Cát Tiên, phù sa ngày mới

06:08, 11/08/2020

Vùng đất ấy, phù sa Đồng Nai vẫn đỏ au một màu trên nền trầm tích xưa cũ, bên dòng tháp cổ vẫn sừng sững thách thức thời gian...

Vùng đất ấy, phù sa Đồng Nai vẫn đỏ au một màu trên nền trầm tích xưa cũ, bên dòng tháp cổ vẫn sừng sững thách thức thời gian. Viết về nông thôn mới (NTM) Cát Tiên, tôi chọn cách để những con người đã gắn bó, thấu hiểu những mặn ngọt của mảnh đất này chia sẻ về những đổi thay.
 
Trên đồng lúa Cát Tiên
Trên đồng lúa Cát Tiên
 
Đầu năm 2020, Đồng Nai Thượng là một trong hai xã cuối cùng của huyện Cát Tiên được công nhận đạt chuẩn NTM. Tin vui ấy, làm tôi nhớ lại câu chuyện của hơn 8 năm về trước và cũng bởi một lý do, chẳng mấy ai dám tin một trong những xã nghèo nhất, xa nhất, cách trở và cô lập nhất lại trở thành xã đạt chuẩn NTM nhanh đến thế.
 
Đưa lúa nước lên Đồng Nai Thượng là một dự án đầy táo bạo của lãnh đạo huyện Cát Tiên lúc bấy giờ. Ở mảnh đất anh hùng, với những người chưa bao giờ đầu hàng hay run sợ trước bom đạn của kẻ thù, nhưng suốt nhiều năm lại “đầu hàng” trước cây lúa nước. Đã có rất nhiều người trong buôn mang giống về thả xuống những dải đất thấp bên cạnh khe suối, được vài vụ lại bỏ. Lúa được gieo “hồn nhiên”, mọc hoang tràn và mùa vụ thu được cũng tự nhiên như khi nó được thả xuống. Già K’Đố khi ấy là một trong những người đầu tiên trồng lúa nước cười nhớ lại: “Bà con mình quen với lúa đồi, nên không biết cách chăm sóc, bệnh của cây, nhổ cỏ, nên được vài vụ lúa lại mọc như cỏ dại, không ra hạt nên đành bỏ hoang...”.
 
Huyện Cát Tiên đã có kế hoạch khảo sát thực địa, khai hoang, phục hóa, cải tạo để cấp đất cho những hộ không có hoặc thiếu đất sản xuất trồng lúa nước, đưa những cán bộ kỹ thuật lên hướng dẫn trực tiếp và đặc biệt là luân chuyển những cán bộ có chuyên môn về nông nghiệp lên làm lãnh đạo cơ sở, từ đó nỗi “trần ai” về cây lúa nước ở Đồng Nai Thượng mới tìm được lời giải.
 
Lãnh đạo Cát Tiên thời ấy đều là những cư dân thế hệ thứ hai của Cát Tiên, được uống mạch nguồn ngọt ngào của Đồng Nai, được ăn hạt gạo dẻo thơm của vùng lũ, họ cũng là những người dày công đưa “Lúa - Gạo Cát Tiên” trở thành thương hiệu nức tiếng, có lẽ vì thế nỗi niềm với Đồng Nai Thượng nghèo khó cũng luôn là sự trăn trở, day dứt trong họ.
 
Bí thư Huyện ủy Cát Tiên - Ngô Xuân Hiển đã từng chia sẻ một câu nằm lòng: “Đồng lòng, đồng thuận chính là tài sản vô giá cho sự phát triển của Cát Tiên”. Đó có lẽ cũng chính là điều đáng giá nhất để Cát Tiên có sự thay đổi ngoạn mục trong việc xây dựng và thay đổi bộ mặt nông thôn trong những năm vừa qua.
 
Với một huyện thuần nông như Cát Tiên, việc thay đổi đời sống, thu nhập ổn định cho người nông dân luôn là trách nhiệm lẫn cái tâm của người lãnh đạo cơ sở. Cũng không khó hiểu, khi rất nhiều người đứng đầu huyện như Bí thư Ngô Xuân Hiển hay Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Hoàng Phúc đều là những người có sự trưởng thành từ Phòng Nông nghiệp. Bởi họ hiểu giá trị của giọt mồ hôi, của một nắng hai sương, của những nhọc nhằn mà người nông dân phải gánh chịu.
 
Dọc theo những bãi bồi rộng lớn phía tả ngạn dòng Đồng Nai là những ngôi nhà khang trang xen lẫn màu trắng của những ngôi nhà lưới. Đã hơn 5 năm nay, chị Trần Thị Đức và người dân xã Đức Phổ đã không còn phải lo về chuyện cơm áo bởi sự chuyển hướng sang việc trồng rau thương phẩm và lấy hạt giúp cho mỗi gia đình có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
 
Kỹ sư Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cũng là người sinh ra từ xứ lúa, từ những ngày lũ thường xuyên tìm về. Anh nói: “Sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, tôi hiểu hết những vất vả mà cha mẹ đã trải qua. Học nông nghiệp và muốn thay đổi được nông nghiệp của Cát Tiên chính là mơ ước của mình”. Từ những ngày về cơ sở làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã Gia Viễn (nơi anh sinh ra), cùng với Đảng ủy xã và sự ủng hộ của người dân, anh đã góp công xây dựng Gia Viễn đã trở thành một trong những vùng sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ trọng điểm của huyện, góp phần hiệu quả vào quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể “Lúa - Gạo Cát Tiên”… Sẽ rất khó để so sánh về sự phát triển của nông thôn Cát Tiên với những vùng khác, chỉ biết rằng UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản yêu cầu 4 huyện, trong đó có Cát Tiên hoàn thành các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện NTM trong năm 2020. Có nhìn ở góc độ nào đi nữa, thiện chí hay không, xây dựng hay không đó cũng là công sức tột cùng, là nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cát Tiên.
 
TUẤN LINH