Đà Lạt ngập, lũ…vì đâu?

11:06, 04/06/2015

(LĐ online) - Mưa lớn gây ngập nhà, lũ quét gây chết người, thiệt hại kinh tế… những chuyện tưởng như chỉ xảy ra ở vùng đồng bằng thì thời gian gần đây lại trở nên "bình thường" tại phố núi trên cao - Đà Lạt. Trước câu chuyện "tưởng lạ nhưng không lạ" này, hàng loạt lý giải đã được đưa ra cùng nhiều vấn đề mà Đà Lạt cần nhìn lại…

(LĐ online) - Mưa lớn gây ngập nhà, lũ quét gây chết người, thiệt hại kinh tế… những chuyện tưởng như chỉ xảy ra ở vùng đồng bằng thì thời gian gần đây lại trở nên “bình thường” tại phố núi trên cao - Đà Lạt. Trước câu chuyện “tưởng lạ nhưng không lạ” này, hàng loạt lý giải đã được đưa ra cùng nhiều vấn đề mà Đà Lạt cần nhìn lại…
 
Không thể xem thường
 
Trong hàng chục năm qua, chưa có năm nào Đà Lạt lại gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra như năm nay. Trong vòng hơn một tháng qua, những trận mưa đầu mùa đã liên tiếp gây ra tình trạng ngập lụt, lũ quét chớp nhoáng cướp đi 3 sinh mạng, hàng trăm nhà dân chìm trong nước, rau hoa của người dân cũng thiệt hại nặng nề. Khi mưa lũ vừa xảy ra người ta nghĩ ngay đến lý do khách quan “do mưa to quá, do thời tiết khắc nghiệt quá, biến đổi khí hậu…?”. Nhưng rồi, lũ qua người ta lại bàng hoàng nhìn lại, đặt câu hỏi “Lũ trên phố núi? Do đâu, có khải điều khác thường?”.
 
Cảnh nhiều nhà dân Tp. Đà Lạt ngập trong nước
Cảnh nhiều nhà dân Tp. Đà Lạt ngập trong nước

Liên quan đến vấn đề nhà kính trong quy hoạch Đà Lạt, vào năm 2012, khi Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, kiến trúc sư Thiery Huau - Giám đốc Công ty Interscène và Trưởng nhóm các nhà nghiên cứu, chuyên gia Pháp đã cảnh báo nguy cơ lũ lụt, xói mòn do hoạt động sản xuất trong nhà kính của Đà Lạt gây ra. Kiến trúc sư người Pháp này đã đưa ra hàng loạt phân tích chứng minh rằng “Về lâu dài, nhà kính sẽ tàn phá sinh thái, khí hậu Đà Lạt, gây ra nhiều hệ lụy khó lường”. Ông cũng chỉ ra rằng: “Vấn đề quy hoạch Đà Lạt trong tương lai không thể không tính đến bài toán quy hoạch vùng Nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống nhà kính, để không chỉ phát triển ngành kinh tế thế mạnh của địa phương mà còn phải đảm bảo sự phát triển toàn diện của Đà Lạt trong tương lai, trong đó yếu tố môi trường, khí hậu là rất quan trọng”.
Từ đầu tháng 5 đến nay, sau mỗi cơn mưa to, những khu dân cư dọc hai bên suối Cam Ly (dài 60km, chạy xuyên suốt trong lòng thành phố) khiến các vùng rau Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh, Vạn Kiếp, khu dân cư Nam Thiên và hàng trăm nhà dân đều bị chìm trong nước. Riêng trận mưa chiều ngày 29/4, tuy kéo dài chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng các khu vực trũng thấp của Đà Lạt đã bị nhấn chìm trong nước sâu tới 3 mét. Tại các con suối thoát nước trong nội ô Đà Lạt nước dâng cao, xảy ra lũ quét, chị Nguyễn Thị Duyên Anh (37 tuổi, ngụ tại đường Phan Đình Phùng, phường 2) và anh Đỗ Mạnh Cường (23 tuổi, đường Hà Huy Tập, phường 3, TP Đà Lạt) bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong. Chiều ngày 31/5, trong lúc cùng bà con giáo dân dọn dẹp rác trên cầu Ngô Văn Sở, phường 9, TP Đà Lạt, nước lũ bất ngờ tràn về, cuốn trôi cha xứ giáo xứ Chi Lăng là Trần Văn Định.
 
Trong khi hàng trăm gia đình sinh sống tại những khu vực trũng thấp chưa hết bàng hoàng vì trận mưa lớn chiều ngày 31/5 thì vào chiều ngày 1/6 tại Đà Lạt tiếp tục xảy ra lũ quét cục bộ. Nghiêm trọng nhất là khu vực gần thác Cam Ly, nước dâng nhấn chìm hàng trăm căn nhà sâu tới hơn 2m. Nếu thiếu may mắn thì có thể cả ba mẹ con chị Đặng Thị Thanh Hằng (số 30/1, đường Hoàng Văn Thụ) đã bị nước lũ cuốn trôi. Đó là còn chưa kể mưa lớn cũng đã làm nhiều héc ta hoa màu, nhà kính, nhà lưới và nhà dân bị ngập lụt, hư hỏng, thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng. 
 
Hậu quả nặng nề, không thể xem thường của mưa lũ trong thời gian qua, càng làm câu hỏi “Vì sao Đà Lạt bị ngập, lũ” trở nên nhức nhối? Bởi, không có gì đảm bảo nó sẽ không tiếp tục xảy ra.
 
Cần một “đường thoát”
 
Lũ gây chết người, thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân không thể đổ lỗi cho địa hình Đà Lạt đồi núi, bởi hàng chục năm qua Đà Lạt không xảy ra tình trạng này. Rất nhiều lý giải đã được đưa ra cho câu hỏi “Vì sao Đà Lạt lại ngập, lũ khi mưa lớn?”.
 
Theo thống kê của Sở NN và PTNT Lâm Đồng: Với 52,5%, so với 10 năm trước, tỉnh Lâm Đồng đã giảm khoảng 8% về độ che phủ của rừng. Riêng thành phố Đà Lạt có độ che phủ rừng đạt chỉ còn khoảng 47,6% nên khả năng giữ nước, phòng ngừa lũ lụt là rất hạn chế. 
 
Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống thoát nước đã không theo kịp sự phát triển của đô thị. Theo Xí nghiệp Quản lý nước thải - Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, mỗi ngày, Đà Lạt có khoảng 5.000m 3 nước thải sinh hoạt cần được đưa về nhà máy này xử lý. Tuy nhiên, nhà máy mới thu gom và xử lý được nước thải của khu vực trung tâm gồm phường 1, phường 2 cùng một số khu vực của phường 5, phường 6 và phường 8. 
 
Kiến trúc sư Thiery Huau - Giám đốc Công ty Interscène và Trưởng nhóm các nhà nghiên cứu, chuyên gia Pháp đã cảnh báo nguy cơ lũ lụt, xói mòn do hoạt động sản xuất trong nhà kính của Đà Lạt gây ra. Ảnh: V.Báu
Kiến trúc sư Thiery Huau - Giám đốc Công ty Interscène và Trưởng nhóm các nhà nghiên cứu, chuyên gia Pháp đã cảnh báo nguy cơ lũ lụt, xói mòn do hoạt động sản xuất trong nhà kính của Đà Lạt gây ra. Ảnh: V.Báu

Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn - Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Đà Lạt cho rằng: Có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như thời gian gần đây. Đầu tiên là do cường độ mưa xảy ra vừa qua quá lớn chính là do biến đổi khí hậu khiến mưa có cường độ dữ dội và gián đoạn; Thứ hai là sự bồi lắng của các hồ chứa trong thành phố (hồ Chiến Thắng, hồ Xuân Hương...) theo dòng chảy, quá trình khai thác khoáng sản, rửa trôi đất canh tác… dẫn đến sức chứa nước của các hồ bị giảm đáng kể.
 
TS. Lâm Ngọc Tuấn - Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Đà Lạt cũng chỉ ra rằng: “Hệ thống nhà lưới, nhà kính là một hình thức canh tác nhiều ưu điểm và có lợi cho môi trường (giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất rau sạch…) tuy nhiên nó cũng tồn tại hạn chế. Trước thực tế của diện tích nhà kính của thành phố, thì cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, khoa học, cần tìm giải pháp khắc phục nhược điểm này, phát triển cấu trúc nhà kính mới có khả năng giúp thoát nước, chứng minh hiệu quả để người dân làm theo”.
Nguyên nhân lớn nữa chính là do khả năng thấm của mặt đất thấp. Trong đó, lại có 3 lý do “Sự phát triển ồ ạt của phương thức canh tác nhà lưới, nhà kính (hiện nay đã chiếm trên 1/5 tổng diện tích canh tác). Về lý thuyết, hệ số thấm nước những vùng đất có nhà kính được coi bằng không. Khi mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilông rồi đổ ào ào ra suối, nước không có thấm vô đất giọt nào hết. Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn dẫn đến việc nước dâng cao đột ngột, tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Tiếp đó do sự phát triển hạ tầng đô thị khiến diện tích đất bị thu hẹp, bê tông hóa nên nước không kịp thấm; Sau nữa là diện tích rừng bị thu hẹp cũng là lý do, không chỉ là diện tích rừng ở Đà Lạt mà tính bình diện toàn bộ lưu vực suối Cam Ly”- TS. Lâm Ngọc Tuấn phân tích.
 
TS. Tuấn cũng nhấn mạnh “Về lâu về dài, hệ quả của những nguyên nhân này rất nghiêm trọng, đó là suy kiệt mạch nước ngầm do thay đổi của dòng chảy bề mặt. Mùa khô sẽ trở nên cạn kiệt vì mạch nước ngầm ít, mùa mưa thì nước tràn bề mặt gây mưa lũ, ngập úng. Rất nguy hiểm”.
 
Cùng quan điểm với TS. Lâm Ngọc Tuấn, Nhà Đà Lạt học- Nguyễn Hữu Tranh cũng cho rằng có thể do việc đô thị hóa quá nhanh, cùng với đó là nhà kính mọc lên quá nhiều khiến diện tích đất để thẩm thấu nước mưa ít lại, nước mưa tạo thành dòng chảy lớn: “Bây giờ chỗ nào cũng nhà cửa, rồi nhà kính, nhà lưới, mưa lớn nước tập trung quá nhanh nên tạo thành lũ ống, lũ quét và không có chỗ trữ nên có bao nhiêu nước thì đổ ra suối bấy nhiêu, thoát không kịp thì gây ngập”.
 
Không chỉ là cho các yếu tố khách quan, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Con người cũng làm ảnh hưởng đến môi trường không nhỏ. Nông dân không chịu thu gom rác thải nông nghiệp, rác sinh hoạt cũng bị thải ra môi trường bừa bãi, không khơi thông dòng chảy, đến khi mưa xuống với cường độ cao trong một thời điểm, rác ứ đọng nhưng không thoát kịp thì dễ ngập lụt”. 
 
Theo thống kê, nếu như năm 2011, diện tích nhà kính tại Đà Lạt là 1.200ha thì hiện nay đã tăng lên trên 2.100ha.
 
Nhiều người dân tại khu vực hồ Mê Linh và Chi Lăng cũng trao đổi với PV, cứ mưa lớn là rác thải trôi về quá nhiều trong khi đó đường mương thoát nước lại quá nhỏ, nhiều đoạn bị “thắt nút như cổ chai” nên nước thoát không kịp, dẫn đến ngập lụt.
 
Trước những lý giải của các nhà khoa học, người dân, nhà quản lý… thì vấn đề cần đặt ra lâu dài cho Đà Lạt đó là “đường thoát”. Không chỉ là cần chấn chỉnh lại các hệ thống thoát nước, xử lý rác thải nông nghiệp, thay đổi ý thức người dân trong bảo vệ môi trường sống, tăng cường bảo vệ rừng… mà lâu dài hơn cần tính đến “đường thoát” cho quy hoạch Đà Lạt trong tương lai, để thành phố thực sự phát triển bền vững trong “dòng chảy” của chính mình.
 
Diễm Thương