35 năm kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng: Vùng đất yêu thương

08:10, 06/10/2011

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội từng đưa dân lên các vùng cao phía Bắc, nhưng thành công rất nhỏ. Sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội và Lâm Đồng đã có những cuộc gặp trao đổi và đi đến thống nhất đưa một bộ phận dân cư thủ đô lên lập nghiệp ở cao nguyên Lâm Viên.

CUỘC DI DÂN LỚN NHẤT CỦA HÀ NỘI

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội từng đưa dân lên các vùng cao phía Bắc, nhưng thành công rất nhỏ. Sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội và Lâm Đồng đã có những cuộc gặp trao đổi và đi đến thống nhất đưa một bộ phận dân cư thủ đô lên lập nghiệp ở cao nguyên Lâm Viên.

Những đường cày đầu tiên.
Những đường cày đầu tiên.
Những đợt đi tiền trạm trong năm 1976 đã mở ra một trang sử mới của Hà Nội. Con đường nhỏ từ N’Thol Hạ vào vùng đất Nam Ban đã được khai thông. Lực lượng thanh niên xung phong do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đã có mặt ở nơi rừng núi hiểm trở này. Sau đó là hàng ngàn gia đình ở các quận huyện Hà Nội như: Ba Đình, Hai Bà, Đống Đa, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm… đã lên đường. Các cuộc di dân được chia làm nhiều đợt. Có gia đình đi hai ba người, có hộ đi nguyên cả hộ và có cả dòng tộc, làng xã đi nguyên cả làng, cả tộc họ. Một số gia đình ngụ cư cũng theo đoàn quân di dân vào Lâm Đồng.

Với sự giúp đỡ của chính quyền và chế độ trợ cấp ban đầu đã góp phần làm cho cuộc sống bà con ổn định. Nhưng nỗi ám ảnh về lực lượng Fulro vẫn làm cho bà con lo lắng. Cuộc sống mới cũng không dễ gì làm cho mọi người thực sự an tâm. Rải rác đã có một số gia đình bỏ về thủ đô, tuy không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung của bà con lúc bấy giờ. Con đường độc đạo lên Đà Lạt là qua Đức Trọng, chứ chưa có con đường liên tỉnh, liên huyện như bây giờ. Phương tiện đi lại thật hiếm hoi. Bà con chỉ trông cậy vào một chuyến xe ô tô nhỏ nối với Tùng Nghĩa, Đà Lạt do Xí nghiệp vận tải máy kéo của vùng đảm trách. Mỗi chuyến đi như vậy xe nêm chặt người. Thậm chí còn có nhiều người ngồi trên nóc xe. Bụi đỏ cuồn cuộn lên từng đợt. Ám ảnh bụi đỏ này mãi đến năm 1996 vẫn còn lưu lại.

Người Hà Nội đã từng có mặt ở Lâm Đồng – Đà Lạt rất sớm. Ngay từ thời Hoàng Trọng Phu đã có nhiều gia đình trồng rau hoa ở Hà Đông đã lên đây. Nhưng có lẽ, đây là cuộc di dân lớn nhất Hà Nội từ xưa đến nay. Điều đáng nói là bà con đã thật sự yên tâm bám trụ lâu dài và làm ăn mỗi ngày thêm khấm khá.

Thành công lớn của Hà Nội trong việc di dân đã được khẳng định: Vùng kinh tế mới Lâm Đồng là một mô hình cần nhân rộng..

NAPOLÉON VIỆT NAM ĐÃ ĐẾN ĐÂY RỒI À?

Cuối năm 1982 tôi rời cơ quan Báo Lâm Đồng đưa vợ con về lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Đó là những năm tháng thử thách đối với tôi. Nhưng những gì có được hôm nay tôi đều thầm ơn mảnh đất này; thầm ơn những con người Hà Nội trên quê mới..

Có mặt ở mảnh đất Nam Ban, tôi làm công tác ở Đài truyền thanh của vùng. Hằng ngày đi xuống cơ sở lấy tin, viết bài, rồi biên tập và kiêm luôn phát thanh viên của đài. Mỗi sáng sớm tiếng loa phát thanh vang lên, cả vùng thức dậy đi làm. Chúng tôi đưa hơn 1500 chiếc loa loại 15W của Liên Xô vào tận các gia đình. Ở các cột điện đường, cây cổ thụ các thôn xóm chúng tôi mắc thêm 2 đến 3 cái loa lớn. Và hằng ngày bà con lại được nghe tin tức trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đặc biệt là tin tức của đài truyền thanh vùng lại rất thu hút bà con. Bởi vì tin tức rất sát sườn với nhân dân, lại có thêm thông tin về chiếu phim, thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền trong vùng càng làm cho mọi người thêm tin yêu.

Tôi không thể nào quên những tối thứ bảy hằng tuần, bà con lại tụ tập dưới cột điện có gắn loa để bà con nghe câu chuyện cảnh giác, hay những lúc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền thanh trực tiếp các trận bóng đá Việt Nam. Đó thật sự là những cuộc vui không thể nào quên. Là vùng đất mới, lại của người Hà Nội nên nhiều phóng viên báo chí trong và ngoài nước tìm đến khai thác, viết bài.

Một lần có các nhà báo nước ngoài vào thăm vùng đã được các lãnh đạo cho xem phòng truyền thống, xem sổ vàng ghi chép cảm tưởng của các vị khách quý. Một nhà báo nước ngoài tình cờ cầm một bức ảnh chụp năm 1977 và reo lên: Napoléon Việt Nam đã đến đây rồi à?

Các vị lãnh đạo vùng nhìn sang, hoá ra là bức ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung với một số cán bộ giáo viên ở trước trụ sở của Ban xây dựng vùng Kinh tế mới Hà Nội và ảnh của đại tướng trước bản đồ quy hoạch của vùng.

Năm 1977, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại đây. Việc chọn vùng đất Nam Ban Lâm Đồng để xây dựng vùng kinh tế mới của Hà Nội còn là tầm nhìn chiến lược lâu dài của Trung ương trong những năm mà ở cả hai vùng biên giới phía Bắc và Tây Nam đang bị kẻ thù xâm lược.

LỚP TRẺ THỦ ĐÔ TÌNH NGUYỆN ĐÃ SẴN SÀNG

Sau chuyến đi tiền trạm năm 1976, là hàng trăm giáo viên đã tình nguyện lên vùng kinh tế mới dạy học. Phần lớn là các giáo sinh vừa tốt nghiệp ra trường. Nhiều thầy giáo, cô giáo trẻ đã tình nguyện ở lại lập nghiệp và xây dựng gia đình ổn định lâu dài ở vùng kinh tế mới. Những vùng sâu, vùng xa như Hai Bà, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Mê Linh, Tân Hà, Lán Tranh… lúc đó đã có trường và có thầy cô giáo đứng lớp. Những ngôi trường như hội trường thôn ngày nào bây giờ đã khang trang. Một bộ phận thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ đã trở về thủ đô và tiếp tục mang cái chữ cho con em Hà Nội nơi quê nhà. Và hằng năm, Hà Nội lại tăng cường thêm các giáo sinh mới ra trường lên quê mới. Bên cạnh đó còn có nhiều thầy cô giáo vừa tốt nghiệp ở các trường trung học, cao đẳng sư phạm , đại học ở Đà Lạt cũng về tăng cường. Nhiều người ở lại bây giở đã trở thành những cán bộ chủ chốt phụ trách các trường, phòng giáo dục của huyện cũng như được điều động sang làm lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể trong huyện. 

Một lực lượng đáng kể là thanh niên xung phong cũng sớm có mặt. Ngoài anh em tiền trạm, lãnh đạo vùng còn xây dựng một Tổng đội thanh niên xung phong đặt “ bản doanh” tại dốc Đống Đa. Phía trên là những ngôi nhà thưng gỗ dài. Phía dưới là một ao cá rộng lớn. Đây còn là nguồn thức ăn bất tận cho các đội viên.Những công trình thanh niên đã ra đời và có sự tham gia đông đảo của các đoàn viên thanh niên trong toàn vùng, như việc khởi công xây dựng cầu Tân Văn, đập thuỷ lợi Cam Ly Thượng…

Phong trào văn hoá văn nghệ thể dục thể thao phát triển mạnh, kể cả những lúc vùng kinh tế mới vừa mới được hình thành.

NHỮNG TRÁI TIM HOÀ CÙNG NHỊP ĐẬP

Do làm công tác báo chí ở đài truyền thanh vùng, nên tôi thường được lãnh  đạo giao nhiệm vụ đưa đón các nhà báo, văn nghệ sĩ đến thăm các điển hình tiên tiến trong vùng.
 
Tôi nhớ vào đêm giao thừa năm Nhâm Tuất (1982), nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc đó là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã đưa một đoàn văn nghệ sĩ, nhà báo vào thăm vùng. Ông xuống thăm đài truyền thanh chúng tôi và đọc thư chúc tết của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gửi cán bộ, đồng bào vùng kinh tế mới Hà Nội. Tôi trực tiếp thu âm lời chúc tết của nhạc sĩ Trần Hoàn vào băng cối của đài để đúng giao thừa, sau chúc tết của Chủ tịch Nước thì phát sóng. Sáng hôm sau ở hội trường nhà văn hoá, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Bằng Việt..và các ca sĩ đã có một cuộc gặp gỡ với cán bộ, đồng bào trong vùng nhân dịp năm mới Quý Hợi.

Cố nhà thơ Tố Hữu - Phó Chủ tịch HĐBT thăm đập Cam Ly Thượng.jpg
Cố nhà thơ Tố Hữu - Phó Chủ tịch HĐBT thăm đập Cam Ly Thượng.jpg
Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng có lẽ là vùng đất duy nhất trong cả nước vinh dự được đón rất nhiều vị lãnh đạo Trung ương vào thăm, động viên và chỉ đạo. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã có 4 lần đến thăm vùng và dặn dò cặn kẽ với cán bộ, đồng bào của vùng. Tổng Bí thư Trường Chinh; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhà thơ Tố Hữu; đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban  ngành Trung ương, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Hà Nội đều có mặt. Đặc biệt là hằng năm có các đoàn văn công, đoàn chèo, cải lương, kịch nói, các văn nghệ sĩ vào thăm và biểu diễn văn nghệ…

Vùng đất yêu thương này đã từng đón các nhà thơ Quang Dũng, Lưu Trọng Lư…Đặc biệt nhà thơ Quang Dũng tác giả bài thơ nổi tiếng Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây đã ở lại nhiều năm vì có con gái là cô giáo Bùi Phương Hạ đang dạy học ở đây.

Rất nhiều ca khúc hay viết về vùng kinh tế mới Hà Nội đã được ra đời và sống mãi với thời gian, như: Hà Nội ở Lâm Đồng, Nam Ban thị trấn tôi yêu , Nghe hát dân ca ở Lâm Đổng, Nắng Lâm Đồng…

Và cũng chính trên mảnh đất này đã xuất hiện nhiều tác giả đã trở thành hội viên Hội văn học nghệ thuật của tỉnh như: Phú Đại Tiềm, Nguyễn Tấn Hùng, Kiều Công Luận, Hà Đức Ái, Minh Huệ, Phan Hữu Giản, Nguyễn Gia Tình, Nguyễn Tám, K’ Minh Tuấn…Họ có những đóng góp nhất định cho phong trào văn nghệ ở địa phương. Một số câu lạc bộ thơ cũng được ra đời, góp phần làm nên chi hội văn học nghệ thuật huyện Lâm Hà.

Vùng đất này còn đón nhận nhiều tình cảm chân tình của nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ khắp mọi miền đất nước đã có bài viết, nhiều chuyến đi thực tế nơi đây và có những tác phẩm ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Gia Nùng, Lê Đình Cánh, Vân Long, Lữ Giang, Gia Dũng, nhà báo Nguyễn Trọng Chức, Trần Chiến, nhà văn Nguyễn Quang Hà…  

VÙNG ĐẤT ÂN NGHĨA

Với cộng đồng dân cư Hà Nội lên lập nghiệp nơi đây bây giờ đã có cuộc sống phát triển rất tốt. Nhiều người đã ăn nên làm ra, có nhà lầu, xe hơi, có con cái theo học các trường đại học trở thành các kỹ sư, thầy cô giáo, bác sĩ, cán bộ chiến sĩ công an quân đội…Nhiều gia đình có vườn tược trang trại vài chục hécta cà phê, dâu tằm và hằng năm thu lợi tiền tỷ. Có người một thời liều mạng dám buôn mấy tấn heo ra đến cửa rừng bị bắt, bị bỏ tù, rồi ra tù tiếp tục làm ăn đã trở thành đại gia. Có người từng vào tù ra tội, thậm chí lãnh án chung thân nhưng lao động cải tạo tốt trở về địa phương đã trở thành những người làm ăn lương thiện. Nhiều người chịu thương, chịu khó, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn dần dà ổn định cuộc sống. Nhiều người tự mày mò tìm cho mình một lối đi riêng, như có người mua con chồn về nuôi cho ăn hạt cà phê để sản xuất…cà phê chồn. Có người thì nuôi dế..bán cho nhà hàng đặc sản; có người thì đưa cây gió trầm về sản xuất và nhân ra hàng chục hécta. Có người mạnh dạn bỏ tiền ra tận thủ đô học lấy cái nghề truyền thống dệt lụa tơ tằm để sản xuất kinh doanh hằng năm thu về  một vài tỷ đồng. Có người thì tậu xe ô tô chở khách vào ra Hà Nội cho nhân dân trong vùng đi lại bớt vất vả. Có người về thăm quê bây giờ không còn đi lại bằng tàu lửa, hay xe khách mà leo lên máy bay vù một cái ra Thủ đô.

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm vùng KTM Hà Nội năm 1977
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm vùng KTM Hà Nội năm 1977
Mảnh đất này đã nuôi sống biết bao người. Những ai chịu khó lăn lộn, lao động tích cực và có một tầm nhìn tốt thì đất chẳng phụ người. Một vùng quê mới đã sinh sôi nẩy nở. Những tên đất tên làng ngày nào vẫn còn đây như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì,  Mê Linh ..như nhắc nhở mọi người càng phải sống tốt, sống xứng đáng với Hà Nội ngàn năm thanh lịch.

Vùng đất này đã thu hút nhiều du khách khắp nơi về tham quan du lịch vì có Thác Voi hùng vĩ, có thác Bảy tầng ở Đông Thanh hoang dã; có đập Cam Ly Thượng quanh năm nước đổ reo vui; có chùa Linh Ẩn, nhà thờ Nam Ban uy nghiêm và có những gia đình làm nghề vẫn còn duy trì được nếp sinh hoạt cũ.

Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã tròn 35 năm, đã thành huyện mới, nhưng trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây kinh tế mới Hà Nội mãi mãi vẫn là vùng đất ân nghĩa.
                                                                                       
Trần Ngọc Trác