Tình trạng hút thuốc lá thách thức toàn cầu

09:04, 13/04/2018

Hút 1 điếu thuốc lá tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30% - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh tim mạch.

Hút 1 điếu thuốc lá tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30% - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh tim mạch.
 
Lịch sử của thuốc lá: Ban đầu, có thể do người ta nghĩ rằng loại thảo mộc này có công hiệu chữa được loại bệnh nào đó nên mới gọi là thuốc lá. Cây thuốc lá hoang dại được sử dụng từ khi bắt đầu nền văn minh của người da đỏ ở vùng Trung và Nam Mỹ cách đây khoảng 4000 năm. Năm 1492 Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ đồng thời du nhập cây thuốc lá vào châu Âu, sau đó lan sang châu Á và các châu lục khác. Cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ XVIII có ảnh hưởng thúc đẩy sản xuất thuốc lá phát triển và thu được lợi nhuận to lớn. Thuốc lá xâm nhập vào Việt Nam khoảng những năm 1660 qua đường Ai Lao. Kể từ đó đến nay thuốc lá đã gây ra rất nhiều tác hại đến sức khỏe người dân cũng như tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.  
 
Quá trình nghiện thuốc lá: Lúc đầu người ta sử dụng thuốc lá để chữa bệnh nhức đầu. Sau đó phát hiện thuốc lá giúp con người trở lên hưng phấn, sảng khoái tinh thần, chống lại trạng thái mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ. Chất nicotine trong thuốc lá tác động làm tăng tiết các chất dẫn truyền trung gian thần kinh, những chất này làm cho người hút thuốc lá cảm thấy bình tĩnh, tự tin, bớt lo âu và có sức để làm việc nhiều hơn. Chính chất nicotine tác động lên hệ thần kinh trung ương làm cho người ta nghiện. Từ đó thuốc lá được dùng làm nguyên liệu để hút nhằm thỏa mãn cơn nghiện. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chúng ta càng hút nhiều, cơ thể bị kích thích tiết ra các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này bị cạn kiệt, lúc ấy thay vì có cảm giác sảng khoái, người ta lại thấy mệt mỏi hơn, khó tập trung tư tưởng, cáu gắt và suy sụp tinh thần mau chóng, hơn nữa thuốc lá còn gây hàng loạt tác hại cho cơ thể. Tiếc rằng phần lớn những người nghiện thuốc lá lại không ý thức được vấn đề này, khi họ hút thuốc mà không thấy sảng khoái thì lại có khuynh hướng tăng liều, nên càng lúc càng nghiện nặng hơn.       
 
Các nguy cơ gây bệnh của hút thuốc lá: Thành phần, độc tính của thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe và trong số đó có trên 40 chất có tính chất gây ung thư. Vai trò gây bệnh của hút thuốc lá đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu của các tác giả trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh tim mạch. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút thuốc lá, số lượng thuốc lá hút trung bình với đơn vị là bao/năm và thời gian hút. Tuổi bắt đầu hút thuốc lá càng trẻ, số lượng thuốc hút càng lớn, thời gian hút càng dài thì nguy cơ càng cao. Theo thống kê, thế kỷ 20 thế giới có trên 100 triệu người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, ở Việt Nam mỗi năm có trên 40.000 người chết do hút thuốc, con số này lớn gấp nhiều lần số người chết do chiến tranh, dịch bệnh, tai nạn.  
 
Số người nghiện và sử dụng thuốc lá còn rất cao và liên tục tăng theo thời gian: Mặc dù tỷ lệ dân số hút thuốc lá có giảm đi nhưng số người hút thuốc lá toàn cầu vẫn tăng lên do dân số tăng, số người hút thuốc lá ước tính năm 1980 là 721 triệu người, năm 2012 tăng lên 967 triệu người và  năm 2015 có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Sản lượng tiêu thụ thuốc lá điếu tăng đáng kể theo thời gian, số thuốc lá tiêu thụ ước tính 4,96 nghìn tỷ điếu trong năm 1980 tăng lên 6,25 nghìn tỷ điếu trong năm 2012. Việt Nam là nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc lá, sản lượng tiêu thụ thuốc lá điếu của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2000. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tham gia ký phê duyệt công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới - FCTC từ năm 2004. 
 
TS-BS NGUYỄN VĂN LUYỆN