Thiệt hại "kép" từ khô hạn - lốc xoáy

08:04, 26/04/2016

Kết quả kiểm tra tình hình hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp đã xác định diện tích xảy ra hạn hán vào cuối tháng 4/2016 với tổng diện tích khoảng 40.300ha, chiếm 13,43% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, tình hình khí hậu, thủy văn từ đầu năm đến nay không thuận lợi cho sản xuất và đời sống. Nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm khiến mực nước tại các hồ chứa đang xuống thấp nhanh chóng, một số hồ chứa nhỏ, nguồn sinh thủy kém bị cạn vào cuối tháng 3/2016 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. 
 
Một hồ chứa nước ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng khô đáy do nắng hạn - Ảnh: VĂN BÁU
Một hồ chứa nước ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng khô đáy do nắng hạn - Ảnh: VĂN BÁU
“Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng cho biết, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, mặc dù trong tháng 4/2016, Lâm Đồng đã có mưa nhiều nơi, từ mưa vừa tới mưa to, giảm nhiệt đáng kể cho các vùng khô hạn, song tình trạng hạn hán vẫn diễn ra cục bộ tại một số địa phương. Sau thời gian ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino sẽ là hiện tượng El Nina, Lâm Đồng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết khó dự báo như mưa đá, lũ lụt trong thời gian tới, đặc biệt vào cuối năm 2016.
Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có khoảng 300.000ha đất canh tác nông nghiệp, bao gồm cây công nghiệp và rau, hoa. Kết quả kiểm tra tình hình hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp đã xác định diện tích có thể xảy ra hạn hán vào cuối tháng 4/2016 với tổng diện tích khoảng 40.300ha, chiếm 13,43% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán là 2.440ha, hạn nặng nhất là huyện Đạ Tẻh 1.440ha và huyện Cát Tiên là 890ha. Bên cạnh đó, rau hoa bị ảnh hưởng là 1.557ha, nặng nhất là huyện Đơn Dương 682ha và thành phố Đà Lạt là 520ha; cây công nghiệp chịu ảnh hưởng là 36.301ha, bao gồm huyện Di Linh là 10.880ha và Bảo Lâm 9.634ha. Hiện nay đã xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ tại một số địa phương như Đam Rông, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh... với diện tích gần 1.000ha; nguy cơ cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5) trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Hạn hán không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu tới nước sinh hoạt của dân cư. Hiện nay, mực nước ngầm và nước mặt tại các sông, suối đang xuống thấp, nên nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt nông thôn như giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại nhiều địa phương với số hộ thiếu nước là 1.086 hộ, dự báo thời gian tới có khoảng 6.690 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt, do các hệ thống nước tự chảy không còn nguồn cung cấp.
 
Một vườn chè của người dân xã Đại Lào khô cháy vì hạn hán - Ảnh: KHÁNH PHÚC
Một vườn chè của người dân xã Đại Lào khô cháy vì hạn hán - Ảnh: KHÁNH PHÚC

Chiều ngày 18/4/2016, trên địa bàn các huyện Đam Rông, Cát Tiên đã xảy ra mưa kèm gió xoáy và sét gây thiệt hại nhà cửa và hoa màu của nhân dân, tuy không thiệt hại về con người nhưng làm 41 căn nhà bị hư hại. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, thời gian tới vẫn là những tháng cao điểm mùa khô (khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài tới tháng 6, khu vực Nam Trung Bộ tới tháng 9 năm 2016), hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán là hết sức cấp bách. Bên cạnh đó, do diễn tiến tiếp theo của tình hình thời tiết, tình trạng mưa đá, giông lốc, lũ lụt cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra, cần có các biện pháp chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời với thiên tai.
 
Diệp Quỳnh