Nhiều công trình nước sạch nông thôn xuống cấp nghiêm trọng

06:08, 28/08/2020

Do không có kinh phí duy trì việc bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều công trình nước sạch nông thôn đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí ngưng hoạt động.

Do không có kinh phí duy trì việc bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều công trình nước sạch nông thôn đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí ngưng hoạt động.
 
Công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà
Công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà
 
61 công trình không hoạt động 
 
Ghi nhận thực tế tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả từ nhiều năm nay. Năm 2009, công trình này được xây dựng đảm bảo các tiêu chí hợp vệ sinh để cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân địa phương. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2017, công trình bắt đầu xuống cấp, hoạt động cấp nước không hiệu quả, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Cụ thể về điều này, ông Rơ Ông Ha Li (40 tuổi), người dân thôn Hang Hớt cho biết, hiện nay, vì vắng người trông coi nên nhiều hạng mục công trình đã bị ai đó đập phá, hư hỏng. Ở khu vực sân của công trình, cửa ra vào... đã bị bong tróc, cỏ mọc kín lối đi.  Được biết, những năm trước đây toàn bộ người dân ở thôn Hang Hớt lấy nguồn nước từ công trình để sử dụng, nhưng hiện nay hoạt động cấp nước thường xuyên bị gián đoạn. Về mùa khô, nguồn nước từ suối không đủ để về bồn nên người dân không có nước dùng. Về mùa mưa, nước suối bị vẩn đục, thậm chí đỏ au và hệ thống không thể lắng lọc hết, do đó nước cấp về cho dân không thể dùng nấu ăn được. Bởi vậy, đa phần các gia đình ở khu vực này thường tự ra suối lấy nước, hoặc xin nước giếng khoan để sinh hoạt. “Để có nước sinh hoạt, cả thôn chúng tôi kiến nghị lên cấp trên và đầu tháng 8 vừa rồi mới được UBND huyện Lâm Hà đầu tư khoan một giếng nước công cộng. Giếng sâu 100 m, nước trong, sạch nên người dân tạm yên tâm”, ông Ha Li chia sẻ.
 
Đó cũng là tình trạng chung của hàng chục công trình nước sạch nông thôn khác trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Huề, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết thêm, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu, việc xây dựng không đồng bộ nên xuống cấp, hư hỏng.
 
Theo số liệu thống kê của Phòng Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 245 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được xây dựng 12 huyện, thành phố. Trong đó, có 59 công trình cấp nước tự chảy, 182 giếng khoan và 4 công trình khác. Các công trình trên cung cấp nước cho khoảng 15.998 hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 4 công trình được đánh giá hoạt động bền vững, chiếm tỉ lệ 1,6%;  68 công trình (giếng khoan, nước tự chảy...) hoạt động tương đối bền vững, chiếm tỷ lệ 27,8%; 112 công trình hoạt động không bền vững, chiếm tỷ lệ 45,7%  và 61 công trình không hoạt động, chiếm 24,9%.
 
Nhiều vấn đề đặt ra
 
Ông Phan Văn Hợi, Trưởng phòng Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng) cho rằng nguyên nhân của sự việc này xuất phát từ việc công tác quản lý, vận hành sau đầu tư chưa tốt, kinh phí duy tu, sửa chữa hạn chế.
 
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 64 công trình được giao Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng các huyện quản lý, nhưng trong đó không có công trình nào hoạt động bền vững. 
 
Cụ thể, có 12 công trình hoạt động bình thường, 41 công trình hoạt động kém và 11 công trình không hoạt động. Mặc dù các đơn vị này có con người, có kỹ thuật, song hiện đang kiêm nhiệm quá nhiều mảng, lại không có cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý, vận hành nên chỉ khắc phục được những hư hỏng nhỏ. Cũng theo ông Hợi: “Khi công trình hư hỏng thì huyện phải báo cáo, phải làm tờ trình xin chủ trương đề nghị cấp kinh phí sửa chữa. Quy trình sau đó thì cấp trên xem xét, kiểm tra... nên thời gian khắc phục kéo dài, dẫn đến việc hư hỏng ngày càng nặng. Bởi đặc thù các công trình nước sạch nếu ngưng hoạt động trong một thời gian, những tác động nội lực và ngoại lực sẽ càng hư hỏng thêm”. Và càng khó khăn hơn đối với 181 công trình thuộc UBND các xã quản lý, bởi đa số các địa phương chọn giải pháp giao lại cho người dân, tổ tự quản quản lý, vận hành. Do nhân lực không có chuyên môn, chỉ được đào tạo qua các lớp tập huấn và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên không khắc phục được các sự cố dù nhỏ. Điều này dẫn đến việc có tới 71 công trình hoạt động kém và 50 công trình không hoạt động. 
 
Ngoài những lý do trên, hiện nay, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng đã lâu, việc đầu tư thiếu đồng bộ (nhiều công trình không có thiết bị xử lý nước hoặc thiết bị xử lý nước đã lạc hậu) nên qua thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Các công trình cấp nước đa phần nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nên ý thức sử dụng nước và bảo vệ của người dân còn hạn chế, hoặc công trình bị hư hỏng do tác động của thiên tai. Khó khăn trong việc thu tiền sử dụng nước sinh hoạt có 201/245 công trình thu không đủ bù chi. Mặt khác, do nguồn kinh phí hàng năm bố trí cho việc duy tu, sửa chữa các công trình có hạn, dẫn đến nhiều công trình ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém bền vững.
 
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để sửa chữa và nâng cấp các công trình nước sạch tập trung ở nông thôn. Theo đó, tỉnh có kế hoạch đầu tư xây mới 105 công trình với tổng kinh phí khoảng 607 tỷ đồng, để cấp nước cho khoảng 21 nghìn hộ dân. Trong đó có 78 tỷ đồng dùng sửa chữa, nâng cấp 89 công trình, 529 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 16 công trình.
 
NGỌC NGÀ