quan đến giao dịch khác nhau dẫn đến quá trình thu thập thông tin nhằm đánh giá, báo cáo giao dịch đáng ngờ là rất phức tạp, cần rất nhiều thời gian; đồng thời, theo khoản 3 Điều 36 dự thảo Luật, TCTD phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản, với tài khoản mở từ lâu thì việc lấy hồ sơ trong kho lưu trữ rất mất thời gian. Để thời hạn báo cáo phù hợp với mục tiêu báo cáo và thông lệ khu vực, các TCTD có đủ thời gian phân tích, đánh giá các dấu hiệu đáng ngờ, qua đó nâng cao chất lượng báo cáo, đề nghị điều chỉnh thời hạn báo cáo từ 03 ngày đến 05 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh hoặc phát hiện giao dịch đáng ngờ.
 
Lưu trữ hồ sơ, thông tin, báo cáo (Điều 38): Cần quy định rõ hình thức lưu trữ ( bản giấy, bản điện tử) theo từng trường hợp cụ thể. Hiện nay, một số đối tượng báo cáo đã sử dụng nhận biết khách hàng qua phương thức trực tuyến và thực hiện giao dịch trực tuyến nên nếu lưu bản giấy thì các doanh nghiệp phải chuyển đổi các tài liệu ra giấy để lưu trữ, gây tốn kém chi phí lưu trữ hồ sơ, mất nhiều thời gian trong việc truy xuất thông tin và đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình số hóa quy trình hoạt động của đối tượng báo cáo là doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quy định về loại hồ sơ, thông tin, báo cáo và thời hạn lưu trữ phù hợp với pháp luật lưu trữ. 
 
Về thu thập, xử lý, phân tích và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền (Mục 3 Chương II): Thông tin liên quan giao dịch đáng ngờ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền/cơ quan có thẩm quyền nước ngoài là thông tin mật (Khoản 1 Điều 42 và Khoản 3 Điều 43): Cần lưu ý, thông tin được NHNN cung cấp không chỉ giới hạn ở các báo cáo giao dịch đáng ngờ mà còn ở các báo cáo khác ( điển hình là các báo cáo phòng, chống rửa tiền hàng ngày) hoặc thông tin khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật không có quy định về thông tin giao dịch đáng ngờ do các đối tượng báo cáo báo cáo cho NHNN Việt Nam có được xem là thông tin mật hay không?
 
Trao đổi, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (Điều 43): Khoản 3 Điều này đang quy định: “ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển giao thông tin cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của Luật này”. Đề nghị quy định rõ các hình thức, phương thức, tài liệu được phép chuyển giao với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
 
Tham gia góp ý Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý:
 
ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn tham gia góp ý cho Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn tham gia góp ý cho Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội
 
“Sau khi đọc dự thảo Nghị quyết, thẩm tra của UBPL của Quốc hội và tờ trình của UBTVQH về Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), tôi cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung do đại biểu Quốc hội góp ý. Để hoàn thiện NQ tôi xin góp ý một số ý kiến cụ thể như sau:  Về Chương trình kỳ họp Quốc hội và tài liệu phục vụ kỳ họp. Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường. Nhưng tài liệu các dự án luật, các nghị quyết được gửi rất chậm so với quy định chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, hồ sơ dự án, dự thảo trình Quốc hội phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội. Đề nghị Quốc hội dứt khoát không đưa vào chương trình kỳ họp đối với các dự án luật, Nghị quyết không gửi đúng hạn nhằm nâng cao chất lượng làm luật của Quốc hội.
 
Về trình tự bầu các chức danh: Việc bầu các chức danh lãnh đạo Quốc hội, nhà nước, chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước là việc làm rất quan trọng nhưng đề nghị UBTVQH nghiên cứu, xem xét cách làm khoa học, hiệu quả hơn để dành thời gian cho các việc quan trọng khác (giám sát, xây dựng luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội ...)
 
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo quy trình, thủ tục quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Kiến nghị thực hiện theo hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm.Quán triệt nghiêm việc đăng ký tranh luận nhưng lại dùng để phát biểu”.
 
ĐBQH K’ Nhiễu góp ý Luật Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
ĐBQH K’ Nhiễu góp ý Luật Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
 
Buổi sáng cùng ngày, ĐBQH K’Nhiễu tham gia góp ý nhiều nội dung về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 
 
NGUYỆT THU